Người dân sẽ có nhiều lựa chọn để chăm sóc sức khỏe

23/05/2008

(HNM) - Nhân Quốc hội thảo luận Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các chính sách pháp luật về công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với báo chí về các vấn đề như viện phí, bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo bà Trương Thị Mai, tới đây, viện phí tăng sẽ theo hướng tính đúng, tính đủ, trên cơ sở đó làm BHYT cho toàn dân; BHYT sẽ đóng theo mức chi trả viện phí. Để làm được điều này, có hai việc phải làm. Một là phải thay đổi viện phí theo cơ chế tính đúng tính đủ, xác lập việc chi phí cho người bệnh như thế nào. Hai là khi thay đổi viện phí (tính đúng tính đủ), thì mức viện phí sẽ tăng cao và như vậy người dân có thu nhập thấp (đặc biệt từ mức trung bình trở xuống) sẽ gặp nhiều khó khăn khi bị bệnh, khả năng chi trả cho chăm sóc sức khỏe rất khó khăn. Như vậy, phải thiết lập một lộ trình tiến tới BHYT toàn dân để sau này khi BHYT được đa số người dân mua thì toàn bộ việc chăm sóc sức khỏe sẽ được xử lý bằng cơ chế BHYT, tức là lấy số đông bù số ít.

- Khi có cơ chế BHYT toàn dân, theo bà có nên bỏ việc đóng viện phí hay không?

Viện phí là cơ sở để BHYT chi trả, nghĩa là không bỏ cơ chế viện phí. Như vậy là viện phí dù cao, nhưng được chi trả trong cơ chế BHYT, tức là gánh nặng viện phí không nằm ở người dân, mà do BHYT chi trả.

 - Vậy những bất cập trong chi trả BHYT sẽ được giải quyết như thế nào?

Luật BHYT sẽ được trình Quốc hội trong tuần sau, trong dự thảo cũng đã quan tâm đến việc khắc phục những bất cập. Theo tôi, hiện nay chúng ta đưa ra mệnh giá thẻ bảo hiểm quá thấp, làm cho thu không đủ bù chi, làm cho quỹ bị thâm hụt liên tục. Nay nâng mệnh giá lên, mở rộng đối tượng, và xác lập những đối tượng được Nhà nước chăm lo. Một bất cập nữa là quyền lợi người tham gia BHYT chưa công bằng, như vậy sẽ phải xác lập lại trách nhiệm của các cơ sở tham gia BHYT rất rõ.

- Có ý kiến nhiều đại biểu cho rằng, nên có cơ chế cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia chi trả BHYT trong khám chữa bệnh, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Tôi đồng ý với quan điểm này và cần phải có cơ chế như vậy, để chúng ta có thể mở rộng diện tham gia chữa trị cũng như chi trả BHYT. Và như vậy là hoàn toàn tốt cho xã hội, tạo ra sự cạnh tranh, để cho các cơ sở công cũng phải nâng cao trách nhiệm, chất lượng khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, cơ sở tư cũng phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, để người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn tốt hơn.

- Thưa bà, nâng cao mệnh giá thẻ BHYT, thì đối với những người nghèo và cận nghèo như thế nào?

Người nghèo thì Nhà nước mua, người cận nghèo thì Nhà nước hỗ trợ 5% mệnh giá thẻ. Sắp tới, khi chúng tôi trình Quốc hội báo cáo thẩm tra về BHYT sẽ đề xuất có một cơ chế hỗ trợ về mệnh giá thẻ BHYT cho nông dân mua. Như vậy tất cả những đối tượng thuộc diện được Nhà nước phải chăm lo cũng có những chính sách phù hợp.

- Sắp tới, khi tiến tới thực hiện BHYT toàn dân, thì vấn đề y đức được đặt ra như thế nào và phải làm gì để khắc phục sự bất công bằng giữa khám chữa bệnh bằng trả tiền trực tiếp với BHYT?

Thứ nhất là chúng tôi có đặt ra vấn đề y đức, nhưng đặt ra ở góc độ trách nhiệm của các cơ sở khám chữa bệnh bằng BHYT. Còn y đức đối với y bác sỹ, chúng tôi đặt ra trong báo cáo thẩm tra đề nghị Quốc hội phải xúc tiến sớm để thông qua Luật Khám chữa bệnh. Luật này sẽ quy định rất rõ trách nhiệm của cơ sở y tế, của các bác sỹ trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Xin cảm ơn bà!

 

Hà Trang ghi

(http://www.hanoimoi.com.vn/)