Quốc hội thảo luận kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2007, phương án dự toán ngân sách năm 2008

30/10/2007

ND – Với sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên, trong chương trình làm việc ngày 30-10, Quốc hội đã thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2007, phương án dự toán ngân sách nhà nước năm 2008, phân bổ ngân sách T.Ư và bổ sung ngân sách địa phương năm 2008.

Ngày 30-10, ngày làm việc thứ bảy, kỳ họp thứ hai, QH khóa XII. Với sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên, buổi sáng các đại biểu QH tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2007, nhiệm vụ năm 2008. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2007, phương án dự toán ngân sách nhà nước năm 2008, phân bổ ngân sách T.Ư và bổ sung ngân sách địa phương năm 2008.

Về vấn đề giáo dục và đào tạo

Tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2007 và nhiệm vụ năm 2008, trong ý kiến phát biểu của mình, các đại biểu QH vẫn quan tâm nhiều vấn đề, như: giá cả tăng làm cho đời sống người dân, nhất là nông dân bị ảnh hưởng lớn, tình hình ùn tắc và tai nạn giao thông, vấn đề môi trường, vấn đề bình đẳng giới và tình hình phụ nữ lấy chồng người nước ngoài... Ðáng chú ý là, nhiều ý kiến đã tỏ ra bức xúc về vấn đề giáo dục và đào tạo.

Ðại biểu Trần Văn Ðộ (An Giang) cho rằng, năm 2007 cuộc vận động Nói không với tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục đã nhận được sự đồng tình và hoan nghênh của nhân dân trong cả nước. Ðặc biệt là mới đây quyết định của Chính phủ về tín dụng cho sinh viên cũng là giải pháp được xã hội rất hoan nghênh. Tuy nhiên, theo cuộc vận động này là xác định đúng hơn chất lượng giáo dục chứ chưa phải là biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, vốn là vấn đề cốt lõi của giáo dục-đào tạo hiện nay ở nước ta. Các vấn đề nổi cộm như chương trình giáo dục-đào tạo, chất lượng người thầy, phương pháp giảng dạy và học chưa có gì mới.

Vấn đề xã hội hóa giáo dục-đào tạo là đúng hướng nhưng phải đi đôi với tăng cường quản lý nhà nước, nhất là đối với các loại hình ngoài công lập. Hiện nay, phải nói rằng, các loại hình ngoài công lập chủ yếu là để đón nhận những học sinh không thi đỗ đại học được hoặc là những học sinh không vào được THPT. Hơn nữa khi đề nghị thành lập các cơ sở đào tạo ngoài công lập, Hội đồng sáng lập gồm các thành viên rất nổi tiếng, nào là giáo sư, tiến sĩ và danh sách giáo viên đề nghị để cho phép thành lập trường cũng nhiều người có uy tín về khoa học, nhưng thực chất khi đi vào giảng dạy, những người trong Hội đồng sáng lập cũng như danh sách giáo viên đó lại không phải như vậy.

Một vấn đề nữa là tình trạng học viện hóa các trường đại học, đại học hóa các trường cao đẳng và cao đẳng hóa các trường trung cấp-dạy nghề. Ở rất nhiều tỉnh hiện nay có tình trạng trường cao đẳng chuyển thành trường đại học và có không ít trường hợp giáo viên trình độ cao đẳng lại đi dạy đại học. Tức là những người trước đây tốt nghiệp các trường cao đẳng được giữ lại trường để làm cán bộ giảng dạy trường cao đẳng thì nay dạy chương trình đại học. Như vậy rõ ràng rất khó để đánh giá, để nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo.

Ðại biểu Trần Văn Ðộ còn nêu những bất cập trong việc đầu tư cho giáo dục-đào tạo, trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa, trong quản lý giáo dục - đào tạo và đề nghị, cần xem xét thận trọng vấn đề cổ phần hóa, hoặc xã hội hóa quá nhanh các cơ sở giáo dục-đào tạo. Nếu trình độ quản lý chưa thật tốt mà cổ phần hóa quá nhanh, hoặc xã hội hóa quá nhanh thì sẽ dẫn đến mâu thuẫn về chất lượng đào tạo.

Ðại biểu Hoàng Hữu Năng (Kon Tum) đề nghị, để cho tương lai giáo dục phát triển chất lượng cao, cần kiên quyết giải quyết vấn đề giáo viên "đứng nhầm" lớp, chất lượng chưa chuẩn, theo hướng: Ðối với số còn ít tuổi, còn có triển vọng cần đưa đi đào tạo và bồi dưỡng để đạt chuẩn. Số còn lại có thể giải quyết: hạ lớp, hạ cấp (đang dạy lớp 12 thì xuống lớp 9); chuyển làm việc khác trong trường và trong ngành giáo dục, thí dụ như văn thư trông coi thư viện, v.v.; cho về hưu sớm hoặc nghỉ chờ về hưu.

Ðại biểu này còn kiến nghị nên thay đổi tư duy về quản lý giáo dục; cân nhắc kỹ chủ trương nhập kỳ thi tốt nghiệp THPT  với thi đại học, vì dễ nảy sinh tiêu cực ở ba năm cuối THPT.

Ðại biểu Nguyễn Lân Dũng (Ðác Lắc) thì cảnh báo tình trạng thiếu ổn định trong giáo dục và cho rằng, việc 40 vạn học sinh không tốt nghiệp THPT trong kỳ thi đợt đầu và việc học sinh đang bỏ học hàng loạt gần đây là điều rất đáng lo lắng.

Các ý kiến đã phản ánh đầy đủ, sinh động thực tiễn cuộc sống

Sau hai ngày rưỡi thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2007 và nhiệm vụ năm 2008, đã có 85 vị đại biểu QH ở tất cả 64 tỉnh, thành phố phát biểu ý kiến tại Hội trường. Các ý kiến đều rất tâm huyết, trách nhiệm, hướng vào thực hiện nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước, giữ vững ổn định chính trị và phát triển bền vững theo Nghị quyết Ðại hội lần thứ X của Ðảng.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu ý kiến, trình bày thêm về những vấn đề các đại biểu QH quan tâm thảo luận, đặc biệt là vấn đề chất lượng của tăng trưởng kinh tế và tầm nhìn chiến lược. Phó Thủ tướng xin tiếp thụ để làm tốt hơn, trong đó có vấn đề tai nạn giao thông, các sự cố, chế độ đối với người có công, người cao tuổi, việc hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Y tế đối với bảo hiểm y tế, việc ban hành Luật Bảo hiểm y tế để thực hiện Bảo hiểm y tế toàn dân; việc sửa đổi Luật Ðất đai để tránh những mắc mớ đang có.

Phát biểu ý kiến kết thúc thảo luận về kinh tế-xã hội, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, ý kiến của các vị đại biểu QH phát biểu trong hai ngày rưỡi vừa qua tại Hội trường là rất sôi nổi, liên tục, phong phú, đa dạng và từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau. Nghe tiếng nói của tất cả các vị đại biểu trong 64 đoàn đại biểu QH cả nước, đại diện cho các tầng lớp, các giới, các lĩnh vực, các vùng, miền là điều rất đáng mừng. Cũng có nét mới so với nhiều kỳ trước đây là Chính phủ đã có chỉ đạo các vị thành viên trong Chính phủ, các vị Bộ trưởng là đại biểu QH hoặc không phải là đại biểu QH, được mời tham dự cũng đã cố gắng thu xếp thời gian để tham dự tại phiên họp này và có điều kiện để báo cáo thêm, cung cấp thêm thông tin với các vị đại biểu QH. Ðó cũng là giải trình, nói rõ thêm những vấn đề để các vị đại biểu QH có căn cứ quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước trên  cơ sở khoa học và thực tiễn hơn.

Tất cả những vấn đề mà các vị đại biểu QH đề cập trong Hội trường mấy ngày vừa qua đã phản ánh được tương đối đầy đủ những thực tiễn sinh động, nóng hổi, phong phú của cuộc sống; phản ánh được tương đối đầy đủ những kiến nghị, những đề xuất của cử tri trong cả nước.

Nhiều ý kiến đề xuất cụ thể và rất thiết thực, nếu nghiên cứu kỹ, chắt lọc tốt sẽ tiếp thụ được rất nhiều ý kiến xác đáng, sâu sắc để sắp tới Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các cấp có thể triển khai thực hiện những công việc tốt hơn. Các vị đại biểu QH đều khẳng định mạnh mẽ và đánh giá cao những kết quả mà đất nước ta đạt được trong năm 2007. Coi đây là những thành tích rất đáng phấn khởi, là kết quả của cả quá trình chúng ta thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng, sự điều hành linh hoạt, năng động của Chính phủ, sự cố gắng phấn đấu ở tất cả các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân.

Năm 2007 là một năm để lại dấu ấn tốt đẹp, nhất là về nhịp độ tăng trưởng kinh tế về đầu tư, về xuất khẩu, về đối ngoại, nhất là vị thế của chúng ta trên trường quốc tế ngày càng cao hơn. Ðiều quan trọng hơn cho chúng ta thêm kinh nghiệm và hé mở ra những triển vọng sắp tới còn phát triển tiếp.

Các vị đại biểu phát biểu cũng đã thống nhất cao với những định hướng, kế hoạch năm 2008 theo Báo cáo của Chính phủ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH, cũng như Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của QH đã đóng góp ý kiến qua các báo cáo.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều việc chúng ta chưa làm được hoặc làm chưa tốt, nhân dân chưa hài lòng. Không ít những vấn đề mới đặt ra chúng ta còn băn khoăn trăn trở, đất nước đang đứng trước yêu cầu mới, nhiệm vụ mới và có nhiều khó khăn thách thức mới bên cạnh những thuận lợi, cả trên những vấn đề cơ bản cũng như vấn đề cụ thể cấp bách trước mắt.

Chủ tịch đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan phối hợp Ðoàn Thư ký kỳ họp và Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính-Ngân sách và các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thụ và hoàn chỉnh các bản báo cáo, đồng thời chuẩn bị Dự thảo Nghị quyết của QH để sắp tới QH cho ý kiến và thông qua. Ðề nghị cho tổng kết một số vấn đề cơ bản quan trọng để đề xuất những giải pháp mới, những cơ chế chính sách mới, thậm chí cả những luật pháp mới. Trong chỉ đạo thực tiễn đề nghị tập trung dứt điểm và có hiệu quả.

Với QH, Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, các đoàn đại biểu QH và các vị đại biểu QH, Chủ tịch đề nghị phát huy tinh thần thảo luận trong kỳ họp này, tiếp tục cùng Chính phủ suy nghĩ để tìm ra những biện pháp khả thi và thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của năm 2008, cũng như cả kế hoạch năm năm.

Về Dự toán và phân bổ NSNN năm 2008

Trong phiên họp buổi chiều, QH bắt đầu thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện NSNN năm 2007; phương án dự toán NSNN năm 2008, phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2008. Ða số ý kiến phát biểu của đại biểu QH đánh giá cao kết quả việc thực hiện NSNN năm 2007 đạt, vượt chỉ tiêu kế hoạch, trên cơ sở đó các cấp, ngành và địa phương thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kinh tế-xã hội mà QH đề ra.

Chính phủ đã trình bày trước QH phương án dự toán NSNN năm 2008; phân bổ ngân sách T.Ư và bổ sung ngân sách địa phương năm 2008; Ủy ban Tài chính, ngân sách của QH đã có báo cáo thẩm tra về vấn đề này. Các ý kiến phát biểu của đại biểu QH nhất trí cao với phương án dự toán NSNN, việc phân bổ ngân sách bảo đảm cho đất nước tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 8,5 đến 9%, đồng thời bảo đảm chi thường xuyên, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm việc chi tiêu cho các lĩnh vực quan trọng khác.

Ðại biểu Võ Minh Phương (Lâm Ðồng) cho rằng nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển cần được bảo đảm ít nhất là bằng năm 2007, nếu cần phải chi tăng thêm, mới duy trì được đà tăng trưởng kinh tế. Các đại biểu Huỳnh Phước Long (Trà Vinh), Danh Út (Kiên Giang) và một số đại biểu khác đề nghị tăng chi, bảo đảm vốn thực hiện Chương trình XÐGN, nhất là Chương trình 134 hỗ trợ đời sống và phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã nghèo, đặc biệt khó khăn.

Ðại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đề nghị cần đầu tư hợp lý cho vùng kinh tế trọng điểm của đồng bằng sông Cửu Long, khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng này để cải thiện đời sống nhân dân, đồng thời tăng nguồn thu cho NSNN. Một số đại biểu QH nhận xét rằng, thu NSNN năm 2007 đạt khá, nhưng thu từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh vẫn chưa đạt hiệu quả cao nhất, vì vậy cần tính toán để có thể thu đúng, thu đủ từ các doanh nghiệp này.

Ðại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về đất đai, bảo đảm thu được thuế từ nguồn đất đô thị đang bị bỏ phí, chỉ có những người đầu cơ đất hưởng lợi lớn.

Ðại biểu này cũng đề nghị, cần tạo cơ chế phù hợp cho các thành phố lớn được huy động vốn, tự vay tự trả trong việc phát triển kinh tế, cũng là cách giảm phần chi của NSNN cho các đô thị này phát triển kinh tế-xã hội.

Ðại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) và một số đại biểu khác đề nghị Chính phủ  tính toán kỹ hơn, dự báo chính xác hơn giá dầu thô trên thị trường thế giới năm 2008 làm căn cứ xây dựng NSNN, bảo đảm nguồn chi thực tế cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2008.

Ðại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng đề nghị QH và Chính phủ cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù để giải quyết nhanh và hiệu quả hơn việc giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình của Thủ đô, nhất là trong dịp Hà Nội tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Nhiều ý kiến đại biểu QH phê phán tình trạng đầu tư còn thiếu tập trung, giải ngân chậm, không ít công trình, dự án tiến độ chậm, gây lãng phí và tiêu cực, đồng thời đề nghị Chính phủ có biện pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này trong năm 2008.

Một số đại biểu QH đề nghị, bên cạnh việc tăng nguồn thu, thu đúng và thu đủ, động viên được nguồn lực của nhân dân và đất nước vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, cần có các giải pháp thiết thực và hiệu quả chống thất thu, chống trốn thuế, chống lãng phí, tham nhũng và tiêu cực.

Một số đại biểu khác đề nghị bảo đảm chi cho sự nghiệp giáo dục, y tế; chế độ chính sách đối với người có công, Thanh niên xung phong; cho khoa học-công nghệ; đào tạo và nâng cao năng lực của cán bộ cơ sở và hiệu lực của chính quyền xã, phường, thị trấn; bảo đảm tái định cư cho các gia đình phải di dời khi Nhà nước lấy đất xây dựng các công trình...

 

Thế Lân và Trần Ðình Chính

(http://www.nhandan.com.vn/)