Bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11

14/12/2016

Sau 2 ngày làm việc với 9 phiên thảo luận gồm nhiều chủ đề khác nhau, tối 13/12 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Hội nghị Thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11 đã tiến hành phiên Bế mạc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu nước ta đã tới dự và chứng kiến Lễ chính thức thông qua Tuyên bố Abu Dhabi: “Đoàn kết để định hình tương lai, vì một thế giới tốt đẹp hơn”.

Chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11 là “Đoàn kết để định hình tương lai”. Hội nghị đã thảo luận về vai trò của nghị viện, sự tham gia của các nữ Chủ tịch trong việc giải quyết các thách thức vì sự tiến bộ xã hội và thịnh vượng bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự phiên bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu tham dự Hội nghị nhằm tiếp tục thể hiện chính sách tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trên các diễn đàn nghị viện khu vực và thế giới, đồng thời khẳng định chính sách bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước ta.

Tại Hội nghị lần này, Việt Nam đã tham gia tích cực ở tất cả các phiên họp thảo luận. Các ý kiến đóng góp của Đoàn Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Nhiều ý kiến đóng góp của Việt Nam đã được tiếp thu và thể hiện trong bản Tuyên bố chung Abu Dhabi. Đặc biệt, Việt Nan đề xuất nguyên tắc tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp và xung đột, bằng biện pháp hòa bình vì đây là một trong những yếu tố then chốt nhằm giữ vững được hòa bình, an ninh là nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện và bền vững của nhân loại.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới Saber Chowdhury, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc gia UAE Amal Al Qubaisi nêu rõ, sau 2 ngày làm việc khẩn trương, tích cực, Hội nghị Thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội lần thứ 11 đã kết thúc thành công tốt đẹp nhờ sự cố gắng, nỗ lực với chất lượng chuyên môn cao của toàn thể các Đoàn đại biểu tham dự.

Hội nghị Thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội lần thứ 11 đã thống nhất thông qua “Tuyên bố Abu Dhabi” thống nhất “Đoàn kết để định hình tương lai” thông qua cam kết hợp tác và thúc đẩy quan hệ đối tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân và xã hội nói chung để giải quyết các thách thức mà thế giới chúng ta đang đối mặt.

Hội nghị nhất trí cho rằng về hòa bình và an ninh, các Nghị viện giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, duy trì hòa bình và an ninh. Là thể chế mang tính đại diện, thông qua chức năng lập pháp và giám sát, các Nghị viện có thể có những biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn bạo lực và xung đột cũng như thúc đẩy giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, kể cả đối thoại và hòa giải, tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế. Đối thoại và hợp tác liên nghị viện có thể thúc đẩy hòa bình giữa các quốc gia. Để chiến thắng chủ nghĩa khủng bố đòi hỏi các Nghị viện hợp tác với nhau và với các chính phủ, xã hội dân sự- trong đó có thanh thiếu niên- các nhà lãnh đạo và các nhóm tôn giáo. Thúc đẩy hòa bình và an ninh phải dựa trên bảo vệ, thúc đẩy quyền con người và các giá trị của lòng khoan dung, sự bao trùm, bình đẳng và đối thoại.

Về xã hội hòa nhập, không phân biệt giới tính, tuổi tác, chủng tộc, giai cấp, địa lý hay tôn giáo, xã hội bao trùm phải trao quyền cho mọi thành viên. Việc gạt thành viên ra ngoài lề xã hội có thể dẫn đến chủ nghĩa bạo lực cực đoan, thậm chí là chủ nghĩa khủng bố. Dù thế giới đã đạt được các tiến bộ song vẫn còn nhiều việc phải làm trên mọi mặt trận, đặc biệt trong lĩnh vực quan trọng là bình đẳng giới. Để đạt được xã hội bao trùm hơn, các nghị viện phải giữ vai trò tích cực trong giải quyết phân biệt đối xử và xóa bỏ bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em gái. Các nghị viện phải đảm bảo mọi phụ nữ, trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới tồn tại, phát triển và phát huy hết tiềm năng, tăng cường giáo dục đối với trẻ em nữ. Các nghị viện cũng phải thúc đẩy sự khoan dung, công bằng kinh tế, bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và việc làm, trao quyền kinh tế cho phụ nữ và tham gia bình đẳng vào tiến trình chính trị bao gồm những cơ chế ra quyết định.

Về thịnh vượng về kinh tế và chất lượng cuộc sống, Hội nghị nhất trí cho rằng, các xu hướng lớn trên nhiều lĩnh vực ảnh hưởng đến thịnh vượng về kinh tế và chất lượng cuộc sống. Những xu hướng đó là: đổi mới, biến chuyển trong khoa học và công nghệ, cục diện địa chính trị thay đổi, khan hiếm tài nguyên, mất an ninh, siêu đô thị hóa và già hóa dân số. Các thách thức lớn đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn là tỷ lệ thất nghiệp cao, dai dẳng, đặc biệt trong giới trẻ; nợ cao ở các nước phát triển và đang phát triển; tăng trưởng chậm, và bất bình đẳng gia tăng. Như vậy, các nghị viện cần phát triển các khung tổng thể và các kế hoạch hành động vượt qua các thách thức này, giải quyết tình trạng bất bình đẳng, tận dụng cơ hội do các xu hướng lớn nói trên mang lại và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, công bằng giữa các quốc gia và trong mỗi quốc gia.

Về biến đổi khí hậu và tình trạng khan hiếm tài nguyên, Nghị viện có thể và cần phải thúc đẩy phê chuẩn Thỏa thuận Paris và thực hiện mọi hành động cần thiết để thực thi Thỏa thuận này. Nghị viện phải ban hành các luật thiết thực, phù hợp và thiết lập khuôn khổ pháp lý để dần dần giảm dấu chân carbon ở các nước, trong khi tiếp tục phát triển kinh tế và tạo cơ hội cho tất cả mọi người, kể cả những người thiệt thòi nhất. Thông qua công tác lập pháp và giám sát đối với chính phủ, các nghị viện phải khuyến khích những sáng kiến cần thiết để cung cấp năng lượng sạch trên quy mô lớn. Các Nghị viện phải đóng góp bảo vệ và đảm bảo sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên nước. Các Nghị viện cũng phải xem xét ban hành luật để bảo vệ môi trường sống tự nhiên, đa dạng sinh học và toàn bộ hệ sinh thái. Trên bình diện quốc tế, các Nghị viện cần phải đảm bảo cung cấp tài chính để duy trì và tái tạo trầm tích các-bon trên thế giới.

Về sự tham gia của công dân, các nghị viện ngày nay có nhiều cơ hội lớn để gia tăng đáng kể sự tham gia của công dân thông qua các nền tảng thông tin di động và mạng xã hội; song cũng phải ban hành luật thích hợp, hợp tác với chính phủ và các cơ quan tư pháp để hạn chế việc lạm dụng thông tin di động nhằm thực hiện các hành vi phạm tội, hoặc của các tổ chức khủng bố vì lợi ích chính trị.

Về thúc đẩy lòng khoan dung, Hội nghị nhất trí cho rằng không khoan dung dẫn tới bạo lực, phân biệt đối xử và khủng bố. Các nghị viện có thể và cần phải khuyến khích lòng khoan dung bằng hoạt động lập pháp, hoạch định chính sách và các cuộc thảo luận tại nghị viện; hợp tác với chính phủ, các cơ quan tư pháp, xã hội dân sự và các lãnh đạo tôn giáo. Các nghị viện cần đi đầu bằng cách làm gương, hành động với tư cách là các thể chế đại diện và bao trùm trên các khía cạnh: thành phần, quy trình và thủ tục.

Về đổi mới trong khoa học và công nghệ, Hội nghị  cho rằng chất lượng cuộc sống của có thể được cải thiện đáng kể nhờ thành quả của sự đổi mới khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, chúng ta có thể phải trả giá cho điều này nếu các nghị viện không bắt đầu tìm cách giải quyết các vấn đề liên quan đến đạo đức và luân lý của tiến bộ công nghệ, trong đó có: quyền con người, chẳng hạn như quyền riêng tư; các vấn đề toàn cầu như an ninh; các vấn đề kinh tế như khoảng cách số dẫn tới khoảng cách kiến thức; và việc làm như robot hình dạng người thay thế con người.

Các nước tham dự Hội nghị cam kết, đặt hạnh phúc của người dân, hòa bình, thịnh vượng và sự toàn vẹn của hành tinh này và nhân loại vào vị trí cốt lõi trong các mục tiêu chiến lược của nghị viện, và vào vị trí trung tâm trong nỗ lực phát triển của chúng ta; Thông qua hành động của nghị viện, đóng góp để đáp ứng các nhu cầu của mọi người dân, bao gồm cả những nhu cầu về kinh tế xã hội của những người thiệt thòi; cải thiện sức khỏe và an sinh về kinh tế- xã hội của tất cả mọi người và trên hết là của phụ nữ và trẻ em gái;  Tận dụng các cơ hội trong kỷ nguyên số này, mở ra đối với các nghị viện và công dân tham gia vào các tiến trình của nghị viện và tăng cường hợp tác quốc tế để thu hẹp khoảng cách số giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển. Hợp tác với tất cả các bên liên quan, các cơ quan hành pháp, khu vực tư nhân và các đại diện xã hội dân sự, đặc biệt là thanh niên, để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, cũng là chương trình nghị sự cho tương lai của chúng ta;

Hội nghị thống nhất đề nghị IPU xem xét một bản tuyên bố nghị viện quốc tế về sự khoan dung hướng tới thúc đẩy và gìn giữ các giá trị của con người và nguyên tắc khoan dung để thúc đẩy hòa bình, an ninh và chống khủng bố, chống chủ nghĩa bạo lực cực đoan; Chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm để thúc đẩy lòng khoan dung và tôn trọng lẫn nhau để chuẩn bị cho tương lai.

Thế Hiếu

Các bài viết khác