CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: XEM XÉT KỸ LƯỠNG – QUYẾT ĐỊNH ĐÚNG THẨM QUYỀN

03/12/2021

Chiều 03/12, tại Nhà Quốc hội, làm việc với Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội và các cơ quan hữu quan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý việc các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng, làm rõ tính cấp bách, đồng thời nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ quyết định các vấn đề theo đúng phạm vi được Quốc hội ủy quyền trong Nghị quyết 30/2021/QH15.

 

Bảo đảm bao quát các ngành, lĩnh vực tham gia trong công tác phòng, chống dịch

Theo Tờ trình của Chính phủ, nhằm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chiến lược, nhất là trong thời gian tới khi thống nhất chủ trương chuyển hướng phòng, chống dịch sang phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phòng ngừa chủ động từ sớm, từ xa; để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện Chiến lược, Chính phủ báo cáo và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách tập trung vào 04 nhóm vấn đề: (1) Khám bệnh, chữa bệnh; (2) Thanh toán chi phí và chế độ chống dịch; (3) Dược; (4) Trang thiết bị y tế. Cụ thể: về cơ chế để huy động nhân lực tham gia phòng, chống dịch (tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19); thanh toán chi phí thực hiện tiêm chủng, xét nghiệm, khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở thu dung, điều trị COVID-19; về khám chữa bệnh từ xa; về chuyển đổi mục đích sử dụng nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu; về cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc điều trị COVID-19; về tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã được cấp; về sử dụng thuốc sản xuất trong nước thuộc lô thuốc được sản xuất để phục vụ cấp số đăng ký lưu hành trong phòng, điều trị COVID-19 nếu thuốc đó được cấp phép lưu hành; về bình ổn giá trang thiết bị y tế; về chính sách tiền lương, tiền công, phụ cấp và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội và các cơ quan hữu quan cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19

Báo cáo một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội về Tờ trình của Chính phủ liên quan việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 để Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần của Kết luận số 20-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển - kinh tế xã hội năm 2022, về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, cụ thể hóa Nghị quyết số 30/2021/QH15, Nghị quyết 268/NQ/QH15.

Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng do có đối tượng tác động lớn, phạm vi không chỉ cơ chế thực hiện của hệ thống y tế mà cả ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Tờ trình cũng chưa làm rõ tính cấp bách để được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 30/2021/QH15, một số chính sách được trình để giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong thời gian trước, một số chính sách được trình để thực hiện lâu dài và dự kiến sẽ được bổ sung, điều chỉnh khi sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh

Để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống văn bản cũng như tránh trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để thực thi Chiến lược do Chính phủ ban hành, đề nghị Chính phủ chỉ đưa vào Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch với những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các nội dung vượt thẩm quyền sẽ được quy định trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo 

Thường trực Ủy ban Xã hội cũng thấy rằng, dự thảo Nghị quyết còn chưa mang tính toàn diện, bao quát các ngành, lĩnh vực tham gia trong công tác phòng, chống dịch, chủ yếu điều chỉnh trong lĩnh vực y tế. Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc và dự kiến những thách thức, bất cập có thể phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành chính sách, cơ chế đặc thù trong phòng, chống dịch một cách tổng thể, tránh việc ban hành nhiều Nghị quyết về nội dung này.

Xem xét kỹ lưỡng từng nội dung chính sách

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội đã cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội xem xét, cho ý kiến cụ thể về từng chính sách, lắng nghe quan điểm của đại diện Chính phủ, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về căn cứ pháp lý để ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hồ sơ dự án; nội dung của các chính sách, hiệu lực của Nghị quyết và áp dụng pháp luật.

Theo đó, đồng tình với việc quy định cơ chế để huy động nhân lực tham gia phòng, chống dịch (tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19), đồng thời đề nghị rà soát để quy định rõ, thống nhất các thuật ngữ trong dự thảo Nghị quyết như “cơ sở khám chữa bệnh”, “cơ sở y tế”,  “cơ sở thu dung”, “cơ sở điều trị”, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự phiên họp

Về thực hiện khám chữa bệnh từ xa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ ai được thực hiện thí điểm khám chữa bệnh từ xa, cần quy định rõ chủ thể khám, khám cho ai, lưu ý chỉ áp dụng khám chữa bệnh đối với bệnh nhân mắc COVID-19, cùng với đó các nội dung về trách nhiệm, quy trình khám chữa bệnh, thanh toán… cần có văn bản hướng dẫn chi tiết. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng liên quan đến sức khỏe tính mạng người dân không thể làm đại khái mà cần hết sức chặt chẽ, khẳng định chính sách cần thiết nhưng chỉ áp dụng cho điều trị bệnh nhân COVID-19.

Về chuyển đổi mục đích sử dụng nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu, nhất trí quy định theo hướng giao thẩm quyền quyết định cho Bộ trưởng Bộ Y tế.

Về cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc điều trị COVID-19, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải bao đảm tuân thủ quy định của Luật Dược, trường hợp cấp bách thì có thể áp dụng quy trình rút gọn. Mặt khác, "Bộ trưởng Bộ Y tế có thẩm quyền cho phép sử dụng trong phòng, điều trị COVID-19 đối với các lô thuốc sản xuất trong nước để thẩm định quy trình sản xuất trong từng trường hợp cụ thể trên cơ sở đề nghị của cơ sở sản xuất, nhưng cần lưu ý thẩm quyền phải đi với trách nhiệm và nghĩa vụ. Nghị quyết cần quy định rõ vấn đề này", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. Đồng thời, đề nghị làm rõ cơ sở sản xuất được hiểu như thế nào, về tiêu chí “cùng hàm lượng, tiêu chuẩn, chất lượng” của thuốc mới điều trị COVID-19 sản xuất trong nước với thuốc điều trị COVID-19 đã được cấp phép, về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Về chính sách  tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, đề nghị Chính phủ báo cáo giải trình kỹ hơn.

Về sử dụng thuốc sản xuất trong nước thuộc lô thuốc được sản xuất để phục vụ cấp số đăng ký lưu hành trong phòng, điều trị COVID-19 nếu thuốc đó được cấp phép lưu hành, các đại biểu nhất trí với chính sách nhưng cần thể hiện rõ hơn nội hàm áp dụng trong trường hợp cấp bách, khan hiếm.

Về bình ổn giá, cần thiết đưa một số mặt hàng vật tư trang thiết bị y tế vào danh mục quản lý giá (kê khai giá), bình ổn giá; đề nghị Chính phủ có thêm giải trình để thêm tăng tính thuyết phục.

Về chính sách tiền lương, tiền công, phụ cấp và chế độ chính sách với người được điều động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cần bảo đảm tốt nhất chế độ, chính sách để bù đắp phần nào những đóng góp, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, lực lượng y tế và các lực lượng khác trên tuyến đầu chống dịch. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, các vấn đề do Chính phủ trình đều rất cần thiết, có cơ sở pháp lý để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo ủy quyền của Quốc hội tại Nghị quyết số 30/2021/QH15. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết này chỉ tập trung quy định các cơ chế chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù về phòng, chống dịch COVID– 19 khác với quy định của luật hoặc chưa được luật hiện hành quy định. 

Cho rằng, một số chính sách Chính phủ đề xuất là cần thiết nhưng Chủ tịch Quốc hội khẳng định quan điểm nếu không thuộc phạm vi ủy quyền tại Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội thì không thể đưa vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đơn cử như chính sách về khám, chữa bệnh từ xa không liên quan đến dịch bệnh COVID – 19 thì cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, thấu đáo khi sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh để bảo đảm vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân. 

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát lại toàn bộ các cơ chế, chính sách được nêu trong dự thảo Nghị quyết, tiếp thu ý kiến tại cuộc làm việc cả về kỹ thuật văn bản, các thuật ngữ chuyên môn và nội dung chính sách nhằm bảo đảm đúng tinh thần, phạm vi mà Quốc hội đã ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 30/2021/QH15. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các chính sách phải được đánh giá tác động hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả để sau này Quốc hội còn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc ban hành Nghị quyết. Chủ tịch Quốc hội cũng giao Ủy ban Xã hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ tiếp tục hoàn thiện Tờ trình, báo cáo thẩm tra, tổ chức lấy ý kiến, đánh giá tác động dự thảo Nghị quyết để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác