HỘI NGHỊ CÁC CHỦ TỊCH QUỐC HỘI THẾ GIỚI VÀ SỰ THAM DỰ CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VIỆT NAM

04/09/2021

Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duarte Pacheco, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Áo Wolfgang Sobotka, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sassoli và Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Anu Vehvilainen, đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hoà Áo; thăm, làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ; thăm chính thức Cộng hoà Phần Lan từ ngày 05-11/9/2021.

 

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới là cơ chế hoạt động đặc biệt của Liên minh nghị viện thế giới (IPU), là dịp để các nhà lập pháp toàn thế giới góp tiếng nói chung cùng Liên hợp quốc xử lý những vấn đề toàn cầu. Được tổ chức định kỳ 5 năm một lần, cơ cấu Hội nghị thường bao gồm phiên thảo luận toàn thể, các cuộc thảo luận nhóm, trao đổi bàn tròn và trình bày các báo cáo quan trọng. Qua 5 lần tổ chức vào các năm 2000, 2005, 2010, 2015 và phiên họp trực tuyến năm 2020, Hội nghị luôn nhận được sự tham gia đóng góp tích cực của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, do Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm Trưởng đoàn.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới là cơ chế hoạt động mới, đặc biệt của IPU. Thông qua gặp gỡ Thượng đỉnh Nghị viện này, các nhà lập pháp toàn thế giới đã góp tiếng nói chung cùng Liên hợp quốc xử lý những vấn đề toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội thế giới được tổ chức định kỳ 5 năm một lần với sự hợp tác chặt chẽ của Liên hợp quốc. Cơ cấu Hội nghị thường bao gồm phiên thảo luận toàn thể, các cuộc thảo luận nhóm, trao đổi bàn tròn và trình bày các báo cáo quan trọng. Trước mỗi kỳ Hội nghị sẽ diễn ra cuộc họp của các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới và kết thúc Hội nghị bằng việc thông qua một Tuyên bố chung do nhóm đại diện của các Chủ tịch Quốc hội soạn thảo. Cho đến nay đã diễn ra 5 Hội nghị, bao gồm:

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ nhất (năm 2000)

Với sự ủng hộ mạnh mẽ của Liên hợp quốc, Liên minh Nghị viện Thế giới đã tổ chức Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ nhất từ 30/8 - 01/9/2000, tại New York, Hoa Kỳ.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, sau 111 năm hình thành và phát triển, IPU tổ chức sự kiện trọng đại này với quy mô chưa từng có. Điều đặc biệt có ý nghĩa nữa là Hội nghị được tiến hành ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, đánh dấu bước phát triển mới của quan hệ hợp tác thực chất hơn giữa Liên hợp quốc và IPU vì mục tiêu chung của nhân loại. Hội nghị nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các nhà lập pháp trên toàn thế giới, thể hiện qua việc tham gia của 142 Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Thượng viện, Hạ viện từ 136 quốc gia thành viên IPU cùng các đại diện 24 tổ chức khu vực, quốc tế khác và các cơ quan của Liên hợp quốc.

“Tầm nhìn Nghị viện về hợp tác quốc tế trước thềm thiên niên kỷ thứ ba” là bản tuyên bố lịch sử của Hội nghị. Tuyên bố nhấn mạnh vị trí, vai trò hết sức quan trọng của IPU trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa thế giới, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa IPU và Liên hợp quốc, tạo sự gắn bó hơn nữa giữa Liên hợp quốc với các Cơ quan đại diện cho nhân dân các dân tộc trên toàn thế giới. Tuyên bố cũng đề cập tới những thách thức mà cộng đồng thế giới đang phải đối mặt, xác định rõ cần phải hành động theo Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế để đạt được hòa bình, văn minh và dân chủ trên thế giới, tôn trọng nhân quyền, phát triển bền vững và tiến bộ xã hội, bảo đảm nguyên tắc trong quan hệ giữa các quốc gia có chủ quyền. Trong các nguyên tắc đó, quyền tự quyết, quyền tự do, dân chủ, quyền lựa chọn hệ thống chính trị của nhân dân là những quyền cơ bản và quan trọng nhất.

Năm 2000, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội khóa X Nông Đức Mạnh dẫn đầu tham dự Hội nghị tổ chức tai New York, Hoa Kỳ. Sự tham gia của Chủ tịch Quốc hội tiếp tục thể hiện chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, cũng như góp phần tăng cường sự tham gia của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 2 (năm 2005)

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 2 họp tại Trụ sở Liên hợp quốc, New York, Hoa Kỳ từ ngày 07 - 09/9/2005, với sự tham gia của 150 vị đứng đầu Cơ quan Lập pháp các nước. Với chủ đề chung "Nghị viện và hợp tác đa phương: đáp ứng những thách thức của thế kỷ 21”. Cùng với Chính phủ, các Nghị viện quốc gia cần thể hiện mạnh mẽ hơn vai trò lãnh đạo và ý chí chính trị để góp phần giải quyết những vấn đề cơ bản của thời đại, trong đó có việc giảm và xóa nghèo đói, bảo đảm phát triển bền vững nhằm thúc đẩy chính phủ nước mình thực hiện tốt những cam kết đối với các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Vấn đề cải tổ và đổi mới hoạt động của Liên hợp quốc cũng là nội dung quan trọng mà hội nghị đã thảo luận và đạt được nhận thức chung.

Năm 2005, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội khóa XI Nguyễn Văn An dẫn đầu đã tham dự Hội nghị lần thứ 2 tại New York, Hoa Kỳ. Các đại biểu đã bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề toàn cầu và đánh giá lại một cách toàn diện sự đóng góp của Nghị viện các nước sau 5 năm thực hiện Tuyên bố của Hội nghị thứ nhất. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã cùng các đại biểu quốc tế trao đổi những biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự ủng hộ của Nghị viện đối với Liên hợp quốc và các hoạt động quốc tế, từ đó nâng cao vai trò của các cơ quan lập pháp nhằm thúc đẩy dân chủ trong quan hệ quốc tế. Chủ tịch Nguyễn Văn An đã phát biểu về quan hệ đối tác nghị viện toàn cầu vì các mục tiêu phát triển bền vững tại Hội nghị.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 3 (năm 2010)

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ ba tập trung thảo luận về vấn đề dân chủ, vai trò của cơ quan lập pháp và quan hệ với Liên hợp quốc với chủ đề chung “Nghị viện trong một thế giới khủng hoảng, trách nhiệm đối với nền dân chủ toàn cầu vì những mục tiêu tươi sáng”; đồng thời đánh giá lại một cách toàn diện sự đóng góp của Nghị viện các nước trên thế giới sau 10 năm thực hiện Tuyên bố của Hội nghị lần thứ nhất; thảo luận các biện pháp hợp tác ứng phó với khủng hoảng kinh tế, các thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu, lương thực, đói nghèo, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố, phổ biến vũ khí, buôn bán ma tuý và tội phạm có tổ chức.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam

Năm 2010, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XII Tòng Thị Phóng dẫn đầu đã tham dự Hội nghị lần thứ ba tổ chức tại Geneva, Thụy Sỹ. Hội nghị có sự tham dự của 130 lãnh đạo Quốc hội, Thượng viện của 136 Nghị viện thành viên và đại diện các tổ chức quốc tế đã tham dự Hội nghị. Hội nghị đã thảo luận, đánh giá về tình hình thực hiện MDGs; về xây dựng chuẩn mực nghị viện toàn cầu, “Hướng tới 2015: cam kết thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và tăng cường sự tin tưởng giữa Nghị viện và nhân dân ”.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 4 (năm 2015)

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 4 được tiến hành từ 31/8 - 02/9/2015, tại trụ sở Liên hợp quốc, New York, Hoa Kỳ với sự tham gia của 185 vị lãnh đạo Quốc hội và Thượng viện đến từ 140 Nghị viện thành viên của IPU.

Trên tinh thần của Tuyên bố Hà Nội (thông qua tại Đại hội đồng IPU-132), Hội nghị nhất trí với “Chương trình Nghị sự phát triển bền vững mới đến năm 2030” gồm 17 mục tiêu; khuyến khích IPU và Liên hợp quốc mở rộng hợp tác, đặc biệt trong các thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu, giảm rủi ro thiên tai; khẳng định cam kết của các Nghị sỹ trên toàn thế giới phát huy dân chủ, vì hòa bình và phát triển bền vững, hướng tới xây dựng thế giới theo ý nguyện của nhân dân.

Năm 2015, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu. Tuyên bố của Hội nghị đề cập tới điều kiện tiên quyết bảo đảm cho dân chủ và phát triển bền vững là hòa bình và an ninh, lên án khủng bố, bạo lực, tội phạm xuyên quốc gia, kêu gọi nỗ lực giải quyết xung đột thông qua đối thoại và thương lượng chính trị, phù hợp luật pháp quốc tế.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 – Phiên họp trực tuyến (năm 2020)

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 - Phiên họp trực tuyến do Liên minh Nghị viện thế giới và Quốc hội Áo tổ chức trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Hơn 115 các nhà đứng đầu cơ quan lập pháp của các nước trên thế giới đã tham dự Hội nghị trực tuyến các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 từ ngày 19-20/8/2020 với chủ đề “Sự dẫn dắt Nghị viện vì hợp tác đa phương hiệu quả hơn, nhằm mang lại hòa bình, phát triển bền vững cho người dân và trái đất”. Tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Áo bày tỏ quyết tâm sẽ sớm được tổ chức Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 theo hình thức trực tiếp sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19.

Các đại biểu đã được nghe tham luận của các nhà khoa học và kinh tế hàng đầu trên thế giới, kêu gọi các nghị viện yêu cầu Chính phủ tăng cường trách nhiệm giải trình trong ứng phó về kinh tế và y tế trong đại dịch; mong muốn nghị viện lắng nghe các nhà khoa học, phân bổ ngân sách nhiều hơn cho lĩnh vực y tế cộng đồng và hỗ trợ các nhân viên y tế; thúc đẩy các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới một nền kinh tế không có carbon.

Năm 2020, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu tham dự phiên họp trực tuyến của Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5. Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu về chủ đề chung của Hội nghị. Tuyên bố chung đã được Hội nghị thảo luận thông qua, kêu gọi giải pháp toàn cầu đối với các vấn đề toàn cầu, tăng cường chủ nghĩa đa phương và đoàn kết quốc tế, bày tỏ tin tưởng vào vai trò của Liên hợp quốc. Tuyên bố cũng nêu cao vai trò của giới trẻ trong nghị viện, vấn đề đổi mới công nghệ thông tin phục vụ hoạt động nghị trường trong bối cảnh đại dịch.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 – Phiên họp trực tiếp (năm 2021): Khẳng định vai trò của ngoại giao nghị viện đa phương.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 - phiên họp trực tiếp, sẽ được tổ chức từ ngày 07 - 08/9/2021 tại thủ đô Viên, Áo, là chương trình nối tiếp của phiên họp trực tuyến được tổ chức vào tháng 8/2020. Đây là điểm nhấn, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội Áo, sự phát triển của ngoại giao nghị viện đa phương trong đó IPU giữ vai trò tiên phong và sự đồng lòng, đoàn kết của các Nghị viện thành viên.

Hội nghị sẽ diễn ra sau Hội nghị thượng đỉnh lần thứ mười ba của các Nữ Chủ tịch Nghị viện vào ngày 06/9 và sau đó là Hội nghị thượng đỉnh Nghị viện toàn cầu lần thứ nhất về chống khủng bố vào ngày 09/9. Hơn 110 Chủ tịch Nghị viện các quốc gia trên toàn thế giới dự kiến ​​sẽ đến thủ đô Viên, Áo để tham dự cuộc họp liên nghị viện quy mô lớn đầu tiên, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Với chủ đề chung: “Sự dẫn dắt Nghị viện vì hợp tác đa phương hiệu quả hơn, nhằm mang lại hòa bình, phát triển bền vững cho người dân và trái đất”, các Chủ tịch Nghị viện sẽ tập trung xem xét, thảo luận về các vấn đề nóng, cần được ưu tiên giải quyết, như: ứng phó toàn cầu với đại dịch COVID-19 và phục hồi sau đại dịch; tình trạng khẩn cấp về khí hậu; chống lại thông tin sai lệch; sự tham gia của giới trẻ vào chính trị và bình đẳng giới.

Chính phủ Áo đã áp dụng các biện pháp y tế mạnh mẽ và toàn diện để đảm bảo hội nghị diễn ra an toàn, bao gồm kiểm tra COVID-19 bắt buộc khi đến địa điểm tổ chức hội nghị, giới hạn số lượng đại biểu, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách và bắt buộc đeo khẩu trang.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị Đại hội đồng AIPA-42

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu sẽ tham dự phiên họp trực tiếp của Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5. Chủ tịch Quốc hội sẽ tham gia các phiên thảo luận toàn thể và thảo luận chuyên đề về những nội dung quan trọng bao gồm phát triển bền vững, tăng cường vai trò của chủ nghĩa đa phương trong hợp tác chống COVID-19 và phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi nền kinh tế đấu, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Sau thành công tại Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 42 (Đại hội đồng AIPA-42) với sự đóng góp quan trọng của Quốc hội Việt Nam, chúng ta càng tin tưởng các Chủ tịch Quốc hội tham dự hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 – phiên họp trực tiếp, tại thủ đô Viên, Áo sẽ cùng nhau tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề khu vực và toàn cầu hiện nay./.

Kim Ngọc

Các bài viết khác