CHUYẾN THĂM ẤN ĐỘ CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: BỒI ĐẮP MỐI QUAN HỆ SÂU ĐẬM MÀ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ĐÃ DÀY CÔNG VUN ĐẮP

16/12/2021

Đánh giá về sự kiện chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Nguyễn Dy Niên, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tin tưởng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội lần này sẽ củng cố, bồi đắp thêm mối quan hệ khăng khít, sâu đậm giữa hai Quốc hội cũng như mối quan hệ ngoại giao giữa hai đất nước, hai dân tộc...


Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cùng bà con kiều bào chào đón Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Ấn Độ 

Tiếp theo chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Ấn Độ Om Birla và Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Ấn Độ Venkaiah Naidu từ ngày 15/12/2021.

Cộng hòa Ấn Độ được tổ chức theo hình thức liên bang và theo chế độ dân chủ đại nghị. Đây là quốc gia nằm tại Nam Á, có diện tích gần 3,3 triệu km2 và dân số 1,39 tỷ người (tính đến tháng 4/2021). Hiện nay, Ấn Độ có 28 bang và 8 vùng lãnh thổ trực thuộc trung ương. Quốc hội liên bang gồm 2 viện: Thượng viện (Rajya) và Hạ viện (Lok Sahba). Chính phủ Liên bang gồm có Tổng thống, Phó Tổng thống và Chính phủ, đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng.

Trong những năm qua, kinh tế - xã hội Ấn Độ không ngừng phát triển. Về đối ngoại, Ấn Độ tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các nước trên thế giới, trong đó có các nước lớn và ASEAN. Theo đó, quan hệ Ấn Độ-ASEAN tiếp tục đạt nhiều tiến triển trên cả 3 trụ cột (chính trị an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội). Hiện nay, vị thế và vai trò cường quốc của Ấn Độ tiếp tục được củng cố, từng bước ghi đậm vai trò và hình ảnh trong các cuộc họp đa phương trực tuyến của Không liên kết, G20, Liên hợp quốc, Thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm các nền kinh tế đang nổi lên (BRICS).

Làm rõ hơn về mối quan hệ ngoại giao Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ, Cổng TTĐT Quốc hội đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Dy Niên – nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Phóng viên: Thưa ông, nhận lời mời của Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 15/12/2021. Ông có bình luận như thế nào về ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của chuyến thăm này?

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên: Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực như hiện nay có ý nghĩa rất lớn. Sự kiện ngoại giao này sẽ giúp tăng cường hợp tác giữa các nước trong khu vực để củng cố hòa bình và mối quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, giúp tìm kiếm những cơ hội mới để hai nước có thể tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Ấn Độ là một quốc gia lớn, đông dân trên thế giới và là một quốc gia có tiềm năng về mọi mặt, nhất là về khoa học và kỹ thuật. Do đó, chuyến thăm này sẽ mở ra tiềm năng hợp tác về khoa học kỹ thuật với Ấn Độ, nhất là về tin học, công nghệ thông tin cũng như trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, Ấn Độ cũng là một quốc gia có nhiều kinh nghiệm về nông nghiệp. Đây chính là đất nước đã phát động cuộc cách mạng xanh, cách mạng trắng. Các cuộc cách mạng này mặc dù Việt Nam đã và đang thực hiện rất tốt, có những tiến bộ vượt bậc nhưng nếu có những cơ hội hợp tác sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn ngành nông nghiệp của Việt Nam. Bên cạnh đó, một thế mạnh quan trọng khác phải kể đến, Ấn Độ cũng là quốc gia có khả năng đào tạo rất tốt.

Ngoài ra, thương mại giữa hai nước hiện nay còn khiêm tốn so với các nước khác, tỷ lệ thương mại Ấn Độ với Việt Nam còn chưa thực sự tương xứng với tiềm lực giữa hai quốc gia. Do vậy, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sang Ấn Độ lần này sẽ là con đường mở ra cánh cửa hợp tác thương mại sâu rộng.

Phóng viên: Được biết, ông từng là cán bộ của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Ấn Độ và là người trực tiếp phiên dịch trong chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Ấn Độ vào năm 1958. Ông có đánh giá như thế nào về mối quan hệ cũng như tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia?

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên: Kể từ khi Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt là từ khi chính thức thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện”, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai quốc gia ngày càng phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu.

Năm 1958, Chính phủ Ấn Độ mời Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Ấn Độ. Trong chuyến thăm Ấn Độ lần đầu tiên này, nhiều cử chỉ của Hồ Chủ tịch đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhân dân Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ đã dành những lời lẽ đẹp đẽ, trân trọng nhất để ca ngợi về Hồ Chí Minh. Ông gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Một vị lãnh tụ xuất sắc đồng thời là một Chiến sỹ vĩ đại cho tự do”.

Tình hữu nghị thủy chung trong sáng giữa Việt Nam và Ấn Độ do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru xây dựng đã đặt nền móng vững chắc cho mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia. Trải qua thời gian, biến cố của lịch sử, mối quan hệ này ngày càng được vun đắp, xanh tươi và bền vững.  

Trong thời gian gần đây, Ấn Độ đã thực hiện Chính sách đối ngoại hướng Đông và Việt Nam được xem là một trong những trụ cột của Chính sách Hướng đông của Ấn Độ. Ấn Độ đã dành những tình cảm đặc biệt cho Việt Nam, trao cho Việt Nam những hỗ trợ rất tốt về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, quân sự, đào tạo nhân sự, ủng hộ Việt Nam trên trường quốc tế và ngược lại Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ toàn diện với Ấn Độ trên nhiều phương diện.

Phóng viên: Thưa ông, ông có kỳ vọng gì về chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần này?

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên: Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong thời gian này rất có ý nghĩa vì vai trò của Ấn Độ trong khu vực, nhất là khi Ấn Độ đang chủ trương “hướng Đông” tăng cường quan hệ với các nước ASEAN, trong đó Việt Nam giữ vị trí hết sức quan trọng. Do vậy, tôi tin tưởng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần này sẽ củng cố mối quan hệ khăng khít giữa hai Quốc hội cũng như mối quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc. Đồng thời, mở ra cơ hội tăng cường hơn nữa sự hợp tác Việt Nam- Ấn Độ trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật…

Có thể nói, quan hệ Việt Nam và Ấn Độ là một mối quan hệ truyền thống và chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần này càng củng cố, bồi đắp thêm mối quan hệ này. Đây cũng là những dịp quan trọng  để lãnh đạo của hai bên trao đổi những biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.

Phóng viên: Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ là một trong số nhiều hoạt động ngoại giao đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Ông có đánh giá thế nào về sự đổi mới cũng như những hiệu quả trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam thời gian qua?

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên: Sự đổi mới thể hiện rất rõ ở Quốc hội Khóa XV, nhất là người đứng đầu Quốc hội – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng những hoạt động đối ngoại của Quốc hội rất sôi nổi, hiệu quả.

Có thể nói, chúng ta không phải chỉ đối ngoại Nhà nước, đối ngoại Quốc hội mà còn là đối ngoại Nhân dân. Điều này hết sức quan trọng bởi đó là nơi quyết định chính sách, đường lối, nếu chúng ta tranh thủ được sự ủng hộ thì rất thuận lợi vì quyết định chính trị là quyết định quan trọng nhất trong tất cả các quyết định. Do đó, sự hợp tác giữa Quốc hội các nước có ý nghĩa rất lớn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội khóa mới.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng đã có nhiều hoạt động đổi mới, sáng tạo; Ủy ban Đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao trong mọi hoạt động. Đáng chú ý, nhiều cán bộ Quốc hội đảm nhận nhiệm vụ Đại sứ, không những bổ sung cho lực lượng ngoại giao Đại sứ mà còn tăng tính phối hợp, tạo thêm đà thuận lợi cho ngoại giao Quốc hội với các nước, mở ra nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Ông!

Lan Anh - Thu Phương