Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao

11/09/2017

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 14, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, chiều 11/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp                                                              Ảnh: Đình Nam

Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, qua tổng kết thực tiễn mười năm thi hành, Luật thể dục, thể thao, đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực: tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và phát triển sự nghiệp thể dục thể thao; tạo ra bước chuyển biến căn bản trong nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tác dụng của thể dục, thể thao trong việc bảo vệ, nâng cao sức khoẻ... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đến nay Luật Thể dục, thể thao đã bộc lộ một số bất cập dẫn đến việc khó thi hành trong thực tế. Do vậy, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao trong thời điểm hiện tại là rất cần thiết.

Theo Tờ trình, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao dự kiến trực tiếp sửa đổi, bổ sung 22 điều, giữ nguyên 57 điều, bổ sung 1 điều mới; trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm: khuyến khích, thúc đẩy xã hội hoá hoạt động thể dục, thể thao; khắc phục những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động thể dục, thể thao; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong quản lý các hoạt động thể thao; sửa đổi tên gọi của cơ quan quản lý nhà nước về thể dục, thể thao trong Luật Thể dục, thể thao hiện hành để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tại phiên họp, trình bày ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Niên, Thiếu Niên và Nhi đồng về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, Thường trực Ủy ban nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Thể dục, thể thao năm 2006; bổ sung những vấn đề phát sinh trong thực tiễn liên quan đến hoạt động thể dục, thể thao; đồng thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực thể thao, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thể dục, thể thao phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, đồng thời đề nghị cơ quan trình dự án Luật tiếp tục nghiên cứu, xác định các nội dung cần chỉnh sửa để đảm bảo thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo sửa đổi Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Niên, Thiếu Niên và Nhi đồng đánh giá hồ sơ Dự án Luật được chuẩn bị tương đối đầy đủ, tuy nhiên, thời gian gửi hồ sơ chưa bảo đảm tiến độ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13. Nội dung một số tài liệu (Báo cáo đánh giá tác động, Báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới…) còn chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng. Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị cơ quan trình dự án Luật cần hoàn thiện các tài liệu trong hồ sơ dự án Luật, đặc biệt là nội dung Báo cáo đánh giá tác động theo hướng tiếp tục bổ sung đánh giá về chi phí, lợi ích, các tác động tích cực, tiêu cực về kinh tế, xã hội, pháp luật, thủ tục hành chính, giới, bảo đảm tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật. Bên cạnh đó, rà soát nội dung và hình thức văn bản; sắp xếp, trình bày lại các điều, khoản cho hợp lý và chặt chẽ hơn, đảm bảo kỹ thuật soạn thảo văn bản và kỹ thuật lập pháp

Cho ý kiến về dự án luật này tại phiên họp, các ý kiến phát biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội đều thể hiện sự nhất trí cao với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao để thể chế hoá đường lối của Đảng về phát triển thể dục, thể thao; sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan của Luật Thể dục, thể thao năm 2006 nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động thể dục, thể thao; tiếp tục thực hiện các quy định còn phù hợp của Luật Thể dục, thể thao và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn; bổ sung các chính sách khuyến khích, thúc đẩy xã hội hoá hoạt động thể dục, thể thao; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan ở Trung ương và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Thảo luận về các vấn đề cụ thể, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận về những nội dung liên quan đến phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án Luật; phát triển thể dục, thể thao quần chúng; thể dục, thể thao thành tích cao; thi đấu thể thao quần chúng; giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao; phát triển thể thao chuyên nghiệp và câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; cơ sở thể thao; đất đai dành cho thể dục, thể thao; tổ chức xã hội- nghề nghiệp về thể thao; quan điểm xã hội hóa và các chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực thể dục, thể thao...

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, hai nội dung về thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao là hai mảng quan trọng trong hoạt động thể dục, thể thao. Do vậy, đề nghị dự án Luật nên sửa đổi, tập trung mạnh vào thúc đẩy 2 mảng chính là thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng. Về thành tích cao, nên hướng đến đầu tư tập trung có trọng tâm, trọng điểm cho các môn thể thao thuộc danh mục thi Olympic, không nên đầu tư dàn trải; tương tự về thể thao quần chúng cũng cần sửa đổi, hướng mạnh đến vấn đề về chất lượng, tập trung vào những môn thể thao truyền thống như đẩy gậy, đánh gòn... Đồng thời, việc sửa đổi cũng cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách phát triển hệ thống các huấn huyện viên; có các cơ chế, chính sách thỏa đáng trong chăm lo cho các vận động động viên, nhất là những vận động viên có nhiều thành tích bởi theo Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển, trong sự nghiệp thể dục, thể thao, họ đã đổ rất nhiều mồ hôi, xương máu, thậm chí họ còn phải hy sinh cả hạnh phúc cá nhân của mình.

Về đặt cược thể thao, có ý kiến đề nghị cơ quan trình dự án Luật nghiên cứu, bổ sung quy định về đặt cược thể thao, giao Chính phủ quy định chi tiết và ban hành danh mục các hoạt động thể dục, thể thao được phép kinh doanh đặt cược nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế, cần có thời gian tổng kết, đánh giá trước khi quy định trong Luật, vì vậy, chưa nên quy định về đặt cược thể thao cũng như các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến đặt cược thể thao trong Dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp 

Ủng hộ quan điểm nên xây dựng quy định về đặt cược thể thao, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng cần phải có phân tích thuyết phục và cụ thể hơn; bảo đảm tính nguyên tắc, an ninh trật tự trong đặt cược thể thao và nguồn thu từ đặt cược phải được sử dụng để đầu tư cho phát triển thể dục, thể thao.

Nhấn mạnh tư tưởng mất bình đẳng giới trong thể dục, thể thao ở nước ta đang thể hiện ngày một rõ rệt, các vận động viên, các trận đấu thể thao nam luôn nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ tôn vinh hơn các vận động viên, các giải đấu nữ. Do vậy, để đảm bảo bình đẳng giới trong hoạt động thể dục, thể thao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Ban soạn thảo cần nghiên cứu, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới bằng các quy định cụ thể vào trong dự án Luật thể để khắc phục tình trạng này.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị cần đặc biệt quan tâm bổ sung chính sách khuyến khích hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực thể thao; xây dựng các chính sách cho những vận động viên giành được giải cao trong các cuộc thi thể thao quốc tế; huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các phong trào thể thao; nghiên cứu, bổ sung quy định nhằm phát triển thể thao chuyên nghiệp, xây dựng thể thao nhà nghề theo kịp xu hướng phát triển của thể thao thế giới; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động thể dục, thể thao; thúc đẩy phát triển thể thao học đường...

Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao với những quan điểm, những chính sách, những dự kiến sửa đổi, bổ sung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; đánh giá hồ sơ dự án Luật cơ bản đủ điều kiện để trình với Quốc hội; đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến của thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng như ý kiến thảo luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội hôm nay về các nội dung quy định đảm bảo công tác quản lý nhà nước trong hoạt động thể dục, thể thao; tập trung phát triển các môn thể thao truyền thống, thể thao thành tích cao có trọng tâm, trọng điểm, tránh lãng phí, tiêu cực; đảm bảo tính khả thi, sự bình đẳng giới khi sửa đổi, xây dựng luật... Bên cạnh đó, đảm bảo về thời gian gửi tài liệu cho cơ quan thẩm tra để có sự chuẩn bị Báo cáo trước khi trình Quốc hội cho tốt.

Thu Phương