PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI: CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO VÀ CHÍNH SÁCH XÃ HỘI LÀ 2 NỘI DUNG QUAN TRỌNG

29/06/2021

Ngày 29/6, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 21 với hình thức trực tuyến. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.

 

Toàn cảnh Phiên họp

Trực tuyến Phiên họp toàn thể lần thứ 21 của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội

Tham dự Phiên họp còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Lao động Đào Ngọc Dung; Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Nguyễn Thế Mạnh; đại diện các Bộ, ngành hữu quan.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm, Phiên họp toàn thể lần thứ 21 của Ủy ban được diễn ra theo hình thức trực tuyến trong một ngày. Đây cũng là phiên họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nhưng lại là phiên họp quan trọng khi phải xem xét, thẩm tra, cho ý kiến những vấn đề quan trọng của đất nước để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 58 và trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ nhất.

Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu tại phiên họp 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban, Phiên họp này cũng thể hiện trách nhiệm đến cùng của Ủy ban nhiệm kỳ XIV đối với các nhiệm vụ được giao để chuyển giao lại cho các thành viên Ủy ban khóa XV, đồng thời theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020, Ủy ban được đổi tên thành Ủy ban Xã hội từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh mong muốn, các vị đại biểu Quốc hội, thành viên Ủy ban tiếp tục phát huy trí tuệ, tập trung thảo luận, đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao như đã thể hiện ở các phiên họp toàn thể trước của nhiệm kỳ này để có được các Báo cáo thẩm tra chất lượng tốt nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Phiên họp hôm nay của Ủy ban rất có ý nghĩa khi được tổ chức vào dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Thành lập Ủy ban Y tế và Xã hội, tiền thân của Ủy ban Về các vấn đề xã hội hiện nay. Qua lịch sử hình thành, phát triển, có thể khẳng định, Ủy ban đã đóng góp thiết thực vào sự đổi mới, phát triển của Quốc hội, để lại những dấu ấn đậm nét, được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao. Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Quốc hội, tôi xin chúc mừng, bày tỏ sự trân trọng, ghi nhận, biểu dương về những cống hiến, nỗ lực và về những thành tích nổi bật của Ủy ban về các vấn đề xã hội đã đạt được qua các nhiệm kỳ trong 45 năm qua.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng 02 nội dung tại Phiên họp lần này của Ủy ban là những nội dung quan trọng. Theo đó:

Về Chương trình giảm nghèo, kết quả thực hiện các chính sách, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020 đã đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, chênh lệch về thu nhập, đời sống người giàu - người nghèo còn lớn; một số cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn; sự chủ động thoát nghèo, phát huy nội lực của hộ nghèo còn hạn chế; nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Về chính sách bảo hiểm xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ ra rằng, Nghị quyết 21 ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020 đã khẳng định và nâng tầm chính sách bảo hiểm xã hội, trở thành trụ cột chính sách của hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

Trong những năm qua, chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách của người dân. Tuy nhiên, thực tiễn còn những vấn đề cần quan tâm trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội; việc quản lý, sử dụng các quỹ thành phần của quỹ bảo hiểm xã hội; tình trạng chậm đóng, nợ đóng, trốn đóng và trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn các đại biểu dự họp tập trung phân tích, thảo luận thật kỹ lưỡng, đánh giá sâu sắc những mặt được, chưa được, những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, có lý luận, số liệu thuyết phục từ đó có kiến nghị, đề xuất khả thi, sát với thực tiễn và mang lại hiệu quả thiết thực. Các vấn đề được xem xét trong Phiên họp hôm nay và ý kiến thẩm tra của Ủy ban sẽ là căn cứ quan trọng để các đại biểu Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Theo chương trình Phiên họp thứ 21 này, Ủy ban sẽ tiến hành thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020./.

Hồ Hương- Minh Thành