Trình bày Tờ trình Đề án “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội”, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án cho biết, thực hiện Quyết định 2362-QĐ/ĐĐQH ngày 24/6/2021 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó Đảng đoàn Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu chủ trì xây dựng Đề án “Tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách”.
Kế hoạch số 1392-KH/ĐĐQH15 ngày 10/02/2023 về triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội được giao trong Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nướ c pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Nghị quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong đó Ban Công tác đại biểu được giao chủ trì xây dựng Đề án “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội”.
Về sự cần thiết xây dựng Đề án, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án nêu rõ: Các văn kiện của Đảng nhấn mạnh việc tiếp tục “đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội”, “đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao”.
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án.
Đại biểu Quốc hội là trung tâm của Quốc hội, nhân tố cấu thành nên tổ chức của Quốc hội; hoạt động của đại biểu Quốc hội là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội là yêu cầu thường xuyên và là yếu tố có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Kế thừa và phát huy những thành tựu trong hoạt động của Quốc hội các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XV đã tiếp tục đổi mới về phương thức, cách thức tổ chức hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Do đó, Đảng đoàn Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu chủ trì xây dựng 02 đề án: Đề án “Tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách” và Đề án “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội”. Để tránh trùng lặp về nội dung và thuận lợi trong thực hiện, đồng thời không làm thay đổi nội dung đã được Đảng đoàn Quốc hội giao, thống nhất với Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội “đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội”, Ban Chỉ đạo Đề án xin tích hợp nội dung 02 đề án, lấy tên Đề án là: “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội” và làm dày dặn hơn các nội dung về “đổi mới cơ cấu đại biểu Quốc hội”, “xây dựng tiêu chí đánh giá đại biểu Quốc hội” trong Đề án.
Đề án được xây dựng nhằm đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án. Bảo đảm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp và pháp luật; phù hợp với định hướng đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội; bảo đảm hiệu quả, khả thi. Đồng thời, kế thừa những thành tựu đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội, nhất là từ Quốc hội khóa XIII đến nay.
Về quá trình xây dựng Đề án, ngày 23/6/2022, Đảng đoàn Quốc hội ban hành Quyết định số 747-QĐ/ĐĐQH15 thành lập Ban Chỉ đạo Đề án do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm Trưởng Ban. Ban Chỉ đạo Đề án thành lập Tổ Soạn thảo; xin ý kiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội về Đề cương và dự thảo Đề án; tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học; tổ chức họp xin ý kiến Ban Chỉ đạo.
Sau khi được sự đồng ý của Lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội về việc tích hợp 02 đề án, Ban Chỉ đạo Đề án và Tổ Soạn thảo được bổ sung thành viên, đồng thời tiếp tục xây dựng, làm sâu sắc hơn các nội dung về “đổi mới cơ cấu đại biểu Quốc hội”, “xây dựng tiêu chí đánh giá đại biểu Quốc hội” trong Đề án; tổ chức tọa đàm, xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học; xin ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo Đề án; xin ý kiến một số cơ quan Trung ương, các cơ quan của Quốc hội, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Đề án.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Đề án gồm bốn phần: Khái quát về đại biểu Quốc hội, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả hoạt động, cơ chế, tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội. Thực trạng tiêu chuẩn, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả hoạt động và cơ chế, tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội. Giải pháp đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội và xây dựng cơ chế, tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội trong các nhiệm kỳ tiếp theo. Tổ chức thực hiện.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Tô Văn Tám góp ý hoàn thiện Đề án.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo đã góp ý hoàn thiện về kết cấu đề án, các nội dung cụ thể của Đề án. Theo đó, đa số ý kiến cơ bản đồng tình với các nội dung của dự thảo Đề án; đồng thời đóng góp một số ý kiến hoàn thiện nội dung đề án. Một số ý kiến đề nghị có giải pháp hỗ trợ đại biểu Quốc hội hoạt dộng như cung cấp thông tin, đổi mới hoạt động của bộ phận giúp việc (văn phòng Đoàn ĐBQH các địa phương), cung cấp kỹ năng hoạt động đại biểu dân cử, đảm bảo cơ sở vật chất, cơ chế chính sách của đại biểu Quốc hội.
Các ý kiến cũng đồng tình với cần thiết đổi mới cơ cấu đại biểu Quốc hội theo hướng tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách một cách hợp lý; tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tái cử; tăng đại biểu là chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, kinh tế, tài chính - ngân sách; giảm số đại biểu công tác trong các ngành hành pháp, tư pháp. Tiếp tục có các giải pháp để đạt cơ cấu nữ và bảo đảm cơ cấu dân tộc. Nghiên cứu tỷ lệ cho đại biểu tự ứng cử để khuyến khích những người có uy tín, năng lực tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc thu thập ý kiến cử tri đánh giá về hoạt động của đại biểu Quốc hội...
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án phát biểu kết luận.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án khẳng định, các ý kiến phát biểu rất thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng làm cơ sở để Thường trực Ban Chỉ đạo chỉ đạo Tổ Soạn thảo khẩn trương tập trung nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Hồ sơ Đề án, báo cáo đồng chí Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Đảng Đoàn Quốc hội xem xét, quyết định tại Phiên họp tháng 9 tới đây.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị rà soát kỹ Dự thảo Đề án để có các giải pháp hữu hiệu nhằm đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, để hoạt động của đại biểu Quốc hội khoa học, tăng tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.
Các giải pháp phải bảo đảm tính khả thi trong thực tế, thể hiện được chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật và giải quyết căn cơ, thấu đáo các tồn tại, hạn chế, bất cập đang đặt ra, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đặc biệt chú ý và gia công, đầu tư nghiêm túc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Đề án cho khoa học, thuyết phục, lý lẽ, lập luận chặt chẽ, bảo đảm cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý Thường trực Ban Chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng thêm về tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu Quốc hội, lộ trình tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. Trong đó, nổi lên thực trạng hiện nay tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chưa đạt mục tiêu mà các văn bản của Đảng đã đề ra; tỷ lệ về cơ cấu dân tộc còn nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, đã xác định cơ cấu, các giải pháp và phương án bảo đảm tỷ lệ cơ cấu đó phải quyết liệt. Vì vậy, phải có sự so sánh, số dư đủ và hợp lý trong chính cơ cấu đó. Nếu còn để “mỗi người ứng cử phải “gánh” quá nhiều tiêu chí, đây chính là một trong những lý do khiến tỷ lệ nữ, hoặc người dân tộc thiểu số trúng cử còn thấp trong thời gian qua.
Về cơ chế, tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu nội dung Đề án cần rõ hơn nữa về tính khả thi, hợp lý, thực chất của một số tiêu chí đánh giá. Mạnh dạn trong đơn giản hóa các tiêu chí định tính; bỏ các tiêu chí không còn phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội; đồng thời tham khảo thêm hoạt động của Mặt trận Tổ quốc nhiều địa phương đã và đang có những hình thức đánh giá sơ bộ, với quan điểm thực chất, có cơ sở, dễ làm, dễ thuyết phục….
Một số hình ảnh tại cuộc họp:
Toàn cảnh cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội”.
Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án phát biểu khai mạc.
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án trình bày Tờ trình.