KẾT LUẬN CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI CUỘC LÀM VIỆC VỚI KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

20/08/2021

Thực hiện quy định tại Luật Ban hành văn bản, ngày 20/8/2021, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã có Thông báo 111/TB-TTKQH Kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc làm việc với Kiểm toán nhà nước chiều ngày 12/8/2021.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao các kết quả hoạt động tích cực của Kiểm toán nhà nước trong 8 tháng qua dù phải triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh đầy khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và giai đoạn chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ, có sự thay đổi về nhân sự Tổng Kiểm toán nhà nước. Toàn ngành đã khẩn trương quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cụ thể hóa Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 thành các chương trình, kế hoạch hành động.

Kiểm toán nhà nước đã chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành, kịp thời rà soát, điều chỉnh các phương án tổ chức hoạt động, bảo đảm vừa an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Quốc hội biểu dương những thành tựu đáng tự hào của Kiểm toán nhà nước sau hơn 27 năm hình thành và phát triển. Kiểm toán nhà nước đã có những bước tiến dài, khẳng định được vai trò, vị thế trong nước và khu vực, đặc biệt được Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI) ghi nhận, đánh giá cao; góp phần bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả, hợp lý trong phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính nhà nước và tài sản công, lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia, góp phần đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và là công cụ quan trọng của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…

Về thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, nhưng hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và trên hết là phục vụ cho lợi ích chung của đất nước, của Nhân dân; cần phát huy vai trò cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công“công minh, chính trực, nghệ tinh, tâm sáng”, có uy tín và trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trong quá trình hoạt động, cần lưu ý bảo đảm tính độc lập, nhưng không để bị “cô lập” hoặc “đối lập”; phải kiên quyết đấu tranh với sai phạm, tiêu cực, song cũng cần ghi nhận, nhân rộng các điển hình tốt trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; tăng dần tính chuyên nghiệp, nâng cao hơn nữa chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí với nhiệm vụ các tháng cuối năm và định hướng hoạt động trong thời gian tới của Kiểm toán nhà nước. Đồng thời, đề nghị quan tâm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, nhiệm vụ quan trọng mà Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ngay là triển khai xây dựng Đề án hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ hai, sớm xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030), đặt trong bối cảnh triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương về tổ chức bộ máy, biên chế, các Nghị quyết có liên quan của Quốc hội. 

Đồng thời, bám sát các nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; lựa chọn “đúng và trúng” các vấn đề, lĩnh vực cần kiểm toán, góp phần tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội và kiến tạo sự phát triển của đất nước; trong đó, quan tâm kiểm toán việc thực hiện 3 chính sách vĩ mô trụ cột về tài khóa, tiền tệ và thương mại…

Thứ ba, cần chủ động có phương án cụ thể, hình thức phù hợp để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, tập trung hoàn thành với chất lượng cao nhất một số nhiệm vụ trọng tâm như: quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, các cuộc kiểm toán quan trọng,…

Thứ 4, cân nhắc xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2022, bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình dịch Covid-19; việc lựa chọn các chủ đề kiểm toán có quy mô lớn cần lưu ý thêm các vấn đề như: tình hình quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, trạng thái dư thừa thanh khoản tại các ngân hàng thương mại, tình trạng phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp,...

Để phục vụ Quốc hội giám sát tối cao năm 2022 chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, đề nghị Kiểm toán nhà nước phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội xây dựng các Đề cương Báo cáo kết quả giám sát, báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021...

Thứ năm, chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước được quy định tại Điều 10 Luật Kiểm toán nhà nước và Điều 71 Luật Ngân sách nhà nước. Các quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước về cơ bản chưa phát sinh vướng mắc về cơ sở pháp lý.

Thứ sáu, tiếp tục tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ chuyên môn cho kiểm toán viên...

Thứ bảy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hướng tới thực hiện kiểm toán số, ứng dụng công nghệ số cho hoạt động kiểm toán để phù hợp với tình hình mới, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.

Thứ tám, tăng cường và đa dạng hóa các hình thức công khai kết quả kiểm toán theo quy định của pháp luật.

Các bài viết khác