HỘI THẢO TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM CÔNG TÁC GIỮA QUỐC HỘI VIỆT NAM VÀ QUỐC HỘI LÀO

06/12/2021

Sáng 06/12, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane đồng chủ trì Hội thảo trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Quốc hội Lào có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Sommad Pholsena và các đại biểu của Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Lào; về phía Quốc hội Việt Nam có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cùng đại diện Thường trực Hội đồng, một số Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, các chuyên gia,…

Cụ thể hóa các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa Quốc hội hai nước

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Hội thảo được tổ chức ngay sau cuộc Hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội hai nước, là hoạt động cụ thể hóa các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa hai Quốc hội trong lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Hội thảo là hoạt động thiết thực, thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận cấp cao hai Đảng, hai nước năm 2021 và những năm tiếp theo trên kênh hợp tác Quốc hội hai nước, thể hiện sinh động mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản đặt nền móng, dày công vun đắp và ngày càng phát triển.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội hai nước đã tổ chức 08 Hội thảo chuyên đề trong đó có 04 Hội thảo do Chủ tịch Quốc hội hai nước đồng chủ trì. Quốc hội Việt Nam khóa XV và khóa IX của Lào cũng đã tổ chức 01 Hội thảo cấp Ủy ban tháng 10/2021 vừa qua. 

 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Vương Đình Huệ 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, qua các Hội thảo, Quốc hội hai nước đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trên các lĩnh vực hoạt động. Tiếp nối thành công này, Hội thảo trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào tập trung trao đổi về Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội Việt Nam và kinh nghiệm của Quốc hội Việt Nam trong việc xem xét, quyết định các dự án quan trọng quốc gia có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn, tại Hội thảo, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội của hai nước sẽ cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với mục tiêu xây dựng một Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn phát triển của mỗi nước trong giai đoạn tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng bày tỏ tin tưởng sâu sắc, với quyết tâm này, sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội không ngừng phát triển cả bề rộng và chiều sâu, góp phần đưa quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào lên tầm cao mới, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích thiết thực của Nhân dân hai nước.

Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane cho biết, Hội thảo nhằm triển khai biên bản Thỏa thuận hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp và là kết quả cuộc Hội đàm giữa hai Chủ tịch Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane cũng cho biết, trong thời gian qua các cơ quan của Quốc hội Việt Nam đã giúp đỡ và chia sẻ nhiều bài học quý báu về việc thực hiện vai trò của cơ quan lập pháp cho Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân cấp tỉnh của Lào thông qua nhiều hình thức, nhất là tổ chức tập huấn, hội thảo, hội nghị trao đổi kinh nghiệm với hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Nhấn mạnh Hội thảo là cơ hội tốt để Đoàn đại biểu Quốc hội Lào lắng nghe, trao đổi, nhằm góp phần tăng cường thực hiện vai trò, quyền và nhiệm vụ của cơ quan lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane cho rằng, đây là bài học quý báu cho phía Lào trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế quốc gia và hội nhập khu vực, quốc tế.

Trên tinh thần hữu nghị thân thiết, Chủ tịch Quốc hội Xaysomphone Phomvihane bày tỏ sẽ cùng với các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ tích cực nghiên cứu và tập trung góp ý phong phú về lý luận và thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng và đảm bảo thông tin hữu ích, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của hai Quốc hội trong giai đoạn mới.

Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Xaysomphone Phomvihane

Chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trên các lĩnh vực hoạt động

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi kinh nghiệm, làm rõ nội dung liên quan đến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp; kinh nghiệm của Quốc hội Việt Nam trong việc xem xét, quyết định các dự án quan trọng quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; những đổi mới trong công tác lập pháp của Quốc hội Việt Nam đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội và phục hồi phát triển kinh tế trong bối cảnh mới; Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo;…

Đối với vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn, tại Việt Nam, đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp hoặc tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản. Nội dung chất vấn phải cụ thể, rõ ràng, có căn cứ và phải liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người bị chất vấn. Trình tự chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện theo quy định tại Điều 15 và Điều 26 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhấn mạnh hoạt động chất vấn là một trong những hình thức giám sát quan trọng và trực tiếp của Quốc hội Việt Nam luôn thu hút được sự quan tâm, chú ý của cử tri và dư luận xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thông qua hoạt động chất vấn, những vấn đề bức xúc, những vấn đề được cử tri quan tâm nhất của đời sống kinh tế - xã hội được đại biểu Quốc hội lựa chọn và chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước tại nghị trường, làm rõ vấn đề, trách nhiệm quản lý nhà nước và có những giải pháp, thời hạn khắc phục những hạn chế, tồn tại.

Sau phiên chất vấn, Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vấn để nâng cao hiệu lực thi hành, các cơ quan của Quốc hội sẽ theo dõi, giám sát việc thực hiện. Trên cơ sở chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội và trả lời của thành viên Chính phủ, kết luận đối với từng phiên chất vấn và từng nhóm vấn đề, Tổng Thư ký Quốc hội giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng dự thảo Nghị quyết về chất vấn, lấy ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bộ, ngành liên quan; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp. Các cá nhân đã trả lời chất vấn phải báo cáo việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn tại các kỳ họp sau.

Bên cạnh hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp, hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban cũng được đẩy mạnh, có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc tổ chức thực thi Hiến pháp, pháp luật và nâng cao tính minh bạch, công khai trong hoạt động của Nhà nước. Thông qua hoạt động giải trình, các cơ quan của Quốc hội thu thập được thông tin nhiều chiều về vấn đề giám sát, trong đó, có thông tin quan trọng từ đối tượng thụ hưởng chính sách. 

Cũng tại Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trực tiếp làm rõ những vấn đề Đoàn đại biểu Quốc hội Lào nêu như: Nội dung liên quan đến việc ban hành cơ chế đặc thù cho các tỉnh/thành phố; Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; Trình tự, thủ tục Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia; Quy trình xử lý những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau tại Phiên họp của Quốc hội; Vấn đề sửa đổi Luật trong công tác lập pháp của Quốc hội;…

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane đồng chủ trì Hội thảo 

Kết luận Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane ghi nhận và đánh giá cao những thông tin chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp; Quy trình xem xét, quyết định các dự án quan trọng quốc gia;… của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đặc biệt là những phân tích, trao đổi trực tiếp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Chủ tịch Quốc hội Lào cũng bày tỏ mong muốn, thời gian tới các cơ quan của Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trao đổi kinh nghiệm, đào tạo, tập huấn để góp phần thúc đẩy, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Quốc hội Lào.

Tán thành với đề xuất của Chủ tich Quốc hội Lào, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thời gian tới, Quốc hội hai nước sẽ tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa hoạt động chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cũng như hoạt động tập huấn, đào tạo cán bộ đối với các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến trao đổi, thảo luận về hoạt động giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia. Nhấn mạnh, công việc trong năm tới rất quan trọng với quan hệ hai nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thống nhất với Chủ tịch Quốc hội Lào giao đồng chí Tổng Thư ký Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại hai nước nghiên cứu để hoàn chỉnh, chỉnh lý Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội./.

Lê Anh - Minh Thành

Các bài viết khác