Toàn cảnh Lễ ký kết
Dự Lễ ký kết có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Trưởng Ban công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, Chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2026 được xây dựng nhằm tăng cường phối hợp công tác giữa Viện nghiên cứu lập pháp và Hội Luật gia Việt Nam, phát huy đầy đủ vai trò, thế mạnh của mỗi Bên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi phối hợp.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Chương trình hợp tác được xây dựng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị và phù hợp với điều kiện, nguồn lực của mỗi Bên; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, nhất là các cơ quan, đơn vị đầu mối và cơ chế phối hợp trong quá trinh triển khai các nhiệm vụ. Các hoạt động phối hợp được thực hiện thường xuyên với hình thức đa dạng, phong phú, kịp thời, thực chất, hiệu quả có trọng tâm, trọng điểm. Chương trình phối hợp được cụ thể hóa, lồng ghép trong kế hoạch công tác hàng năm; định kỳ kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả và đề ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cũng cho biết, nội dung Chương trình hợp tác với Hội Luật gia Việt Nam tập trung vào một số điểm chính bao gồm: Tham gia công tác xây dựng pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; Tư vấn, phản biện chính sách, pháp luật trong xây dựng, thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình hoạt động của Quốc hội; Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền những vấn đề về xây dựng và thi hành pháp luật; Rà soát, đánh giá việc thi hành pháp luật nhằm phát hiện các vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, những vấn đề mới phát sinh để sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện pháp luật theo ưu tiên của Viện và các lĩnh vực công tác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam…
Tại Lễ ký kết, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng đây là kế hoạch đầy tham vọng và cũng rất nhiều thách thức. Trung ương Hội Luật gia Việt Nam vinh dự và vui mừng nhận được sự quan tâm đặc biệt, sự động viên, khích lệ của Lãnh đạo Quốc hội, trực tiếp là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyền Khắc Định và lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam mong muốn Hội và Viện Nghiên cứu lập pháp tiến tục nhận được sự quan tâm, động viên, khích lệ và tin tưởng của các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thành tốt Chương trình hợp tác.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ ký kết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tiếp nối truyền thống 76 năm của Quốc hội và thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV, Quốc hội phải luôn tự đổi mới, không ngừng hoàn thiện, Quốc hội Khoá XV quyết tâm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động trên tất cả các lĩnh vực. Để thực hiện mục tiêu trên, Quốc hội đặc biệt coi trọng cơ chế chuyên gia và đã giao cho Viện Nghiên cứu lập pháp làm đầu mối xây dựng mạng lưới sáng kiến của Quốc hội, huy động tối đa đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực, các ngành, các giới tham gia đóng góp cho hoạt động của Quốc hội. Do đó, hợp tác giữa Viện Nghiên cứu lập pháp và Hội Luật gia Việt Nam thực chất là hợp tác giữa các cơ quan của Quốc hội, Quốc hội với giới luật gia trong cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp có tôn chỉ mục đích bảo vệ quyền con người, quyền tự do dân chủ của nhân dân, xây dựng nền khoa học pháp lý, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong thực tế, Hội Luật gia Việt Nam cũng đã từng là cơ quan đề xuất, chủ trì một số dự án luật quan trọng, đóng góp lớn trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật qua các thời kỳ. Đánh giá mạng lưới hội viên Hội Luật gia Việt Nam có trình độ cao, giàu kinh nghiệm, vững vàng chuyên môn ở nhiều lĩnh vực đa dạng, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng Hội Luật gia Việt Nam sẽ có nhiều đóng góp tích cực vào các hoạt động nghiên cứu, góp ý, phản biện chính sách, góp phần thiết thực và hiệu quả vào hoạt động của Quốc hội trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đánh giá cao 12 nội dung hợp tác cụ thể giữa Viện Nghiên cứu lập pháp và Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả hợp tác giữa hai cơ quan; khẳng định, Lãnh đạo Quốc hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện chương trình hợp tác giữa hai cơ quan. Cùng với cơ chế hợp tác này, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác với giới chuyên gia trong nước và quốc tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động và đóng góp hiệu quả hơn nữa cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền phát biểu
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển./.