PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI PHÙNG QUỐC HIỂN LÀM VIỆC VỚI BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VỀ AN NINH NGUỒN NƯỚC

26/02/2020

Sáng ngày 26/02, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã dự cuộc làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập.

Cùng tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Ủy ban Kinh tế; lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NN và PTNT… 


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về an ninh nguồn nước

Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Hồng Hiệp cho biết, tổng lượng nước mặt trung bình của tất cả các con sông tại nước ta khoảng 843 tỷ m3, trong đó có khoảng 520 tỷ m3 nước (chiếm 62% tổng lượng nước mặt) sản sinh ở bên ngoài lãnh thổ. Tổng lượng nước hiện đã khai thác, sử dụng trên lãnh thổ nước ta hàng năm khoảng 100 tỷ m3/năm, dự báo đến năm 2030 sẽ cần 111 tỷ m3/năm. Bộ NN và PTNT cũng đã đánh giá cụ thể ba thách thức về an ninh nguồn nước gồm: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường nước và mâu thuẫn trong sử dụng nước cũng như một số vấn đề đặt ra về an ninh nguồn nước đối với ngành nông nghiệp… Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Hiệp, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thủy lợi, phòng chống thiên tai cơ bản được hoàn thiện, song quy định về cấp nước sinh hoạt nông thôn còn khoảng trống, khi chưa quy định về cấp nước an toàn, cấp nước nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình… Nhiều công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn đang dần xuống cấp; chưa được thay đổi kịp công năng để đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp đa dạng, hiện đại.

Trước những thách thức về an ninh nguồn nước, Bộ NN và PTNT đề nghị, cần triển khai nghiên cứu mô hình tổ chức quản lý để từng bước tiến tới thu gọn đầu mối quản lý ngành nước, tránh phân tán ở nhiều ngành như hiện nay (ngành nông nghiệp, ngành tài nguyên và môi trường, ngành công thương…). Cùng với đó, cần xem xét, nghiên cứu xây dựng một luật về quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước để điều chỉnh toàn bộ các nội dung liên quan đến nước hiện được quy định tại Luật Thủy lợi, Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Tài nguyên nước…; bố trí đủ kinh phí ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để bảo trì, xử lý sự cố các hồ đập; chỉ đạo các địa phương bố trí đủ nguồn lực cho công tác này. 


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, tuy nước ta có hệ thống sông, suối dày đặc, lượng nước ngầm khá lớn, lượng mưa khá cao nhưng 3 thách thức đối với an ninh nguồn nước được Bộ NN và PTNT đưa ra cần phải được đánh giá kỹ lưỡng. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần thay đổi tư duy và có tầm nhìn dài hạn về an ninh nguồn nước, thủy lợi, công tác phát triển rừng. Bộ NN và PTNT cần chủ động phối hợp với các bộ liên quan tham mưu xây dựng các kịch bản gắn với tình huống xấu nhất liên quan đến an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống, thậm chí gắn với kinh tế, chính trị, an ninh toàn khu vực, hay sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng. 


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành giám sát về vấn đề an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập; đề nghị, Ủy ban phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành trong thu thập thông tin, số liệu, tiến hành khảo sát… để xây dựng báo cáo kết quả giám sát phản ánh được bức tranh toàn diện, khái quát liên quan đến những vấn đề đặt ra hiện nay trong lĩnh vực này. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nghiên cứu, tổ chức một phiên giải trình để làm sáng rõ hơn các thách thức và yêu cầu đặt ra đối với quản lý nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm an toàn hồ, đập…

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)