CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN ĐẾN SIEM RIEP, CAMPUCHIA THAM DỰ APPF - 27

14/01/2019

15 giờ 45 chiều ngày 14/01, chuyên cơ chở Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam hạ cánh tại sân bay Siem Reap (Campuchia) tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 27 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF 27).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến Siem Riep, Campuchia, tham dự Hội Nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 27 (APPF - 27)

Đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại sân bay Siem Reap có Tổng thư ký Quốc hội Camphuchia Leng Peng Long, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Ban thư ký Hạ viện, một số cán bộ Ban Tổ chức APPF-27 và cán bộ lễ tân Camphuchia. Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Camphuchia Vũ Quang Minh và Tổng Lãnh sự Lê Tuấn Khanh. Cùng tham gia đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại sân bay có đại diện các tầng lớp nhân dân Campuchia; đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Campuchia.

Hội nghị APPF-27 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến mới, phức tạp chịu tác động của nhiều nhân tố như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn nhằm tập hợp lực lượng ngày càng gay gắt. Sự căng thẳng giữa Mỹ-Trung bao trùm Diễn đàn Hợp tác kinh tế APEC năm 2018 và Hội nghị không ra được Tuyên bố chung cho thấy những nguy cơ tác động tới sự tồn tại và phát triển đối với cơ chế hợp tác đa phương ở châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ - Nhật cùng với Ấn Độ và Úc tích cực thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trung Quốc tập trung vận động các nước tham gia vào sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Tình hình bán đảo Triều Tiên, quan hệ liên Triều có nhiều tiến triển tích cực nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì sự bế tắc giữa Mỹ và Triều Tiên do các lập trường cứng rắn và trái ngược giữa hai bên đang khiến quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên chưa đạt tiến triển rõ nét kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ở Đông Nam Á, về tổng thể vẫn duy trì được hòa bình, ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế ở mức khá, tuy nhiên ASEAN tiếp tục đối mặt với những vấn đề như Biển Đông, vấn đề người Rôhingya tiếp tục là “phép thử” đối với sự đoàn kết trong khu vực.

Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại sân bay

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị APPF-27 nhằm tiếp tục thực hiện chủ động tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương, phát huy vai trò và vị thế của ta tại diễn đàn này, góp phần thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao chung của Nhà nước ta vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Đây cũng là dịp để các đại biểu Quốc hội nước ta tiếp xúc và trao đổi với nghị sĩ các nước về những mối quan tâm chung của khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, Quốc hội nước ta tham dự Hội nghị APPF-27 với vai trò là nước chủ nhà của Hội nghị APPF-26, góp phần làm nổi bật những đóng góp của Quốc hội Việt Nam đối với sự phát triển của APPF. Tại Hội nghị APPF-27, Chủ tịch Quốc hội sẽ có bài phát biểu tại Lễ khai mạc với tư cách là Chủ tịch tiền nhiệm - Chủ tịch APPF-26; thành viên Đoàn sẽ tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận về các vấn đề chính trị và an ninh, các vấn đề kinh tế và hợp tác tại khu vực CA-TBD và tham gia Ủy ban soạn thảo nghị quyết, Thông cáo chung và Tuyên bố Siem Reap.

Lễ đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại sân bay Quốc tế Siem Riep, Campuchia

Trong khuôn khổ APPF-27, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có cuộc gặp Tổng Thư ký Quốc hội Vương quốc Campuchia Leng Peng Long.

Bày tỏ vui mừng được gặp lại Tổng Thư ký Quốc hội Quốc hội Việt Nam, Tổng Thư ký Quốc hội Campuchia Leng Peng Long cho biết, Đảng Nhân dân Campuchia và nhân dân Campuchia luôn ghi nhớ công lao và sự giúp đỡ to lớn mà Việt Nam đã dành cho Campuchia trong cuộc đấu tranh chống nạn diệt chủng trước đây; khẳng định, sẽ luôn nỗ lực làm việc, gìn giữ và thúc đẩy mối quan hệ với Việt Nam, người bạn đặc biệt, người anh em gần gũi với Campuchia, không chỉ cho thế hệ hiện tại mà còn cho các thế hệ tương lai.

Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có cuộc gặp Tổng Thư ký Quốc hội Vương quốc Campuchia Leng Peng Long.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước đang diễn ra rất tốt đẹp. Hai bên đã thực hiện tốt các nội dung trong Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội được ký kết năm 2012, thường xuyên trao đổi Đoàn cấp cao, các cơ quan chuyên môn và Nhóm nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội hai nước.

Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Campuchia cũng đã ký Thỏa thuận hợp tác từ năm 2009. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai các hoạt động hợp tác giữa cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội hai nước. Trong thời gian qua, nhiều hoạt động hợp tác thiết thực đã được triển khai hiệu quả. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2015 đã hoàn thiện Dự án hỗ trợ hệ thống máy tính cho Ban Thư ký Quốc hội và Thượng viện Campuchia. Hàng năm, Kế hoạch hỗ trợ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Ban Thư ký Quốc hội và Thượng viện Campuchia cũng được thực hiện hết sức tích cực. Với vai trò là Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh sẽ thúc đẩy triển khai thực hiện các thỏa thuận đã ký giữa Quốc hội hai nước cũng như giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Campuchia đạt hiệu quả cao nhất.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu phục vụ Quốc hội hai nước và góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa nghị viện hai nước, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị hai bên thúc đẩy tiến hành trao đổi các đoàn nghiên cứu, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau; Xem xét tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc giao lưu công tác với các chuyên đề và hình thức và quy mô phù hợp để trao đổi thông tin và kinh nghiệm chuyên môn; Phối hợp trong việc phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội mỗi nước hoạt động tại các diễn đàn liên Nghị viện khu vực và quốc tế; Thúc đẩy việc trao đổi tư liệu, văn bản pháp luật và thông tin liên quan đến hoạt động của Quốc hội mỗi nước; Tiến hành hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc tăng cường năng lực cho bộ máy giúp việc của hai bên, theo khả năng thực tế của mỗi bên, phù hợp với chương trình hợp tác chung giữa Quốc hội hai nước./.

 

Hải Yến - Quang Sỹ