Giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

05/05/2008

Tổ điều hành thị trường trong nước của Chính phủ vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững

Thực hiện Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP ngày 17-4 của Chính phủ về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, Tổ điều hành thị trường trong nước của Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp.

Ðó là, yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương thành lập các đoàn kiểm tra theo từng nhóm hàng về quan hệ cung cầu, giá cả và hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng trọng yếu trên địa bàn và thường xuyên phản ánh mọi biến động về tình hình thị trường, giá cả để Chính phủ và các Bộ, ngành xử lý kịp thời nhằm bảo đảm cung ứng đủ nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu hàng hóa cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng các địa phương rà soát chặt chẽ cân đối cung cầu lương thực toàn quốc năm 2008 và trên từng địa bàn, nhất là các thành phố lớn và vùng sâu, vùng xa báo cáo Chính phủ trong tháng 5.

Hiệp hội các mặt hàng: thép, phân bón, xi-măng và dược chủ trì phối hợp các bộ, ngành khảo sát báo cáo Chính phủ về thực trạng hệ thống phân phối và giải pháp thiết lập hệ thống phân phối các mặt hàng này.

Bộ Kế hoạch và Ðầu tư nghiên cứu cơ chế chính sách khuyến khích hiệp hội ngành hàng hình thành các doanh nghiệp cổ phần (gồm các thành viên hiệp hội tự nguyện tham gia) kinh doanh dịch vụ logistic (hậu cần) chuyên cung ứng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu phục vụ sản xuất; vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên... nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm giá bán cho người tiêu dùng.

Bộ Tài chính điều chỉnh tăng thuế suất xuất khẩu gạo, phân bón, thực phẩm... đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Khoa học - Công nghệ xây dựng các quy định nhằm hạn chế xuất khẩu các mặt hàng này để bảo đảm tiêu dùng trong nước trong lúc khó khăn hiện nay.

Bộ Tài chính bù lỗ và tạm ứng bù lỗ ngay theo kế hoạch với mặt hàng xăng, dầu; đồng thời yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng hạn mức cho vay với các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng trọng yếu theo mức tăng của giá thị trường thế giới để bảo đảm tiến độ nhập khẩu, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng trong nước./.

 

(http://www.vovnews.vn/)