PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN DỰ KHAI MẠC HỘI THẢO DU LỊCH 2021

25/12/2021

Sáng 25/12, tại Thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An đã diễn ra phiên khai mạc Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển”, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Hội thảo.

 

Tham dự lễ khai mạc và phiên chuyên đề của Hội thảo còn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý; Ủy viên dự khuyết Trung ương, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ… cùng khoảng 200 đại biểu là các đại biểu Quốc hội, nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước, tại điểm cầu chính Thị xã Cửa Lò và 19 điểm cầu trên cả nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu tham dự Hội thảo Du lịch 2021 tại điểm cầu chính Thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An

Du lịch luôn được xem là một mắt xích, động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, có hệ số lan tỏa lớn, góp phần đa dạng hóa xuất khẩu dịch vụ, tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, việc làm cho người dân và đóng góp cho thịnh vượng chung của quốc gia. Năm 2019, du lịch đã đóng góp khoảng 10,4% GDP và 10,6% việc làm toàn cầu.

Ở nước ta, ngành du lịch có nhiều lợi thế và tiềm năng nhờ sự đa dạng về truyền thống lịch sử, văn hóa và tài nguyên thiên nhiên. Phát triển ngành Du lịch là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã thể hiện quyết tâm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội.

Kể từ khi Nghị quyết 08-NQ/TW ra đời, ngành Du lịch đã liên tục có bước phát triển đột phá. Năm 2019, doanh thu từ ngành du lịch đạt 32,8 tỷ USD, đóng góp 9,2% GDP của cả nước, tạo ra 2,5 triệu việc làm. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó, ngành du lịch bị thiệt hại rất lớn. Hoạt động du lịch gần như bị đóng băng; các chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam đều sụt giảm nghiêm trọng; các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch hầu hết phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động; hầu hết người lao động của ngành không có việc làm, phải chuyển đổi sang công việc khác.

Theo nhiều chuyên gia, mặc dù là một trong những ngành bị tác động nặng nề nhất nhưng du lịch là ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất sau đại dịch nếu có chiến lược và sự chuẩn bị đúng đắn. Hơn nữa, khi du lịch được phục hồi sẽ tạo ra tác động lớn, có sức lan tỏa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia trên thế giới đã sớm có chính sách, biện pháp để mở cửa, phục hồi du lịch. Việt Nam cần nhanh chóng đón bắt xu thế này, tránh lỡ nhịp với thế giới cũng như sức bật của lực cầu trong nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ban tổ chức sẽ tổng hợp, hoàn thiện báo cáo kết quả Hội thảo và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ những chính sách, cơ chế và giải pháp cụ thể, thiết thực, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi và phát triển du lịch trong những năm sắp tới. Trong đó, đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện và ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có các quy định hướng dẫn cụ thể về bảo đảm an toàn dịch bệnh của ngành du lịch. Thúc đẩy nhanh quá trình tiêm vắc-xin để tăng độ phủ vắc-xin trong nước, đặc biệt là tại các khu, điểm du lịch và các thành phố lớn.

Đề nghị Quốc hội nghiên cứu các nội dung kiến nghị để xem xét, thảo luận về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét bổ sung các nội dung liên quan tới phục hồi và phát triển du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023, trong đó coi du lịch là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng để sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành Du lịch.

Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị tại Hội thảo, sớm hoàn thiện và tham mưu trình Chính phủ ban hành Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2026, trong đó có kế thừa cấu phần trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023; Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét bổ sung nội dung chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch vào Chiến lược chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2030, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số tới năm 2025, định hướng tới 2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu khai mạc Hội thảo

Ngay sau lễ khai mạc đã diễn ra phiên chuyên đề, với các tham luận: Định hướng giải pháp phục hồi, phát triển du lịch” (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Xu hướng và kinh nghiệm thế giới vượt qua khủng hoảng Covid-19 để phát triển du lịch (Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới); các tham luận của Công ty Vietravel, Công ty Oxalis Adventure, tỉnh Ninh Bình và TP. Đà Nẵng; cùng với phần thảo luận bàn tròn của các đại biểu tham dự Hội thảo.

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đều khẳng định vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của du lịch, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo việc làm và cải thiện cuộc sống người dân; bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng.

Số lượng khách, doanh thu du lịch sụt giảm mạnh, đặc biệt là khách quốc tế. Nhiều doanh nghiệp du lịch tạm dừng, chấm dứt hoạt động hoặc buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh hay cắt giảm nhân sự. Lao động du lịch hầu hết bị mất việc, không có thu nhập, buộc phải chuyển làm nghề khác để kiếm sống, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi du lịch khôi phục trở lại.

Doanh nghiệp lữ hành, vận tải du lịch đường bộ, đường thủy, đường không gần như dừng hoạt động vì không có khách và tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh. Cơ sở lưu trú du lịch và cơ sở vui chơi giải trí, mua sắm phục vụ du khách thiệt hại rất lớn. Nhiều cơ sở sau thời gian hoạt động cầm chừng phải đóng cửa, trang thiết bị xuống cấp, chi phí bảo trì tăng cao. Sự suy giảm của ngành du lịch đã tác động đến nhiều ngành nghề lĩnh vực liên quan trong chuỗi giá trị ngành như vận tải, ăn uống, khách sạn, bán lẻ...

Trên cơ sở nhìn nhận, phân tích thực trạng, nhận diện những cơ hội và thách thức, nhiều đề xuất, kiến nghị, giải pháp đã được đưa ra nhằm phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới. Trong đó các giải pháp để phục hồi du lịch trong giai đoạn 2022-2023 như: Kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả và thích ứng an toàn là điều kiện tiên quyết để mở cửa du lịch an toàn; Tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch phục hồi và thích ứng tình hình mới; Triển khai đồng bộ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023; Khuyến khích phục hồi du lịch nội địa ngay vào đầu năm 2022, gắn với lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn. Triển khai chứng nhận, hộ chiếu vaccine…

Về lâu dài, để phát triển du lịch, cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế, chính sách phát triển du lịch; Huy động và phân bổ nguồn lực thỏa đáng để phát triển du lịch; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong du lịch; Phát triển triển thị trường và các sản phẩm du lịch; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch…/.

Phan Hằng - Ngô Trang