GS.TS VƯƠNG ĐÌNH HUỆ - CHỦ TỊCH QUỐC HỘI DỰ DIỄN ĐÀN HỢP TÁC GIÁO DỤC VIỆT NAM - AUSTRALIA

02/12/2022

Sáng 02/12, theo giờ địa phương, tiếp tục chuyến thăm chính thức Australia, tại Tp. Melbourne, GS.TS Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã dự Diễn đàn Hợp tác giáo dục Việt Nam - Australia do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam phối hợp với các đối tác Australia, chính quyền Bang Victoria cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Australia tổ chức.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ GẶP ĐẠI DIỆN CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI AUSTRALIA

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình huệ 

Tham dự Diễn đàn về phía Australia có: Thượng nghị sĩ, đồng Bộ trưởng Thương mại Tims Ayres; Chủ tịch Hội đồng Tư vấn quốc tế Bang Victoria John Brumby, các đại biểu Quốc hội tham gia Đoàn công tác của Quốc hội và nhiều Hiệu trưởng, lãnh đạo các trường đại học hàng đầu Việt Nam và Australia.

Lãnh đạo các Trường Đại học của Astrailia và Việt Nam có mặt tại diễn đàn đã dành cho GS.TS Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội những tràng vỗ tay dài chào đón đến thăm chính thức Astralia và tham dự Diễn đàn, đặc biệt khi các bạn Astralia đều biết Chủ tịch Quốc hội đã từng là Lãnh đạo Trường đại học Tài chính kế toán.

Trong phát biểu của mình, Ngài Bộ trưởng Bộ Thương mại Australia  cho rằng, diễn đàn được tổ chức cho thấy giáo dục và đào tạo luôn đóng vai trò quan trọng  trong quan hệ tốt đẹp hai nước kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Bộ trưởng cũng đánh giá cao Quốc hội và Chính phủ Việt Nam trong triển khai các chính sách quan tâm tới giáo dục. Quan hệ hai nước ngày càng thực chất, ngoài giáo dục, lĩnh vực kinh tế thương mại, giao lưu nhân dân cũng được đầu tư, phát triển. Đáng mừng là trong hợp tác giáo dục, đến nay, hơn 80.000 học sinh Việt Nam đã hoàn tất học tập tại Australia và đều có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước.

Ngài Bộ trưởng cho rằng, giáo dục và đào tạo hai nước còn rất nhiều dư địa phát triển và 12 cam kết giáo dục được trao hôm nay chỉ là cơ sở để các Trường Đại học tiếp tục cụ thể hóa sự hợp tác nay. Sinh viên Việt Nam được cấp bằng của Astralia ngay tại Việt Nam. Đó là những cơ sở hợp tác thể hiện sự cởi mở của Việt Nanm với những ý tưởng và sự đầu tư cho tương lai mà chất lượng nguồn nhân lực được Việt Nam hết sức coi trọng.

Toàn cảnh Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, năm 2023 Việt Nam và Australia sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Australia là một trong những nước đầu tiên nối lại viện trợ ODA và cung cấp học bổng cho Việt Nam. Nửa thế kỷ qua, quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước ngày càng trưởng thành và bền chặt hơn. Hai nước đã trải qua nhiều chặng đường, từ thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2009, Đối tác toàn diện tăng cường vào năm 2015 và Đối tác chiến lược vào năm 2018 và đang hướng đến mục tiêu thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới. Trong quá trình đó, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, hợp tác giáo dục luôn là điểm sáng trong quan hệ hai nước.

Với khoảng 30.000 học sinh, sinh viên đang học tại Australia, Việt Nam đứng thứ 5 trong số các quốc gia có sinh viên du học tại Australia. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thứ hạng này sẽ thay đổi trong thời gian không xa bởi hợp tác giáo dục giữa hai nước đã có những câu chuyện rất thành công như RMIT - một trong những trường đại học quốc tế đầu tiên được Chính phủ Việt Nam cấp phép hoạt động. Đến nay đã có khoảng 17 nghìn sinh viên Việt Nam tốt nghiệp RMIT tại Việt Nam, trong 5 năm gần đây, con số này là 3.000 sinh viên.

Hay câu chuyện của Đại học Swinburne - một trong những trường đại học tài trợ cho chương trình Đường lên đỉnh Olimpia rất nổi tiếng tại Việt Nam, rất nhiều quán quân của chương trình này đã chọn Australia, trực tiếp là Bang Victoria để học thạc sĩ, tiến sĩ. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh “Hợp tác về giáo dục đào tạo giữa hai nước không chỉ giúp cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của mỗi nước mà còn là sợi dây gắn kết văn hoá giữa hai dân tộc, là nhịp cầu hữu nghị giữa hai đất nước chúng ta, cho nên càng có ý nghĩa quan trọng”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình huệ 

Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam là rất lớn. Đầu quý I năm 2023, Việt Nam sẽ đón công dân thứ 100 triệu. Hiện nay, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng, các tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng.  Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 6% trong suốt 35 năm qua, Việt Nam từ một nước bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh đã nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội và trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới thực hiện thắng lợi các Mục tiêu thiên niên kỷ và hiện đang thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam cũng đang thực hiện khát vọng phát triển với hai cột mốc hết sức quan trọng: năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, triển khai các chương trình hành động dựa trên các trụ cột về: cải cách thể chế; phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, coi đây là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước nhanh và bền vững. .Để thực hiện được các mục tiêu “khát vọng" này, yếu tố con người là nguồn lực nội sinh hết sức quan trọng, là tài sản lớn nhất của Việt Nam để chúng tôi có thể thực hiện được các mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước đã đề ra trong dài hạn.

Đánh giá cao việc tổ chức các diễn đàn hợp tác giáo dục giữa hai nước, nhất là giáo dục đại học, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam mong muốn hợp tác giáo dục giữa hai nước ở các cấp độ: Nhà nước với Nhà nước, Bộ với Bộ và cơ sở giáo dục đào tạo với nhau.

Về phía Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, bên cạnh việc hợp tác toàn diện, hai bên cần tập trung vào 3 trọng điểm: một là, chia sẻ kinh nghiệm về quản trị đại học; hai là, khung chương trình đào tạo quốc gia của các cấp học; ba là, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong học sinh và sinh viên.

Về kết nối cơ sở giáo dục giữa hai nước, nhất là kết nối cơ sở giáo dục đại học, Chủ tịch Quốc hội đề xuất 5 điểm: Tăng cường số lượng các chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với các cơ sở giáo dục đại học có xếp hạng cao của Australia, trong đó chú trọng hơn đến lĩnh vực khoa học công nghệ và trình độ đào tạo tiến sĩ. Tăng cường việc trao đổi sinh viên, giảng viên cũng như đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học của Australia và Việt Nam. Sớm có thêm các trường đại học có uy tín của Australia mở phân hiệu tại Việt Nam, phát triển hình thức du học tại chỗ. Tiếp tục hỗ trợ cho việc dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam, trong đó có việc chia sẻ nguồn học liệu. Các trường đại học, các cơ sở giáo dục của hai nước, đặc biệt là các hiệu trưởng, lãnh đạo các trường đại học hai nước tham dự Diễn đàn lần này tích cực thảo luận, tìm kiếm cơ hội hợp tác, có thể tiến hành ký kết các biên bản ghi nhớ và sớm cùng nhau triển khai thực hiện hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, Diễn đàn Hợp tác giáo dục Việt Nam - Australia hôm nay sẽ mở ra giai đoạn mới cho sự hợp tác giáo dục giữa hai bên bền vững, lâu dài, góp phần tăng cường mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Australia.

Ngay tại Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Australia, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Lãnh đạo các Trường Đại học của Việt Nam và Austrailia đã trao 12 biên bản thỏa thuận ghi nhớ về hợp tác giáo dục, đào tạo, trao đổi sinh viên, trong đó có biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Đại học Giao thông vận tải với Trường Đại học Southern Queensland; hợp tác giữa Đại học Hà Nội với với Trường Đại học Caberra;  Biên bản giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam với Tổ chức nghiên cứu khoa học  và công nghiệp thịnh vượng chung và nhiều biên bản ghi nhớ khác./.

Đặng Linh - Doãn Tấn