TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ THỎA THUẬN HỢP TÁC GIỮA QUỐC HỘI VIỆT NAM VÀ QUỐC HỘI LÀO

05/03/2019

Phát biểu tại Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm hoạt động của chính quyền địa phương” giữa Thành phố Hà Nội và Đoàn Đại biểu cao cấp Quốc hội Lào sáng 05/3 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, Hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng để hai nước tiếp tục trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực khác nhau, thiết thực triển khai thực hiện tốt Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định: Quán triệt tinh thần chỉ đạo của hai Bộ Chính trị tại các cuộc gặp cấp cao hàng năm, Quốc hội hai nước Việt - Lào đã hợp tác chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và trên các diễn đàn song phương và đa phương, luôn ủng hộ lẫn nhau, giúp đỡ nhau, góp phần thiết thực đưa quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai Quốc hội đi vào chiều sâu, thiết thực và có hiệu quả cao.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Hội thảo.

Hai Quốc hội đã ký kết Thỏa thuận hợp tác vào tháng 7/2012 và tháng 3/2017. Đây là cơ sở để tiếp tục triển khai tích cực các hoạt động hợp tác hai Quốc hội. Với sự tin cậy, nỗ lực với trách nhiệm cao của các đồng chí Chủ tịch Quốc hội các khóa, đến nay, quan hệ hai Quốc hội và các cơ quan của hai Quốc hội rất tốt đẹp, cụ thể là:

- Hai bên đã tiến hành việc trao đổi đoàn lãnh đạo của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhóm nghị sỹ hữu nghị và các đoàn Đại biểu Quốc hội khu vực bầu cử của Lào với các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương và Hội đồng nhân dân của Việt Nam; tổ chức các đoàn nghiên cứu, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau giữa Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào.

- Các Ủy ban của hai Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát hoạt động ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước.

- Hai bên đã thường xuyên trao đổi các văn bản pháp luật và những tư liệu khác cùng quan tâm; hỗ trợ lẫn nhau trong công tác đào tạo cán bộ, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở vật chất- kỹ thuật phù hợp với khả năng thực tế của mỗi bên, và chương trình hợp tác chung giữa hai nước.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị để trao đổi kinh nghiệm hoạt động của Quốc hội mỗi nước. Hội thảo lần này cũng là một trong những hoạt động quan trọng để hai nước tiếp tục trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực khác nhau, thiết thực triển khai thực hiện tốt Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội.

Đối với thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: là địa phương có nhiều kinh nghiệm quý trong hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, của Hội đồng nhân dân, Hà Nội có nhiều nghị quyết chuyên đề của Hội đồng nhân dân đi vào cuộc sống kịp thời như việc sáp nhập Thủ đô và tỉnh Hà Tây, việc kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ Thủ đô sau sáp nhập đều ổn định, đồng thuận cao. Nhiều kinh nghiệm của Hà Nội đã trực tiếp được Ủy ban thường vụ Quốc hội ghi nhận. Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong hoạt động giám sát chuyên đề, đặc biệt là về quy hoạch, về quản lý đất đai, về môi trường ở các làng nghề... Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những phiên làm việc với tập thể Lãnh đạo thành phố Hà Nội về chính sách phát triển kinh tế; về xây dựng chính quyền đô thị; về cơ chế tài chính đặc thù cho Thủ đô như chính sách thuế, phí; về những chính sách đặc thù trong quản lý đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Riêng về giải quyết kiến nghị của cử tri, Hà Nội đã tập trung cao độ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể, hội đồng nhân dân các cấp trong thực hiện quy định về tiếp dân, phối hợp với các cơ quan tiếp dân của trung ương đặt tại Hà Nội để tiếp dân và giải quyết kiến nghị của cử tri các tỉnh khác về khiếu kiện tại Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt phát huy vai trò của Hội đồng nhân dân thành phố trong việc ra nghị quyết, giám sát, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc trong việc tổ chức tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, trong việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp xây dựng Hiến pháp, pháp luật.

Có thể khẳng định, từ khi Luật Thủ đô được ban hành, việc triển khai thực hiện được tổ chức đồng bộ, hiệu quả. Tới đây, Quốc hội sẽ tiến hành sơ kết, tổng kết, nghiên cứu các cơ chế đặc thù được phân cấp và tiếp tục giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm hoạt động của chính quyền địa phương”

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng hy vọng rằng, sau cuộc Hội thảo này, từ những chia sẻ chân tình của các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội, đồng chí Chủ tịch và các bạn Lào sẽ có thể tham khảo những bài học kinh nghiệm về công tác quản lý đất đai; về chính sách khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ; việc giám sát và việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực thu, chi ngân sách nhà nước; về cơ chế phối hợp và triển khai nhiệm vụ giữa Hội đồng nhân dân Tp. Hà Nội với các ngành của địa phương, trong đó có việc giải quyết kiến nghị của người dân. Quan trọng nhất là tư duy và cách ra nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, Hội thảo các nội dung hôm nay bàn mới chỉ là bước đầu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Hà Nội sẽ tiếp tục có những phiên trao đổi kinh nghiệm chuyên đề với các đồng chí Lào, nhất là về khả năng phát triển và quản lý đô thị tầm cỡ như Hà Nội, các chính sách đặc thù mà Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết nghị, hiệu quả của các chính sách trong quản lý đô thị đặc biệt là Thủ đô.

Do yêu cầu của mỗi nước trong quá trình phát triển trong thời kỳ mới là khác nhau, nhưng điểm chung của Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào là có cùng mục tiêu lý tưởng, có kết quả chung của quá trình hợp tác toàn diện, quan hệ đặc biệt, nhằm thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận hợp tác hai Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan của hai Quốc hội tiếp tục phối hợp giám sát để góp phần triển khai hiệu quả các hiệp định hợp tác và thỏa thuận cấp cao hai nước. Tiếp tục tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ quản lý, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là trong lĩnh vực xây dựng thể chế, hệ thống pháp luật và giám sát thực hiện pháp luật. Quan tâm thúc đẩy hoạt động của hai Nhóm Nghị sỹ hữu nghị và giao lưu nhân dân hai nước.

Quốc hội Việt Nam luôn nhận thấy trách nhiệm và tình cảm tiếp tục cùng với các đồng chí trao đổi kinh nghiệm hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, bồi dưỡng cán bộ dân cử. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định: Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục cử các tổ công tác sang Lào báo cáo công tác trước Quốc hội và các đồng chí, các đồng chí cũng có thể cử các tổ công tác sang nghiên cứu sâu về việc xây dựng và thực hiện pháp luật liên quan đến các lĩnh vực được trao đổi, thảo luận hôm nay.

Việt Nam trước sau như một, luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào. Quan hệ Việt Nam – Lào là quy luật phát triển, nhân tố bảo đảm cho sự phát triển của cả hai nước, là tài sản vô giá được xây dựng bằng công sức, xương máu của các thế hệ lãnh đạo và các bậc tiền bối, các chiến sĩ cách mạng và nhân dân hai nước, cần được hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước gìn giữ, phát triển và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau./.

Hoàng Quỳnh - Nghĩa Đức