Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tiếp Hội luật quốc tế Việt Nam

14/11/2017

Chiều 14/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã có buổi tiếp Hội luật quốc tế Việt Nam.

Tham dự buổi gặp còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Đức Mạnh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Hồng; Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Trương Trọng Nghĩa; Chủ tịch Hội luật quốc tế Việt Nam Nguyễn Bá Sơn cùng các thành viên Hội luật quốc tế Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tiếp Hội luật quốc tế Việt Nam

Bày tỏ vui mừng trước sự đón quan tâm, dành thời gian đón tiếp của lãnh đạo Quốc hội, Chủ tịch Hội luật quốc tế Việt Nam Nguyễn Bá Sơn chia sẻ Hội luật quốc tế Việt Nam được thành lập nhờ có sự quan tâm ủng hộ rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội.

Chủ tịch Hội luật quốc tế Việt Nam Nguyễn Bá Sơn cho biết, ngày 25 tháng 8 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã ký Quyết định số 2487/QĐ-BNG công nhận Ban vận động thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam. Sau một thời gian hoàn thiện các hồ sơ và thủ tục pháp lý, với sự tham gia, hưởng ứng tích cực của đông đảo các luật gia, luật sư, và cán bộ... hoạt động trong lĩnh vực Luật quốc tế, ngày 20 tháng 6 năm 2016, Hội Luật quốc tế Việt Nam đã chính thức được Bộ Nội vụ cho phép thành lập.

Hội Luật quốc tế Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của những công dân hoặc tổ chức Việt Nam đã hoặc đang hoạt động trong lĩnh vực Luật quốc tế, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, nhằm mục đích phát triển khoa học pháp lý quốc tế. Hội Luật quốc tế Việt Nam hoạt động trong phạm vi cả nước, theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, tự quản, tự đảm bảo kinh phí và không vì mục đích lợi nhuận.

Tôn chỉ mục đích hoạt động của Hội Luật quốc tế Việt Nam là nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, giáo dục, tuyên truyền, phổ biến và thực hành Luật quốc tế tại Việt Nam; Tạo diễn đàn thảo luận chung để chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm pháp lý quốc tế giữa các chuyên gia Luật quốc tế Việt Nam cũng như với các chuyên gia Luật quốc tế của các nước trên thế giới; Biên soạn và công bố các ấn phẩm đóng góp cho việc phổ biến và pháp triển khoa học pháp lý quốc tế; tiến tới phát hành Niên giám hoặc Tạp chí Luật quốc tế của Việt Nam; Tư vấn, cung cấp ý kiến độc lập cho Chính phủ về các vấn đề pháp luật quốc tế, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ hội nhập, góp phần vào việc giải quyết các tranh chấp quốc tế liên quan tới Việt Nam.

Mặc dù, Hội mới được thành lập song thời gian qua Hội đã tổ chức nhiều hoạt động tích cực, tạo điều kiện cho tất cả các thành viên tham gia với việc tổ chức định kỳ các cuộc họp của ban chấp hành và tổ chức tọa đàm về các vấn đề liên quan đến pháp luật quốc tế qua đó góp phần vào việc nghiên cứu phát triển khoa học pháp lý quốc tế, hỗ trợ ứng dụng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam có liên quan. Mong muốn, trong thời gian tới, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Hội ngày càng phát triển, có nhiều hoạt động tham gia đóng góp vào quá trình nghiên cứu, ứng dụng pháp luật quốc tế; cung cấp thông tin tham khảo cho đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng pháp luật.

Hiện nay Hội luật quốc tế Việt Nam có 300 thành viên trên cả nước với 21 ủy viên Ban chấp hành là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật, nhiều thành viên là đại biểu Quốc hội.  

Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu hoan nghênh và đánh giá cao sự ra đời của Hội luật quốc tế Việt Nam; chúc mừng thành công của Đại hội thành lập Hội luật quốc tế Việt Nam bầu ra Ban chấp hành, Ban thường vụ, thông quan điều lệ, tôn chỉ hoạt động của Hội; cùng với đó là những hoạt động thiết thực ban đầu góp phần khẳng định vai trò của Hội là một tổ chức được nhà nước công nhận.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của nước hiện nay thì không thể không tính đến yếu tố quốc tế trên mọi lĩnh vực, nhiều vấn đề cần dựa trên công pháp quốc tế, pháp luật quốc tế, tập quán quốc tế,

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mặc dù là tổ chức mới được thành lập, hạn chế về thời gian, kinh phí hoạt động song trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta, nhiều lĩnh vực liên quan đến pháp luật quốc tế thì Hội có rất nhiều triển vọng phát triển trong tương lai, đặc biệt là các thành viên của Hội đều là những chuyên gia hàng đầu, được đào tạo bài bản về khoa học pháp lý, pháp luật quốc tế.

Tán thành với mục tiêu, tôn chỉ hoạt động của Hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong thời gian tới, Hội cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học pháp lý quốc tế qua đó nâng cao nhận thức hiểu biết của giới luật gia, cán bộ, công chức góp phần phát triển hệ thống pháp luật có liên quan yếu tố nước ngoài; tích cực tham gia góp ý khách quan, sâu sắc, cung cấp thông tin tham khảo về các nội dung pháp luật quốc tế gắn với chương trình xây dựng luật của Quốc hội phát huy vai trò tham mưu phản biện về hoạt động của các cơ quan nhà nước. Đồng thời, tiếp tục từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh, trong đó vai trò của Ban thường vụ, Ban chấp hành là vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động của hội, thu hút thêm nhiều sự tham gia của các chuyên gia, cán bộ, thu hút tài trợ tạo điều kiện hoạt động cho Hội trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, bằng những hoạt động thiết thực của mình, Hội sẽ có thêm nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước, khẳng định vị trí vai trò của mình góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế. 

Tin và ảnh: Bảo Yến