Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm việc tại tỉnh Ninh Thuận

14/04/2017

Ngày 12/4, đoàn công tác của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2016 và ba tháng đầu năm 2017.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh đã báo cáo với đoàn công tác, mặc dù trong năm 2016, tình hình nắng hạn gay gắt và kéo dài đã có nhiều tác động tiêu cực đến thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Ninh Thuận vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục duy trì ổn định và có những chuyển biến tích cực với những chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đặt ra. Cụ thể: Giá trị sản xuất toàn ngành nông – lâm – ngư nghiệp ước đạt 8.994 tỷ đồng, các ngành dịch vụ tăng khá; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng cao; thu ngân sách đạt 2.088 tỷ đồng, tăng 16,4%...

Công tác chống hạn được triển khai với tinh thần chủ động, khẩn trương bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của từng vùng trong tỉnh. Bộ máy hành chính các cấp được phát huy, bám sát và triển khai đầy đủ, kịp thời, quyết liệt thực hiện các chương trình trọng điểm bằng những giải pháp đột phá trong thu hút nguồn nhân lực, đổi mới thu hút đầu tư. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra sai sót, công tác chăm lo các đối tượng chính sách và nhân dân vùng hạn được thực hiện tốt hơn, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Kết thúc quý I-2017, kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận tiếp tục duy trì ổn định. So cùng kỳ, tổng giá trị sản xuất các ngành đạt 6.079 tỷ đồng, tăng 12,6%. Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 29,2%, công nghiệp – xây dựng tăng 4,3%, dịch vụ tăng 9,5%, thu ngân sách tăng 7,1%, du khách nước ngoài tăng 47%, xuất khẩu lao động tăng bốn lần.

Liên quan đến việc triển khai Nghị quyết số 31, ngày 22-11-2016, của Quốc hội về việc dừng triển khai nhà máy điện hạt nhân có ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện kinh tế cũng như kết cấu hạ tầng và thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Qua đó, tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Quốc hội quan tâm hỗ trợ tỉnh sớm thành lập trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước với quy mô công suất từ 5.000 - 6.000 MW. Trước mắt, từ nay đến năm 2020, cho chủ trương thực hiện thí điểm mô hình 2.000 MW; quan tâm đến vấn đề phát triển các nhà máy thủy điện tích năng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tỉnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội hội ứng phó với biến đổi khí hậu; bổ sung thực hiện dự án cảng biển Cà Ná tạo động lực phát triển; kiến nghị kết nối giao thông của tỉnh với hệ thống đường cao tốc bắc - nam, áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù như Tây Nguyên đối với một số vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Bắc Việt đã thông tin với đoàn công tác về tâm tư, nguyện vọng của người dân xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải sau khi tiếp nhận thông tin của Quốc hội về việc tạm dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận và đề nghị Chính phủ sớm phân bổ nguồn vốn đầu tư công đối với một số dự án trọng điểm được triển khai trên địa bàn tỉnh, để giúp người dân sớm ổn định đời sống.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao những kết quả về kinh tế-xã hội mà Đảng bộ, chính quyền và nhân nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã đạt được trong năm 2016 và quý I-2017; nhất trí các giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ninh Thuận tiếp tục nghiên cứu đề xuất cụ thể, kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách, cơ chế đặc thù đối với các vùng dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo Nghị quyết số 31 của Quốc hội.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Ninh Thuận cần chú trọng hơn nữa về phát triển nông nghiệp hữu cơ, lựa chọn những sản phẩm đặc thù để phát triển, đẩy mạnh các phương pháp tưới tiêu, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất. Để phát triển du lịch, tỉnh cần nhìn nhận thế mạnh của mình là việc rút kinh nghiệm từ các tỉnh lân cận để phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù; phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, các thiết chế văn hóa kết hợp với làm du lịch để thu hút du khách đến với Ninh Thuận.

Đoàn công tác cũng đánh giá cao định hướng phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, tỉnh cần lưu ý đến vấn đề quản lý hạ tầng kỹ thuật, giá bán điện sao cho phù hợp, mang lại hiệu quả để hòa vào lưới điện Quốc gia.

Đối với dự án khu công nghiệp Cà Ná, Phó Chủ tịch Quốc hội để nghị tỉnh cần cân nhắc đối với dự án luyện thép trong vấn đề lợi nhuận, vấn đề tác động đến môi trường. Về xây dựng cảng biển, tỉnh cần tính toán đến quy mô dự án, vấn đề kết nối với tuyến hàng hải quốc tế và giao thông liên vùng.

Đoàn công tác đã ghi nhận các kiến nghị khác của tỉnh và sẽ trình lên Quốc hội, Chính phủ xem xét giải quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Thuận tiếp tục đoàn kết, nhất trí, quyết tâm vượt khó để thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh ngày ổn định, phát triển.

(Theo Nhân dân)