DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI): NGHIÊN CỨU BỔ SUNG ĐẦY ĐỦ QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ TÀI CHÍNH TRONG KHÁM, CHỮA BỆNH

02/08/2022

“Khẩn trương nghiên cứu bổ sung chương về cơ chế tài chính của các cơ sở khám chữa bệnh và luật hóa nội dung này…” là một trong những yêu cầu được GS.TS Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ trong triển khai công tác nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu đóng góp ý kiến đối với các dự án luật được trình tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Huy động trí tuệ tập thể, đội ngũ chuyên gia đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng, ban hành dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

GS.TS Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội làm việc với Viện Nghiên cứu lập pháp về công tác chuẩn bị đóng góp ý kiến đối với các dự án luật được trình tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) phải đáp ứng được kỳ vọng của Nhân dân

Vừa qua, tại cuộc làm việc với Viện Nghiên cứu lập pháp (NCLP) về công tác chuẩn bị đóng góp ý kiến đối với các dự án luật được trình tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện NCLP tập trung nguồn lực, huy động đội ngũ chuyên gia uy tín, phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để triển khai tổ chức các hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu chuyên đề phục vụ các dự án luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tới đây (10/2022).

Nhấn mạnh, kỳ vọng của ngành y tế, của nhân dân đối với Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Viện NCLP phối hợp với cơ quan soạn thảo (Bộ Y tế), Bộ Tài chính, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu bổ sung một chương về cơ chế tài chính của các cơ sở khám chữa bệnh và luật hoá nội dung này.

“Nếu với chỉ với những nội dung đã trình tại Kỳ họp thứ 3, liệu đã giải quyết được các vấn đề thực tiễn đặt ra, đảm bảo được mục tiêu xây dựng lật và đáp ứng được kỳ vọng của Nhân dân. Hiện nay toàn bộ cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập chưa có luật, chỉ có nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Viện cần khẩn trương phối hợp với cơ quan soạn thảo để nghiên cứu bổ sung chương về cơ chế tài chính của cái cơ sở khám chữa bệnh từ đó rút kinh nghiệm cho các lĩnh vực khác….”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu vấn đề.

Đây không phải là lần đầu tiên trăn trở về nội dung này, trước đó tại Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ cần đánh giá kỹ thêm, nhất là các quy định liên quan đến hoàn thiện cơ chế tài chính trong lĩnh vực khám, chữa bệnh của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, liên quan đến tài chính, ngân sách, trang thiết bị cho công tác khám, chữa bệnh, Dự thảo luật quy định còn rất chung chung. Vì vậy, cần nghiên cứu để bổ sung quy định việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho công tác khám, chữa bệnh phải tuân thủ pháp luật về ngân sách, pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật về chi ngân sách nhà nước, để đảm bảo mọi khoản chi từ ngân sách phải tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích; cần đấu thầu thì phải đấu thầu, cần đấu giá thì phải đấu giá.

Về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, theo Chủ tịch Quốc hội, cũng cần được nghiên cứu làm rõ hơn, trong đó có quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân. "Đã nói về giá thì phải cấu thành đủ chi phí và có phần lợi nhuận định mức…", Chủ tịch Quốc  hội lưu ý.

Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Hoàn thiện cơ chế tài chính trong lĩnh vực khám, chữa bệnh

Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 10 chương và 102 điều, thêm 1 chương (chương IX) so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

Liên quan đến quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật thay đổi từ cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các nhóm yếu tố chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định sang cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các yếu tố phát sinh trong quá trình khám bnh, chữa bệnh sau đây: (1) Hàng hóa phục vụ cho việc khám bệnh, chữa bệnh như: thuốc, sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế, trang thiết bị y tế và các hàng hóa khác; (2) Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do các cơ sở và người hành nghề đủ điều kiện theo quy định của pháp luật cung cấp; (3) Các chi phí khác có liên quan đến quá trình khám bệnh, chữa bệnh.

Theo cơ quan soạn thảo, quy định như trên nhằm khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đầu tư để nâng cao khả năng cung cấp cũng như chất lượng của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Việc xây dựng, quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá. Nhiều ý kiến trong Ủy ban thống nhất với quy định cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Giá nhưng cần bổ sung quy định nguyên tắc xây dựng giá dịch vụ y tế khối tư nhân. Tuy nhiên, một số ý kiến khác trong Ủy ban thấy rằng, cần quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân để đảm bảo quyền của người bệnh.

Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành, đảm bảo tính phù hợp, toàn diện và khả thi theo tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TW và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên họp Quốc hội (sáng ngày 13/6) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Cũng tại Kỳ họp thứ 3, chiều ngày 25/5/2022 và sáng ngày 13/6/2022, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đã có 163 lượt phát biểu ý kiến tại Tổ, 27 lượt đại biểu phát biểu tại Hội trường và 10 đại biểu Quốc hội đã gửi ý kiến bằng văn bản. Đối với quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (Điều 91), một số ý kiến đề nghị Nhà nước cần thống nhất quản lý về giá, quy định khung giá đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân và cơ chế kiểm soát giá để bảo vệ người bệnh; quy định khung giá hoặc giá trần đối với hệ thống y tế công lập hay cả hệ thống y tế khác để đảm bảo quyền lợi của người bệnh; ý kiến khác cho rằng quy định giá dịch vụ y tế ngoài công lập tuân cần thủ theo đúng quy chế thị trường và đảm bảo theo Luật Giá.

Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ yếu tố cấu thành về giá để đảm bảo không có một sự chênh lệch quá mức giữa giá khám chữa bệnh công lập, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và tư nhân; đề nghị tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh; bổ sung yếu tố về con người, khấu hao tài sản, cơ sở vật chất, tiền lương, công nghệ thông tin; làm rõ khái niệm giá dịch vụ khám chữa bệnh, bổ sung quy định mang tính chất nguyên tắc về quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ khám chữa bệnh; quy định chặt chẽ về giá khám chữa bệnh đối với cơ sở y tế tư nhân theo quy định của pháp luật về giá; bổ sung quy định về giá dịch vụ y tế; giá dịch vụ đối với cơ sở y tế công lập, đặc biệt là cơ sở thực hiện tự chủ .

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị quy định giá theo hạng chất lượng bệnh viện; làm rõ mối quan hệ quy định tại dự thảo Luật với Luật Giá, Luật Đấu thầu và Luật Bảo hiểm y tế; đề nghị quy định để giá dịch vụ khám chữa bệnh và giá BHYT bằng nhau, xem xét lại vấn đề tự chủ bệnh viện;…

Ngay khi kết thúc Kỳ họp thứ 3, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, tích cực triển khai việc nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tới đây./.

Lê Anh

Các bài viết khác