CÂN NHẮC BỔ SUNG BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ NGỪNG CUNG CẤP ĐIỆN, NƯỚC

28/07/2020

Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc bổ sung hình thức cưỡng chế ngừng cung cấp điện, nước vào trong dự thảo Luật.

Toàn cảnh phiên họp

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính Chính phủ trình lần này cũng đã bổ sung một số biện pháp cưỡng chế mới. Cụ thể, ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm; và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Thảo luận về vấn đề này, môt số ý kiến đại biếu đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp điện, nước” trong lần sửa đổi này; việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá tác động cụ thể khi sửa đổi toàn diện Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, việc bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp điện, nước” như dự thảo Luật quy định có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của cả các bên không liên quan. Để đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định đảm bảo làm sao việc bổ sung quy định này sẽ không làm ảnh hưởng đến các tố chức, cá nhân không liên quan.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu

Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển- Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp điện, nước” như dự thảo luật lần này nếu quy định không chặt chẽ sẽ gây ra thiệt hại lớn hơn nhiều so với mục đích ban đầu là cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính, như hư hỏng sản phẩm, máy móc của cả tổ chức, cá nhân có liên quan và không liên quan. Do vậy, đại biểu cho rằng, biện pháp cưỡng chế này cần phải xác định lại phạm vi, đối tượng áp dụng và chỉ nên áp dụng trong một số lĩnh vực như xây dựng, vui chơi giải trí, sản xuất hàng giả, hàng cấm…

Theo đại biểu Quốc hội Trần Tất Thế- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, liên quan đến quy định một số biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có hình thức ngừng cung cấp điện, nước nhằm mục đích buộc tổ chức, cá nhân vi phạm phải chấp hành quyết định xử phạt. Đại biểu cho rằng, bổ sung biện pháp cưỡng chế cắt điện, nước hay biện pháp ngăn chặn chưa có tính khả thi cao và trái với nguyên tắc tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm trong Bộ luật Dân sự, do vậy, đề nghị bỏ biện pháp này.

Phát biểu làm rõ một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo luật bổ sung biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước, do trong Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành chưa có quy định về biện pháp cưỡng chế nếu đối tượng vi phạm không chấp hành quyết định. Bộ trưởng dẫn chứng một số trường hợp, ví như tước giấy phép hoạt động một cơ sở sản xuất do gây ô nhiễm môi trường nhưng cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động để xả thải ra môi trường. Do vậy, Chính phủ đề xuất biện pháp cưỡng chế này và phạm vi áp dụng rất hạn chế trong trường hợp không xử lý được trên thực tế.

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là dự án Luật quan trọng, liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân; trật tự quản lý hành chính nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế- xã hội, nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu Quốc hội, dư luận xã hội và cử tri. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên dự án Luật này được trình ra Quốc hội thảo luận với nhiều chính sách mới nên còn nhiều ý kiến khác nhau. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, sau phiên họp hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách trực tuyến về dự thảo Luật này; đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục tổ chức các toah đàm, hội thảo lấy ý kiến thêm của các đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật này để báo cáo Quốc hội thật thuyết phục./.

Thu Phương