CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN TIẾP HỘI HỮU NGHỊ MAROC – VIỆT NAM

29/03/2019

Chiều cùng ngày (theo giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tiếp Chủ tịch Hội hữu nghị Maroc – Việt Nam Elktili Mustapha. Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Maroc, các bộ, ngành địa phương đã có những hợp tác cụ thể với các bộ ngành của Maroc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tiếp Chủ tịch Hội hữu nghị Maroc – Việt Nam Elktili Mustapha.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vui mừng được gặp Ngài Chủ tịch Hội Hữu nghị Maroc - Việt Nam nhân chuyến thăm chính thức Vương quốc Maroc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thông báo mục đích chuyến thăm của Đoàn nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Maroc nói chung và giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Maroc nói riêng.

Chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước Châu Phi, trong đó Maroc là một đối tác ưu tiên tại khu vực Bắc Phi. Mong muốn hai Bên tiếp tục trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là Lãnh đạo cấp cao của hai nước và tăng cường giao lưu nhân dân. Việt Nam rất mong được đón Quốc vương Maroc thăm Việt Nam, tin tưởng đây sẽ là dấu mốc quan trọng và động lực mới thúc đẩy quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị kim Ngân phát biểu tại buổi tiếp

Chủ tịch Quốc hội cho rằng dù quan hệ giữa hai nước thời gian qua phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực; hai Bên đã thiết lập cơ chế Ủy ban hỗn hợp và tham vấn chính trị giữa hai nước, nhưng hợp tác kinh tế, thương mại giữa 2 nước mới chỉ con số khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai Bên. Vì vậy, Hội hữu nghị Maroc – Việt Nam với vai trò, nhiệm vụ và chức năng của mình tiếp tục vun đắp quan hệ chính trị tốt đẹp hai bên để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân hai nước. Cho rằng các hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước là một kênh ngoại giao quan trọng, góp phần thúc đẩy hợp tác hữu nghị giữa Nhà nước và nhân dân hai nước.

Chủ tịch Hội hữu nghị Maroc – Việt Nam Elktili Mustapha cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian tiếp, khẳng định với vai trò của Hội sẽ tiếp tục thúc đẩy và vun đắp quan hệ giữa Cơ quan lập pháp hai nước bởi đây là một trong những kênh hợp tác hiệu quả trong quan hệ Việt Nam - Maroc, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Chủ tịch Hội hữu nghị Ma rốc - Việt Nam khẳng định luôn nỗ lực nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với Nhà nước và nhân dân Maroc, vì lợi ích thiết thực và sự phồn vinh của hai nước, hai dân tộc, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch Hội hữu nghị Maroc – Việt Nam Elktili Mustapha và Đoàn đại biểu tại buổi tiếp

Hội hữu nghị Maroc-Việt Nam được thành lập ngay sau khi chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Maroc vào cuối năm 2017. Thời gian qua, Hội cũng đã thiết lập mối quan hệ với Hội Cựu chiến binh Việt Nam và có nhiều hợp tác. Nhân dịp này, Chủ tịch Hội hữu nghị Maroc - Việt Nam cảm ơn Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã hỗ trợ để yêu cầu đưa "cổng Maroc" - một phần di sản lịch sử chung giữa Việt Nam và Maroc, vào di sản được Unesco công nhận.  

Chủ tịch Hội hữu nghị Maroc Elktili Mustapha cho biết, hiện Hội đang biên soạn cuốn sách viết về những điểm chung của Maroc và Việt Nam nhằm giới thiệu cho thế hệ mai sau của Maroc hiểu hơn về lịch sử của hai nước; Các thành viên của Hội hữu nghị Maroc – Việt Nam sẽ làm hết sức mình phát huy ký ức chung của hai dân tộc, để làm đòn bẩy cho mối quan hệ của hai nước. 

Chủ tịch Quốc hội NguyễnThị Kim Ngân đánh giá cao những hoạt động thiết thực của Hội hữu nghị Maroc – Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam; ghi nhận đề nghị của Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Maroc và ông Elktili Mustapha, ngay sau khi trở về nước sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan của Việt Nam thúc đẩy việc thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam – Maroc.

* Hợp tác giữa Thành phố Tangier và Thành phố Đà Nẵng

Hội đồng thành phố Tangier, Vương quốc Maroc và Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tiến hành ký kết Thoả thuận ghi nhớ

Chiều ngày 28/3( giờ địa phương), Hội đồng thành phố Tangier, Vương quốc Maroc và Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã ký biên bản ghi nhớ, mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa thành phố Tangier - Maroc và thành phố Đà Nẵng - Việt Nam, góp phần tăng cường sự hiểu biết và quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Chính phủ và nhân dân hai nước Maroc và Việt Nam.

Đại diện Hội đồng thành phố Tangier và Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng ký kết Thoả thuận ghi nhớ 

Theo đó, hai Bên nhất trí thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác trong phạm vi thẩm quyền của mỗi bên, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với pháp luật và chính sách của Maroc và Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế mà hai nước là thành viên. Hai Bên nhất trí thúc đẩy hợp tác và trao đổi kinh nghiệm trên lĩnh vực quản lý và phát triển cảng biển và xúc tiến du lịch. Trên cơ sở bản ghi nhớ này, hai Bên sẽ tăng cường trao đổi và xúc tiến để thực hiện các dự án cụ thể trên các lĩnh vực mà hai bên thống nhất.

* Ký kết hợp tác giữa Bộ Năng lượng mỏ và phát triển bền vững Maroc với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam

Ký kết hợp tác giữa Bộ Năng lượng mỏ và phát triển bền vững Maroc với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam

Đây là bản Ghi nhớ được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bà Nezha El Ouafi - Quốc vụ khanh phụ trách lĩnh vực Phát triển bền vững của quý Bộ Thống nhất tại cuộc gặp bên lề Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu tháng 6 năm 2018 tại Đà Nẵng.

Trong quá trình phát triển, Việt Nam và Maroc cùng phải đối mặt những thách thức lớn do suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Để chuyển hóa những thách thức đó, bên cạnh nỗ lực của từng nước, hợp tác quốc tế là giải pháp để 2 Bộ chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong việc giải quyết những thách thức này phù hợp với điều kiện của mỗi nước.

 Lễ ký kết hợp tác giữa 2 Bộ của Maroc và Việt Nam

Việc ký kết biên bản hợp tácsẽ mở ra cơ hội hợp tác nhằm thúc đẩy quản lý hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của mỗi nước chúng ta. Đồng thời, việc thực hiện hiệu quả Bản ghi nhớ hợp tác này cũng là góp phần vào nỗ lực chung toàn cầu nhằm đưa nhân loại vượt qua khỏi các khủng hoảng về khí hậu, môi trường. Đây là những nguy cơ tiềm ẩn đối với sự ổn định xã hội của thế giới cũng như đối với mỗi nước. 

Sau khi ký kết, hai Bộ sẽ xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện hiệu quả Bản Ghi nhớ này, coi đây là một mẫu hình về hợp tác giữa Việt Nam và Maroc. 

* Ký kết hợp tác giữa Bộ Công nghiệp, Đầu tư, Thương mại và Kinh tế số của Maroc với Bộ Công thương Việt Nam

Toàn cảnh buổi làm việc 

Cũng trong chiều cùng ngày, lãnh đạo Bộ Công thương đã ký biên bản Ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp với Bộ Công nghiệp, Đầu tư, Thương mại và Kinh tế số của Maroc; đồng thời thành lập nhóm công tác Việt Nam – Maroc về hợp tác thương mại và công nghiệp bao gồm đại diện các vụ chức năng liên quan của hai Bộ.

Theo đó, hai Bên tăng cường trao đổi thông tin về các cơ hội kinh doanh giữa hai nước, nhất là về các ngành hàng có tiềm năng trao đổi thương mại như nông sản, hàng hải sản, sản phẩm dệt may, giày dép các loại, sợi các loại, điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, than và phốt phát; Thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mà hai Bên có thế mạnh như kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp điện tử và cơ khí, năng lượng tái tạo, dệt may, hoá chất, sản phẩm phân bón.

Ký kết hợp tác giữa Bộ Công nghiệp, Đầu tư, Thương mại và Kinh tế số của Maroc với Bộ Công thương Việt Nam

Đối với lĩnh vực sản xuất phân bón, hai Bên thúc đẩy hợp tác thông qua các hoat động trao đổi kinh nghiệm, công nghệ sản xuất, thương mại, liên doanh. Hai Bên sẽ trao đổi kinh nghiệm về cơ chế, chính sách phát triển thương mại và công nghiệp, thúc đẩy đầu tư và thành lập liên doanh giữa doanh nghiêp hai nước, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển các ngành hàng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp và kỹ thuật./.

 

 

 

Hải Yến - Quang Sỹ