Ngày làm việc thứ hai phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ QH: Ưu tiên phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho những dự án, công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục

18/07/2009

Ngày 17-7, tại Hà Nội, phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ QH tiếp tục làm việc. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng dự và Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên điều khiển phiên họp.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) bổ sung kế hoạch năm 2009 là 20.000 tỷ đồng, dự kiến bố trícho các dự án ngành giao thông 8.300 tỷ đồng; thủy lợi 4.200 tỷ đồng; y tế 2.000 tỷ đồng; giáo dục 5.500 tỷ đồng. Tổng số vốn TPCP năm 2009 là 64.000 tỷ đồng, gấp hơn hai lần năm 2008. Qua thẩm tra phương án phân bổ vốn TPCP, Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH nhận định, Chính phủ đã phân giao vốn TPCP cho từng bộ, ngành, địa phương đúng mục tiêu, đúng Nghị quyết của QH; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính; tích cực chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, cho phép tạm ứng vốn một số công trình trọng điểm quốc gia, góp phần chống suy giảm kinh tế, kích cầu đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều dự án giải ngân chậm. Ðến tháng 5-2009, kế hoạch vốn TPCP mới giải ngân đạt 5.336,5 tỷ đồng, bằng 18,4% kế hoạch giao, công tác chuẩn bị đầu tư, đền bù, giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công còn rất chậm, dẫn tới khả năng hấp thụ nguồn vốn thấp...

Cho ý kiến về phương án sử dụng nguồn TPCP bổ sung năm 2009, các đại biểu đều nhất trí, yêu cầu Chính phủ cần ưu tiên tập trung cho những dự án, công trình giao thông, thủy lợi cấp bách, nhất là ở các địa phương nghèo, kinh tế chậm phát triển; đồng thời tập trung bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trong Quyết định 350/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã có khối lượng hoàn thành, triển khai nhanh, sớm phát huy hiệu quả ngay trong năm 2009; kiên quyết loại bỏ các dự án không đủ thủ tục, kém hiệu quả. Ðại biểu Trần Ðình Ðàn, Chủ nhiệm Văn phòng QH đề nghị, đối với các dự án đang khởi công, cần tập trung kinh phí bố trí vốn theo tiến độ, tránh dàn trải. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên rà soát, theo dõi xử lý kịp thời các vướng mắc trong các khâu để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình vào sử dụng, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm sử dụng vốn đúng mục đích, tránh thất thoát và có thể điều chuyển nguồn vốn giải ngân cho các dự án linh động, hợp lý. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền đề nghị Chính phủ ưu tiên phân bổ nguồn vốn đối với các công trình, dự án triển khai nhanh, sớm phát huy hiệu quả trong năm 2009, năm 2010; nhất là các công trình đang dở dang, hiệu quả dự án phụ thuộc nhiều vào giải ngân vốn; trong đó chú trọng bảo đảm cân đối giữa các vùng, miền. Nhiều đại biểu phát biểu ý kiến nêu rõ, Chính phủ cần khẩn trương cố gắng giải ngân hết 4.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên nhằm giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh viên được ở nội trú quá thấp như hiện nay. Một số đại biểu cũng đề nghị, căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, các bộ, ngành được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ khẩn trương xây dựng nghị định và các văn bản hướng dẫn để công bố thực hiện ngay khi luật này có hiệu lực (1-8), bao gồm các vấn đề có liên quan đến thủ tục đầu tư, đấu thầu... nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý và đơn giản hóa các thủ tục đầu tư.

Cho ý kiến về việc điều chỉnh chính sách thu ngân sách đối với số lợi nhuận bất thường có được của nhà thầu dầu khí do giá dầu thô biến động tăng, các đại biểu đều nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc ban hành chính sách thu ngân sách đối với phần lợi nhuận bất thường có được của nhà thầu dầu khí do giá dầu thô biến động tăng dưới dạng Nghị định. Một số ý kiến cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, trong khi chưa ban hành luật, pháp lệnh quy định vấn đề thu phụ thu, việc ban hành văn bản dưới luật, pháp lệnh để quy định về thu ngân sách đối với phần lợi nhuận bất thường của nhà thầu dầu khí do giá dầu thô biến động tăng là hợp lý. Chính phủ đề nghị chỉ thu bổ sung đối với các dự án được ký  từ khi Nghị định có hiệu lực thi hành, không thu đối với các hợp đồng được ký trước khi văn bản có hiệu lực thi hành và các hợp đồng đã được Thủ tướng phê duyệt; tuy nhiên có ý kiến đề nghị nên quy định theo hướng áp dụng quy định về thu bổ sung đối với mọi nhà thầu tham gia các hợp đồng khai thác dầu mỏ tại Việt Nam, không phân biệt thời điểm ký hoặc phê duyệt. Trưởng ban Dân nguyện của QH Trần Thế Vượng và một số đại biểu đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về mức biến động tăng giá từ 20% trở lên và Chính phủ cần cân nhắc có thể áp dụng thu bổ sung khi mức giá dầu thô biến động tăng thấp hơn 20%. Một số đại biểu tán thành phương pháp tính phụ thu như Tờ trình của Chính phủ là theo phương thức xác định cố định 50% của phần lợi nhuận thu được đối với phần dầu lãi (giá dầu trung bình của quý cao hơn từ 20% so với giá của năm tương ứng).

Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ QH đã nghe báo cáo về tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội (NQH). Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, công trình có hai tầng hầm, năm tầng nổi; khoảng 36.540 m2 sàn và 26.700 m2 sàn tầng hầm; chiều cao công trình khoảng 35 m theo phương án mái thấp và 38,36 m theo phương án mái cao. Tổng mức đầu tư dự án xây dựng công trình NQH do Tư vấn thiết kế lập khoảng 48.000 tỷ đồng (gồm các hạng mục NQH, nơi đỗ xe ngầm sức chứa khoảng 500 xe ô-tô, đường hầm từ NQH sang lô E, cải tạo đường Bắc Sơn, đường Ðộc Lập, đường Hoàng Văn Thụ; chi phí cho công tác khảo cổ học... chưa tính đến chi phí xây dựng khu di tích 18 Hoàng Diệu). Hiện nay, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo kiểm tra, lấy ý kiến các cơ quan liên quan về thiết kế cơ sở, Chính phủ sẽ chỉ đạo việc thẩm định, phê duyệt trong cuối tháng 8-2009. Ða số đại biểu tán thành phương án thiết kế kiến trúc mặt đứng công trình NQH là phương án A2, D1; trong đó phòng họp QH được bố trí ở tầng ba, với 600 chỗ ngồi và có thể đáp ứng yêu cầu tăng thêm số lượng đại biểu QH trong tương lai.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác