Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

21/08/2017

Thực hiện Chương trình giám sát năm 2017 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh nhiên Thiếu niên và Nhi Đồng và chuẩn bị báo cáo về ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 4, chiều 21/8, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh nhiên Thiếu niên và Nhi Đồng đã làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về tình hình sử dụng ngân sách nhà nước năm 2017, dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 trong lĩnh vực trẻ em và giáo dục nghề nghiệp. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc có đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh nhiên Thiếu niên và Nhi Đồng.

Báo cáo về tình hình thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ và dự toán ngân sách năm 2017; kế hoạch và dự toán ngân sách năm 2018 trong lĩnh vực trẻ em, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tổng kinh phí được phép sử dụng năm 2017 trong lĩnh vực trẻ em là 23.614 triệu đồng, 06 tháng đầu năm đã thực hiện trên 12 tỷ đồng, đạt 50% kinh phí được giao. Theo Báo cáo của 45/63 tỉnh, thành phố, kinh phí địa phương dành cho công tác trẻ em là gần 124 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/7/2017 đã giải ngân đạt 60%.

Tổng kinh phí dự toán năm 2018 đề xuất trên 125 tỷ đồng, tăng 88 tỷ đồng so với năm 2017. Trong đó kinh phí hỗ trợ địa phương thực hiện dự án phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 – 2020 là 68 tỷ đồng.  Lý do tăng chủ yếu do tăng kinh phí thực hiện các hoạt động: Chương trình mục tiêu đề xuất tăng 64 tỷ đồng; kinh phí thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tăng 5,8 tỷ đồng; kinh phí thực hiện sự nghiệp trẻ em tăng 15 tỷ đồng; quản lý hành chính tăng 3,2 tỷ đồng.

Báo cáo cũng nêu rõ về những khó khăn, hạn chế trong việc phân bổ kinh phí: Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng kinh phí bố trí chưa kịp thời nên việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Kinh phí bố trí thực hiện Dự án phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu năm 2016 còn thấp và thời gian triển khai chỉ có 03 tháng cuối năm. Kinh phí năm 2017 mới chỉ có số thông báo, dự kiến phân bổ. Một số tỉnh, thành phố bố trí ngân sách địa phương cho công tác trẻ em còn thấp…

Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ Phan Thanh Bình phát biểu

Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, nguồn ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực này chiếm là 278.096 tỷ đồng, chiếm 20% tổng ngân sách nhà nước. Qua tổng hợp báo cáo của 25 địa phương về tài chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tổng số thu năm 2016 là 3.159,666 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2017 là 3.424,762 tỷ đồng, dự toán năm 2018 là 3.922,632 tỷ đồng; tổng số chi năm 2016 là 4.820,324 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2017 là 5.295,96 tỷ đồng, dự toán năm 2018 là 5.956,433 tỷ đồng. Trong cơ cấu chi giáo dục nghề nghiệp, chi thường xuyên chiếm tỷ lệ lớn. Trong đó chi lương chiếm khoảng 50%.

Cho ý kiến về báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các đại biểu đề nghị Bộ cần tổng hợp thếm số liệu của các địa phương; làm rõ các cấu phần của dự toán; báo cáo đầy đủ chi tiết hơn chi kinh phí trong năm 2017; làm rõ thêm hiệu quả việc sử dụng ngân sách số số nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, nghề nghiệp; làm rõ lý do mất cân đối thu chi, làm rõ lý do chậm giải ngân…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh nhiên Thiếu niên và Nhi Đồng Phan Thanh Bình đánh giá cao tinh thần làm việc của các đại biểu; đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát lại các dữ liệu, số liệu trong Báo cáo đảm bảo tính chính xác và cụ thể; bổ sung thêm các luận cứ, giải trình rõ ràng đối với các số liệu có sự tăng giảm lớn. Bên cạnh đó nêu ra các nội dung trọng tâm đầu tư cho năm 2018. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của ủy ban và các đại biểu tham dự, đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu và hoàn chỉnh lại Báo cáo gửi Ủy ban trong thời gian sớm nhất.

Tin và ảnh: Thu Phương