Ngày làm việc thứ ba Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XII

09/05/2008

Quốc hội nghe các báo cáo thẩm tra và tờ trình về 2 dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 16/2003/QH 11 của Quốc hội về việc thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện

(VOV)_ Sáng nay (8/5), Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe các báo cáo thẩm tra và tờ trình về 2 dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 16/2003/QH 11 của Quốc hội về việc thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương.

Sĩ quan được bảo đảm nhà công vụ khi đang công tác

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho thấy đa số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan năm 1999 cho phù hợp, đồng thời thể chế hoá những nội dung của Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX) về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với chế độ Chính ủy, Chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Báo cáo của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cũng cho thấy, một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay của sĩ quan, đặc biệt ở những đơn vị chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, đó là bảo đảm về nhà ở. Luật Sĩ quan năm 1999 đã có quy định sĩ quan “được bảo đảm nhà ở” nhưng đến nay chính sách này chưa được thực hiện vì thiếu những quy định cụ thể, chưa gắn trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương nên thiếu tính khả thi. Bên cạnh đó, Luật Nhà ở cũng có quy định về nhà công vụ và nhà ở xã hội, trong đó xác định sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp là đối tượng được ưu tiên, nhưng với điều kiện công tác đặc thù và thu nhập thực tế của đại bộ phận sĩ quan hiện nay thì khó có thể sử dụng quỹ nhà công vụ hoặc mua nhà ở xã hội và tự mua, tự tạo dựng được chỗ ở cho bản thân và gia đình.

Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đề nghị quy định cụ thể vấn đề này trong Luật theo hướng sĩ quan được bảo đảm nhà công vụ khi đang công tác, việc phát triển nhà công vụ thuộc Bộ Quốc phòng sẽ căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách để có lộ trình cụ thể. Đồng thời quy định sĩ quan là đối tượng được hỗ trợ kinh phí để tạo dựng nhà ở theo quy định của Chính phủ.

Thi hành pháp luật đối với người nghiện ma túy chưa đạt hiệu quả

Tờ trình của Chính phủ về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tội phạm ma túy cho thấy, từ năm 2001 đến năm 2007 đã phát hiện, bắt giữ trên 76.000 vụ, với gần 120.000 đối tượng phạm tội về ma tuý; triệt xoá hơn 4.200 điểm, tụ điểm phức tạp buôn bán lẻ tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. So với giai đoạn 1995 - 2000 tăng trên 33 % số vụ và 19% số đối tượng. Đã có trên 20 vạn lượt người nghiện được cai bằng các hình thức nhưng tỷ lệ tái nghiện rất cao. Đến cuối năm 2007, toàn quốc có 178.305 người nghiện ma tuý có hồ sơ kiểm soát (trung bình mỗi năm tăng trên dưới 1 vạn người nghiện mới).

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, thực tiễn việc thi hành các quy định của pháp luật liên quan đến người nghiện ma túy ở nước ta chưa đem lại hiệu quả mong muốn. Cụ thể biện pháp giáo dục tại xã phường thị trấn chưa có tác dụng giúp người nghiện từ bỏ ma túy; Việc xử lý hình sự người nghiện ma túy theo Điều 199 Bộ luật hình sự không phù hợp với thực tế, không có tính khả thi; Biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hiệu quả còn thấp, tỉ lệ tái nghiện cao. Chính vì lý do này, theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 16/2003/QH11 về việc thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết đã đưa lại một số kết quả đối với mục tiêu học văn hóa, học nghề, rèn luyện nhân cách, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng, song tốn kém, khó áp dụng trên toàn quốc và đến nay cũng chưa đủ thời gian để khẳng định tính bền vững của kết quả đã đạt được.

Ủy ban về Các vấn đề xã hội cũng cho rằng cần phải nhận thức đúng bản chất của nghiện ma túy là một loại bệnh. Bên cạnh đó, cũng cần khẳng định người nghiện ma túy là người có hành vi vi phạm pháp luật (sử dụng trái phép chất ma túy). Do đó, quan điểm đối xử với người nghiện ma túy nên theo hướng bỏ quy định xử lý hình sự đối với người nghiện ma túy (tội sử dụng trái phép chất ma túy). Duy trì việc xử phạt vi phạm hành chính đối với việc sử dụng trái phép chất ma túy, đồng thời với việc khuyến khích hoặc buộc cai nghiện theo phương thức cai nghiện phù hợp với từng loại đối tượng. Đa dạng hóa các hình thức cai nghiện (cai tại gia đình; cai tại cộng đồng; tại các cơ sở cai nghiện; tại một số cơ sở y tế có điều kiện) và quản lý sau cai nghiện. Khuyến khích cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng trên cơ sở huy động sức mạnh của chính quyền, của cộng đồng với sự tham gia có trách nhiệm của gia đình và bản thân người nghiện ma túy; khuyến khích cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở tập trung. Thực hiện cai nghiện bắt buộc đối với một số nhóm người nghiện nhất định. Việc cai nghiện bắt buộc có thể được thực hiện tại cơ sở cai nghiện tập trung và tại cộng đồng.

Người nghiện ma túy vi phạm pháp luật chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng để giáo dục và điều trị cai nghiện (Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đã có quy định này). Thực hiện việc quản lý giúp đỡ của chính quyền địa phương, xã hội, cộng đồng, gia đình đối với người sau cai nghiện.

Ủy ban về Các vấn đề xã hội cũng đề nghị luật hóa tinh thần Nghị quyết 16 vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy.

Cần có cơ chế khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11 về việc thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy (gọi tắt là Nghị quyết 16), có 7 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án quản lý sau cai nghiện, bao gồm: thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Quảng Ninh, Long An, Hà Nội, Bình Dương.

Theo Báo cáo giám sát của Uỷ ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho đến nay thành phố Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất đã có người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng (tính đến ngày 31/3/2008 thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành 13.771 quyết định tái hòa nhập cộng đồng). Thủ đô Hà Nội tuy được phê duyệt đề án muộn hơn song cũng đã nhanh chóng triển khai thực hiện khá bài bản và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các tỉnh còn lại chỉ mới ở mức đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở vật chất, bước đầu thực hiện quản lý người sau cai nghiện.

Qua giám sát, Ủy ban về Các vấn đề xã hội thấy rằng việc thực hiện Nghị quyết 16 ở các tỉnh, thành phố đã thể hiện được vai trò lãnh đạo, tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác phòng chống ma túy nói chung, cai nghiện nói riêng, đặc biệt là phòng, chống tái nghiện. Đối với người nghiện ma tuý, việc tăng thời gian quản lý tập trung làm cho đối tượng có thêm cơ hội để rèn luyện nhân cách, bổ sung trình độ văn hóa, học nghề, kỹ năng lao động, thay đổi về tâm lý....; Đối với công tác cai nghiện, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 16 đã tạo ra mô hình mới về quản lý người sau cai, đồng thời tạo điều kiện và thúc đẩy các sáng kiến về hoạt động giáo dục, dạy văn hoá, dạy nghề, lao động sản xuất, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, chăm sóc sức khoẻ; Đối với xã hội, việc tập trung quản lý đối tượng nghiện trong một thời gian nhất định góp phần làm cho tình hình an ninh, trật tự xã hội ở thành phố được ổn định tốt hơn so với trước đây…

Ủy ban về Các vấn đề xã hội cũng kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết khẳng định việc kết thúc Nghị quyết 16 (Nghị quyết 16 sẽ hết hiệu lực thi hành vào ngày 1/8/2008) và cho phép các địa phương được tiếp tục thi hành các quyết định quản lý người sau cai nghiện đã ban hành trước ngày 1/8/2008 cho đến thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy có hiệu lực; Kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét Điều 199 Bộ luật Hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma tuý phù hợp với thực tiễn và quan điểm ứng xử đối với người nghiện ma túy. Nghiên cứu, sắp xếp hợp lý các trung tâm cai nghiện, quản lý sau cai trong cả nước để tiếp tục phát huy hiệu quả của cơ sở vật chất đã được đầu tư. Có chính sách, cơ chế khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện.

Chiều nay, các Đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về 2 Dự án Luật: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dầu khí./.

 

Thanh Hà - Cẩm Thủy

(http://www.vovnews.vn/)