UỶ BAN PHÁP LUẬT CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC

26/03/2019

Sáng 26/3, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 17, dưới sự điều hành của Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Uỷ ban Pháp luật cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự và chỉ đạo phiên họp.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Theo đó, dự thảo Luật gồm ba điều, tập trung vào ba nhóm vấn đề: thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng được ghi rõ trong Nghị quyết; sửa đổi, bổ sung các điều để định hướng phát triển trong thời gian tới theo chủ trương, đường lối của Đảng và sửa đổi các nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang trình bày Báo cáo thẩm tra

Trình bày Báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đánh giá, thời gian qua cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, bám sát các chủ trương của Đảng trong các nghị quyết Trung ương 4,5,6,7,8; khẩn trương tổng kết thực tiễn thi hành các quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, toạ đàm, lấy ý kiến của các bộ ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp các quy định của luật và đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của các bộ, ngành, địa phưogn để xây dựng dự án Luật.

Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật đã thể hiện được yêu cầu đặt ra trong các nghị quyết Trung ương, thể hiện được tinh thần đổi mới trong công tác xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu tán thành các mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật và tán thành nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, các ý kiến cơ bản thống nhất với cách xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức nhằm thể chế hoá các chủ trương đã được xác định rõ tại các nghị quyết Trung ương về tiếp tục đổi mới công tác xây dựng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức và khắc phục được những bất cập trong thực tiễn thi hành là những vấn đề nổi trội, đã được thực tế kiểm nghiệm.

Cách xác định phạm vi như vậy là phù hợp với quỹ thời gian vật chất tương ứng để kịp chuẩn bị dự án Luật bảo đảm chất lượng trình Quốc hội thông qua chậm nhất là vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) như đã được xác định trong kế hoạch của Bộ Chính trị, kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội. Tuy nhiên, Uỷ ban Pháp luật đề nghị cơ quan trình dự án tiếp tục bổ sung rà soát nội dung các nghị quyết, kết luận của Trung ương để có thể bổ sung thể chế cụ thể hơn, sát hơn các yêu cầu trong nghị quyết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu chỉ đạo phiên họp

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật, cho rằng cần phải khẩn trương hoàn thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức trong năm 2019 theo quy trình 2 Kỳ họp, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019)./.

Vân Ngọc - Nghĩa Đức