CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: SỬA ĐỔI LUẬT VIỄN THÔNG BẢO ĐẢM THỂ CHẾ HÓA CHỦ TRƯƠNG, QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA, TUÂN THỦ CAM KẾT QUỐC TẾ

12/04/2023

Chiều 12/4, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), trước nhiều có ý kiến khác nhau về chính sách kinh doanh trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, OTT, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan rà soát, tính toán quy định một cách thuyết phục bảo đảm cả tính pháp lý, tính khả thi và tuân thủ cam kết quốc tế để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dùng, tính cạnh tranh của môi trường đầu tư của Việt Nam cũng như công cuộc chuyển đổi số của nước ta.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 12/4: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)

Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số quốc gia

Tại phiên họp, sau khi nghe trình bày Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đánh giá rất cao sự chuẩn bị của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật mang tính kỹ thuật  cao và chuyên sâu đã làm công phu, đầy đặn, đầu tư công sức, trách nhiệm. Đồng thời, đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, mặc dù lĩnh vực chuyên ngành sâu trong khoảng thời gian không nhiều thời gian chưa nhiều đã có báo cáo thẩm tra nêu được nhiều vấn đề.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)

Để có thêm cơ sở tiếp tục nghiên nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Viễn thông do bối cảnh khoa học, công nghệ, công nghệ thông tin, viễn thông thay đổi nhanh chóng.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là dự án luật quan trọng để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và vấn đề chuyển đổi số quốc gia. Dự án luật này cũng nằm trong chuỗi các luật được sửa đổi như Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đến Luật Viễn thông (sửa đổi) và tiến tới nghiên cứu luật về công nghiệp công nghệ số.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để quán triệt đầy đủ tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, cũng như các Nghị quyết của Trung ương. Đồng thời bên cạnh việc kế thừa những quy định hiện có, cố gắng luật hóa tối đa những quy định đối với những vấn đề mới phát sinh được quy định trong nghị định hay thông tư được áp dụng hiệu quả, được kiểm nghiệm thực tế, hạn chế tối đa việc giao ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của cơ quan soạn thảo dự án Luật

Tiếp tục rà soát để đảm bảo tính tương thích với các cam kết quốc tế và sự đồng bộ của hệ thống pháp luật

Về phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu làm rõ hơn một nội hàm của hoạt động viễn thông để bổ sung các quy định phù hợp trong dự thảo luật. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại khoản 2 Điều 3 trong dự thảo quy định "Hoạt động viễn thông bao gồm đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông cơ bản, dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, hàng hóa viễn thông, hoạt động viễn thông công ích, kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, xây dựng công trình viễn thông". Tuy nhiên các chính sách và nội dung trong dự thảo Luật này lại chủ yếu vẫn điều chỉnh về hoạt động kinh doanh viễn thông, tương tự như Luật Viễn thông 2009, nặng về việc hoạt động kinh doanh viễn thông trong khi đó không thể hiện được bao quát các nội dung của khái niệm hoạt động viễn thông như đã định nghĩa trong khoản 2 Điều 3. Do đó, cần phải có nghiên cứu thấu đáo hơn. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, hoạt động viễn thông bao gồm cả quyền tham gia hoạt động viễn thông, quyền được đảm bảo an toàn viễn thông cho cả bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ, vấn đề cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động viễn thông, tạo thuận lợi thương mại và giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, cho người sử dụng dịch vụ, vấn đề nghiên cứu triển khai các hoạt động viễn thông, v.v.. Vì vậy cần phải tính toán làm sao các điều, các khoản phổ quát hết cả các lĩnh vực này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng - đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tham dự phiên họp

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát để đảm bảo tương thích giữa quy định dự thảo luật với điều ước quốc tế. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bản thân viễn thông cũng là vấn đề quốc tế, do đó, việc rà soát để đảm bảo tính tương thích với điều ước quốc tế là rất cần thiết. Theo đó, cần tiếp tục rà soát để đảm bảo được sự tương thích cho cả 5 nhóm cam kết quốc tế gồm: các cam kết về mở cửa thị trường; cam kết về thể chế và môi trường kinh doanh viễn thông; cam kết liên quan đến luật pháp quốc tế chung; quy định về thủ tục tại các diễn đàn tổ chức chuyên mô; và nhóm các khái niệm về viễn thông hoặc trong lĩnh vực viễn thông đã được xác định trong các Hiệp định thương mại tự do.

Lưu ý đến yêu cầu bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Luật Viễn thông liên quan đến 205 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực, trong đó có liên quan đến 64 luật và bộ luật, 72 Nghị định, 65 Thông tư, 4 Thông tư liên tịch, 12 điều ước quốc tế. Do đây là phức tạp nên cần phải tiếp tục rà soát để không chồng chéo giữa những quy định của luật này với các luật có liên quan và việc áp dụng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý quan hệ của Luật Viễn thông đối với Luật Công nghệ thông tin, Luật Đấu giá tài sản, một số nội dung được nghiên cứu, sửa đổi trong Luật Đất đai, Luật Giao dịch điện tử, Luật Giá v.v. Đề nghị tiếp tục rà soát, nhất là những vấn đề giao thoa giữa các luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Bảo đảm tính thuyết phục, khả thi của các quy định còn ý kiến khác nhau

Về nội dung có ý kiến khác nhau của dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay đang có ý kiến khác nhau về chính sách kinh doanh trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, OTT. Chủ tịch Quốc hội cho rằng nội dung này hiện có 3 loại ý kiến. Nhóm ý kiến thứ nhất băn khoăn và cho rằng các loại hình này không phải là dịch vụ viễn thông và không muốn đưa vào trong luật này. Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng trong điều kiện giao thoa hội tụ giữa công nghệ thông tin viễn thông và vô số ứng dụng, nhất là loại ứng dụng thứ cấp, tính chất giá trị gia tăng cao thì trong nhiều trường hợp là không thể phân định một cách rạch ròi bởi giao thoa giữa ngành này, ngành kia. Do đó việc bổ sung các quy định này là cần thiết. Nhóm ý kiến thứ ba, nghiêng về ý kiến thứ hai nhưng có mức độ, giới hạn tức chỉ đưa vào luật những gì liên quan trực tiếp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cần phải tiếp tục cân nhắc kỹ, đánh giá kỹ tác động chính sách để đưa các dịch vụ này vào trong luật và xác định mức độ điều chỉnh cho phù hợp.

Về quy định cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho biết còn ý kiến còn băn khoăn về điểm a khoản 2 điều này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tính toán để quy định một cách thuyết phục bởi đây là vấn đề các các doanh nghiệp nước ngoài, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài có ý kiến nhiều.

Dự thảo Luật quy định: “Điều 25.Cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam

2. Việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các dịch vụ quy định tại Điều 23, Điều 24 của Luật này, phải thực hiện như sau:

a) Thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam;”

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu đưa quy định này vào phải chứng minh được đây là ngoại lệ theo cam kết GATS (Hiệp định chung về thương mại dịch vụ của WTO). Câu hỏi đặt ra là nếu yêu cầu thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp Việt Nam và Văn phòng đại diện từ Việt Nam vì lợi ích cộng đồng và lợi ích an ninh quốc gia mà chỉ quy định đối với trường hợp có thu cước mới quy định, có lưu lượng người dùng dưới ngưỡng thì mới quy định, tại sao không phải tất cả. Ở đây cũng cần làm rõ ngưỡng, căn cứ nào để xác định ngưỡng. Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu có quy định này cần phải được minh bạch.

Cùng với đó có khái niệm phương án kỹ thuật cần thiết để đảm bảo an ninh thông tin, theo Chủ tịch Quốc hội nếu không có quy định rõ ràng sẽ rất dễ tùy tiện viện dẫn. Do đó, cần phải nghiên cứu kỹ hơn nội dung này để hỗ trợ cho các dự án luật khác mang lại minh bạch, tránh tình trạng viện giữa dẫn, giải thích tùy tiện, làm tăng chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp Việt Nam và gián tiếp cũng làm tăng chi phí đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp

Về các hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện, quy định tại khoản 3 Điều 25, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm để có thể luật hóa những quy định trong Thông tư của Bộ liên quan đến nội dung này, liên quan đến trường hợp không thu cước người sử dụng, tổ chức phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông về thông tin liên lạc của tổ chức cung cấp dịch vụ. Thông tư 38/2016/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quy định khá đầy đủ và chi tiết vấn đề này. Để đảm bảo tính minh bạch, cân nhắc luật hóa nội dung này nếu quy đinh này đã ổn định, Chủ tịch Quốc hội gợi ý.

Cân nhắc thay đổi cách tiếp cận trong quản lý

Về quy định các tại điểm b, khoản 3 Điều 25 quy định trường hợp có thu cước hoặc không thu cước sử dụng Internet nhưng có số lượng người sử dụng hoặc phát sinh lưu lượng tại thị trường Việt Nam vượt mức ngưỡng theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật này thì phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hoặc đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Khoản 4 Điều 25 quy định việc cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hoặc đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Liên quan đến 2 quy định này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại trên hai khía cạnh. Một là căn cứ pháp lý và hai là tính khả thi.

Chủ tịch Quốc hội làm rõ, việc cung cấp dịch vụ OTT không yêu cầu sử dụng thiết bị và tài nguyên tần số của Việt Nam. Người sử dụng dịch vụ OTT trên các thiết bị đầu cuối thì đã có hợp đồng thuê bao hoặc thỏa thuận dịch vụ viễn thông với các doanh nghiệp viễn thông và đã trả cước phí cho doanh nghiệp. Hoạt động của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây với doanh nghiệp viễn thông, truyền thông tương đối độc lập và không phát sinh giao dịch thương mại, chỗ này không phải giao dịch có tính chất thương mại. Hiện nay không có cơ sở pháp lý hoặc chính sách nào đã được ban hành để áp dụng yêu cầu về thỏa thuận thương mại đối với dịch vụ OTT.

Chỉ rõ những nội dung này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải phải rà soát, nghiên cứu thêm nếu đưa thỏa thuận thương mại đối với dịch vụ OTT thành một điều khoản bắt buộc và nếu như các đối tác nước ngoài không hợp tác thì cuối cùng lại thiệt thòi đến người dùng và ảnh hưởng đến việc chuyển đổi số của Việt Nam, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và cũng không bảo đảm tính trung lập của doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ điện toán đám mây. Vì vậy phải tính toán về tính hợp lý, thuyết phục của việc quy định phải có thỏa thuận thương mại giữa 2 doanh nghiệp để các doanh nghiệp và chính Quốc hội yên tâm khi bấm nút thông qua.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, việc không đặt ra yêu cầu doanh nghiệp đặt Văn phòng đại diện như một điều kiện kinh doanh là một trong những cam kết của Việt Nam trong Hiệp định chung về thương mại dịch vụ của WTO (GATS) cũng như Hiệp định CPTPP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực ASEAN và 5 nước quốc gia ASEAN. Nếu có quy định này có thể tạo gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và ảnh hưởng tới cạnh tranh của thị trường viễn thông ở Việt Nam. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc tính thuyết phục để bảo đảm giải quyết được vướng mắc về pháp lý và cam kết quốc tế và tính khả thi.

Liên quan đến quy định này, Chủ tịch Quốc hội gợi ý thêm phương án thay đổi cách quản lý, như yêu cầu thông báo đầu mối xử lý thông tin hoặc là cho phép chỉ định đơn vị ủy quyền tại Việt Nam.

Về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, Chủ tịch Quốc hội tán thành với quan điểm nếu giữ Quỹ thì phải luật hóa và quy định cụ thể, cùng với đó cũng cần nghiên cứu thêm về mô hình quản lý quỹ./.

Bảo Yến

Các bài viết khác