Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XIV

15/11/2016

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, sáng 15/11, tại Hội trường Diên Hồng- Nhà Quốc hội, Quốc hội đã tổ chức khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Đây là Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tiến hành hoạt động này theo quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn                Ảnh: Đình Nam

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tính đến cuối ngày 14/11, đã có 89 phiếu chất vấn gửi đến các thành viên Chính phủ, với 100 câu hỏi chất vấn của 44 vị đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Thông qua phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận được 152 vấn đề mà đại biểu Quốc hội đề xuất để chất vấn tại Kỳ họp này. Bên cạnh đó, theo Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã có 2.986 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, thời gian qua, thông qua hoạt động chất vấn nói riêng và hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung, các Bộ trưởng, Trưởng các cơ quan, Trưởng ngành đã quan tâm rất nhiều đến lĩnh vực được phân công phụ trách, đã tích cực khắc phục các hạn chế, bất cập trong quản lý để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Căn cứ vào quy định của pháp luật, cách thức tiến hành chất vấn lần này được kế thừa và đổi mới theo hướng lấy nhóm vấn đề làm trọng tâm, những nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý, điều hành của "ai thì người đó sẽ trực tiếp trả lời". Việc chất vấn và trả lời chất vấn trên tinh thần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tăng cường đối thoại, tranh luận, bám sát và đi đến cùng nhằm giải quyết vấn đề bức xúc trong đời sống một cách thiết thực, hiệu quả nhất, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của cử tri, nhân dân. Ngoài ra, các chất vấn khác mà nằm ngoài vấn đề, Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ cũng sẽ tiếp nhận và trả lời bằng văn bản sau cho đại biểu Quốc hội.

Tại Kỳ họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực của Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ. Các Bộ trưởng của các Bộ trên sẽ trả lời trực tiếp, sau đó Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội và trực tiếp trả lời chất vấn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội tại Hội trường.Trong quá trình các Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trả lời chất vấn, Chủ tọa có thể đề nghị làm rõ thêm, hoặc theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đề nghị Bộ trưởng báo cáo chi tiết hơn từng vấn đề có liên quan.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Việc chất vấn và trả lời chất vấn trên tinh thần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan

Với khoảng thời gian dành cho chất vấn tại Kỳ họp là 2,5 ngày, để hoạt động chất vấn đạt được kết quả, yêu cầu như mong muốn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, không bình luận và giải thích nhiều trong câu hỏi; đề nghị không đặt câu hỏi mang tính tìm hiểu thông tin, “xin bộ trưởng cho biết vấn đề này, vấn đề kia” mà hỏi thẳng vào trách nhiệm của Bộ trưởng trong công tác quản lý, điều hành lĩnh vực, ngành được phân công phụ trách. Mỗi một câu hỏi tối đa không quá 2 phút. Trường hợp còn có vấn đề cần phải tranh luận hoặc là không hài lòng với trả lời của Bộ trưởng thì đại biểu có thể giơ biển tranh luận. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, mỗi một đại biểu nên tranh luận một lần để dành thời gian cho các đại biểu khác tiến hành chất vấn cũng như dành thời gian cho các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ trả lời ngắn, gọn, đi vào đúng trọng tâm vấn đề mà đại biểu đặt ra câu hỏi. Những vấn đề mà phải có số liệu chứng minh, những vấn đề cần có diễn giải, giải trình nhiều thì Bộ trưởng có thể nói về chủ trương, chính sách và các giải pháp của Bộ. Những chi tiết cần phải giải trình rõ thì Bộ trưởng có thể gửi Báo cáo để đại biểu Quốc hội nắm rõ hơn vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm vào sau phiên chất vấn này.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sau hoạt động chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để nâng cao năng lực điều hành, thi hành Nghị quyết của Quốc hội và có cơ sở để các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát lời hứa của các thành viên Chính phủ.

+ Tiếp đó, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đã trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.

+ Sau đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh sẽ trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công an, Quốc phòng tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan.

Quang Minh