CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: NGHIÊN CỨU KỸ LƯỠNG, GIẢI QUYẾT THẤU ĐÁO NHỮNG VẤN ĐỀ LỚN TRONG LUẬT HỢP TÁC XÃ

17/02/2023

Làm việc giữa các cơ quan về một số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), sáng 17/2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ nguyên tắc không quy định trong luật những nội dung chưa đủ chín, đủ rõ; phải nghiên cứu kĩ lưỡng các nội dung nhất là các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã bảo đảm sát thực, khả thi, hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với các cơ quan về các nội dung lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Giữ tên Luật Hợp tác xã

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo nột số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Theo đó, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Qua rà soát, có một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan về tên gọi của dự án Luật.

Tên gọi của luật là một trong những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau. Theo đó, loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ nguyên tên gọi dự án Luật là Luật Hợp tác. Loại ý kiến thứ hai đồng tình với tên gọi dự án Luật là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác như tại Tờ trình của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị vẫn giữ tên là Luật Hợp tác xã (sửa đổi) với các lý giải như tên gọi Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác chưa thể hiện được đúng bản chất của đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Nếu lấy tên là Luật Các tổ chức kinh tế tập thể sẽ không phù hợp, thống nhất với quy định về sở hữu tại Bộ Luật Dân sự năm 2015. Khái niệm hợp tác xã gắn liền với lịch sử phát triển của Việt Nam, tên gọi này đã được sử dụng thường xuyên và quen thuộc trong công tác tuyên truyền, kể cả pháp luật dẫn chiếu đều sử dụng. Việc thay đổi tên gọi dẫn đến các chi phí xã hội và hệ lụy phát sinh liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, rà soát về dẫn chiếu trong các văn bản pháp luật hiện hành.

Theo Báo cáo số 1869/BC-TTKQH ngày 16/12/2022 về tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ và Hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, đa số ý kiến thống nhất với đề nghị giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã (sửa đổi) theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Toàn cảnh phiên họp

Gợi ý nội dung thảo luận về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo trong Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn giữ tên gọi là Luật Hợp tác xã. Quá trình thảo luận, đa số ý kiến cũng đều đề nghị giữ nguyên tên luật như hiện hành. Chủ tịch Quốc hội lý giải, hợp tác xã là một hình thức chủ đạo trong các hình thức kinh tế tập thể. Việt Nam quen với mô hình này từ bao đời nay. Đến nay khi thay đổi thì chi phí tuân thủ pháp luật sẽ rất lớn. Do đó nếu không cần thiết thì không phải sửa, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Trước những ý kiến còn băn khoăn nếu trong Luật Hợp tác xã điều chỉnh thêm các nội dung không phải là hợp tác xã, Chủ tịch Quốc hội làm rõ, phạm vi điều chỉnh của luật quan trọng hơn tên. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng Luật Quản lý thuế nhưng không chỉ điều chỉnh về vấn đề thuế mà còn điều chỉnh các khoản thu khác không phải thuế nhưng của ngân sách nhà nước. Luật Đầu tư công sửa đổi gần đây cũng có những quy định không phải về đầu tư công mà là những khoản đầu tư của các đơn vị sự nghiệp được giữ lại.

Từ những phân tích trên Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề các cơ quan nghiên cứu và có quyền lựa chọn trình theo phương án nào. Trường hợp các cơ quan thống nhất sẽ trình Quốc hội một phương án, trường hợp không thống nhất sẽ trình theo 2 phương án.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Phát biểu với tư cách đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ thống nhất với ý kiến định hướng của Chủ tịch Quốc hội theo đó, điều quan trọng là nội dung của luật. Trong đó, các chính sách để khuyến khích phát triển hợp tác xã là vấn đề quan trọng nhất để các cơ quan rà soát các quy định hướng đến mục tiêu Luật đi vào cuộc sống, thiết thực, cụ thể, hỗ trợ cho sự phát triển của hợp tác xã.

Liên quan đến tên gọi của Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ thống nhất với đề xuất cả Thường trực Ủy ban Kinh tế về việc giữ nguyên tên gọi để tránh có những đảo lộn không cần thiết. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, thực hiện quy trình lấy ý kiến Chính phủ về nội dung này theo đúng quy định.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng cho biết, tham dự buổi làm việc do Chủ tịch Quốc hội chủ trì với tinh thần tìm kiếm sự đồng thuận, chia sẻ của Quốc hội, buổi làm việc là cơ hội để các cơ quan nhìn lại và chuẩn bị thấu đáo các nội dung trình Quốc hội bảo đảm chất lượng tốt nhất.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, sẽ tiếp thu đầy đủ những ý kiến trong phân tích của Ủy ban Kinh tế, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về các vấn đề lớn và những điểm cần lưu ý xem xét với nguyên tắc đưa vào luật những vấn đề chung, vấn đề lớn, vấn đề cốt lõi, những vấn đề không có giá trị cốt lõi và còn băn khoăn đề nghị được giao cho Chính phủ quy định chi tiết sau này; đồng thời cố gắng để đi đến thống nhất trình ra Quốc hội một phương án. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan soạn thảo cùng với các ban, bộ ngành Trung ương nghiên cứu tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc để hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Không quy định trong Luật những nội dung chưa đủ chín, đủ rõ

Cũng tại buổi làm việc, cho ý kiến về nội dung Liên đoàn Hợp tác xã, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết hiện nay còn chưa rõ, Liên đoàn Hợp tác xã là tổ chức kinh tế hay hình thức liên kết của tổ chức kinh tế. Nếu là tổ chức kinh tế phải có thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ. Một số nước thành lập Liên đoàn Hợp tác xã là theo hình thức liên kết theo ngành như Hiệp hội nghề cá, Hiệp hội thủy sản, Hiệp hội dệt may v.v... nhưng ở nước ta, việc xác định là tổ chức kinh tế hay là một hình thức hiệp hội chưa rõ. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ nguyên tắc chưa đủ chín, chưa đủ rõ thì không quy định vào Luật. Do đó các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, nghiên cứu là cần thiết nhưng tránh chuyện chưa rõ lại quy định đóng khung trong luật, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Về tổ chức đại diện Liên minh Hợp tác xã, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là nội dung phải duy trì, phải củng cố và tăng cường vai trò. Chỉ rõ, Liên minh Hợp tác xã là tổ chức được Đảng thành lập, có điều lệ, có Đại hội định kỳ, có tổ chức từ Trung ương đến địa phương với lịch sử tồn tại hàng chục năm. Liên minh Hợp tác xã không phải là tổ chức quản lý nhà nước, nhưng hướng tới cải cách để nhà nước ủy thác cho tổ chức này phân cấp thực hiện một số dịch vụ công. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vai trò Liên minh Hợp tác xã, vì vậy cần nhạn thức đúng để làm đúng chức danh, phận sự, tròn vai.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý các nội dung cần tiếp tục làm rõ

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra một số vấn đề của dự thảo luật đề nghị tiếp tục nghiên cứu kĩ lưỡng để giải quyết trong Luật.

Một là các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã. Thực tế các chính sách này không đi vào cuộc sống như việc tiếp cận đất đai hay tín dụng rất khó khăn, hay như các chính sách về thuế, bảo hiểm xã hội v.v... Do đó, trong Luật sửa đổi lần này quy định để có tính sát thực, khả thi, làm cơ sở để triển khai.

Hai là tỷ lệ cung ứng dịch vụ. Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là vấn đề rất lớn. Luật hiện hành quy định hợp tác xã không được cung ứng dịch vụ ra ngoài quá 50%. Bởi mục tiêu thành lập hợp tác xã là phục vụ thành viên, tránh trường hợp lợi dụng chính sách lập ra hợp tác xã để cung ứng ra bên ngoài, còn các thành viên không được đảm bảo. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật lần này dường như xóa nhòa hết ranh giới này. Mặc dù đồng ý về mặt chủ trương hợp tác xã được cung ứng dịch vụ nhằm đáp ứng như cầu trong quá trình phát triển, tận dụng năng lực để cung ứng dịch vụ ra bên ngoài, nhưng cần phải bảo đảm điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ cho thành viên và được thành viên hợp tác xã đồng ý. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ phải có những quy định mang tính ràng buộc như vậy, bởi đây là vấn đề lớn liên quan đến nguyên tắc tổ chức hoạt động của hợp tác xã, tính chất tự nguyện và phục vụ thành viên, nhất là cung ứng dịch vụ.

Ba là thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã. Chủ tịch Quốc hội cho biết thực tế đây là vấn đề còn khó thực hiện.

Các đại biểu tại buổi làm việc

Bốn là thể chế hóa chủ trương của Đảng vừa khuyến khích phát triển về số lượng hợp tác xã, vừa phát triển số lượng và chất lượng thành viên trong hợp tác xã; phải có chính sách để khuyến khích mở rộng mạng lưới thành viên hợp tác xã.

Cùng với đó là vấn đề kiểm toán và tín dụng nội bộ hợp tác xã là những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu thấu đáo và giải quyết được trong Luật.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, những vấn đề lớn, quan trọng, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án luật cần tiếp tục rà soát để thể chế đầy đủ Nghị quyết của Đảng, không để xảy ra việc không thể chế hóa hoặc thể chế không đầy đủ hoặc hiểu sai. Chia sẻ Luật Hợp tác xã là đạo luật có lịch sử thăng trầm nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc sửa đổi luật có nhiều thuận lợi với cơ sở chính trị rõ ràng, thực tiễn 10 năm thi hành, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng các cơ quan lắng nghe nhau sớm đi đến thống nhất, giải quyết các vấn đề một cách thấu tình đạt lý để trình Quốc hội dự án có chất lượng tốt nhất.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tễ Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành thảo luận

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác