Khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận 05 dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3

03/04/2017

Sáng ngày 3/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 05 dự án luật, làm cơ sở tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Các dự án luật được xem xét, thảo luận tại Hội nghị gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật quy hoạch. Dự kiến chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra từ ngày 3 đến 5/4/2017.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách nhằm thảo luận xem xét các dự án Luật trước khi trình Quốc hội đã trở thành hoạt động thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động lập pháp của Quốc hội, càng thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đồng thời nâng cao chất lượng các dự luật trình Quốc hội. Sau khi xem xét các nội dung trên cơ sở đề xuất của thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức Hội nghị nhằm thảo luận, góp ý một số vấn đề quan trọng, còn nhiều ý kiến khác nhau của 05 dự án luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và Luật quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: đây là những dự án luật quan trọng đã được Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 và được các cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, để tiếp tục thể chế hóa Cương lĩnh, các Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 và bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, việc ban hành các luật này là rất cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp làm cơ sở cho đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới, góp phần bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo đảm phù hợp với tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp; phòng ngừa có hiệu quả hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của nước ta. Thứ hai, nhằm tạo cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, bảo đảm mọi chủ thể thuộc các thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh một cách bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh theo pháp luật, bảo đảm phát triển bền vững các ngành kinh tế. Thứ ba, nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tài sản công góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, sử dụng tài sản công. Thứ tư, nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy hoạch từ trung ương đến địa phương góp phần tối ưu hóa hiệu quả sử dụng các nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước.

Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ nghe chủ nhiệm các cơ quan chủ trì thẩm tra trình bày báo cáo về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV và dự kiến phương án chỉnh lý bước đầu của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án; đồng thời phát biểu ý kiến, góp ý cụ thể vào các hướng tiếp thu chỉnh lý của dự thảo.

Khẳng định, kết quả của Hội nghị có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ của các dự án Luật và là tiền đề để triển khai các hoạt động nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị phát huy trí tuệ, tinh thần, trách nhiệm, tham gia thảo luận, trao đổi ý kiến xác đáng để góp phần vào thành công chung của Hội nghị.

Trong phiên làm việc buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Theo đó, một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật còn Về mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với Tội tài trợ khủng bố và Tội rửa tiền; Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; các điều luật có khoản quy định nhắc lại cấu thành cơ bản; sửa đổi một số điều luật có quy định tình tiết từ định lượng sang định tính; quy định chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; quy định số lượng, khối lượng, thể tích, giá trị đối với hàng cấm làm căn cứ định tội, định khung hình phạt; Về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác có liên quan đến hoạt động ngân hàng; Về Tội gây ô nhiễm môi trường; Về Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; Về không tố giác tội phạm và Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối.

Bảo Yến

Các bài viết khác