Cùng tham dự buổi tiếp có: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếpThủ tướng Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Ảnh: Đình Nam
Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chào mừng Thủ tướng và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sang thăm chính thức Việt Nam, chuyến thăm là dấu mốc mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực với Thổ Nhĩ Kỳ, đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Năm 2016 kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, đầu tư giữa hai nước vẫn còn thấp, Thổ Nhĩ Kỳ có 15 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký khoảng 704 triệu USD, đứng thứ 26 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn trong thời gian tới, hai nước phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trên cơ sở cùng có lợi.
Đánh giá cao việc các đại biểu Quốc hội, thành viên Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Thổ Nhĩ Kỳ- Việt Nam tham gia Đoàn và làm việc với Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam- Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng rằng các thành viên hai Nhóm nghị sĩ hữu nghị sẽ là cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp.
Để tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai bên duy trì, thúc đẩy các chuyến thăm và tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, tăng cường tin cậy chính trị, mở rộng và nâng cao hiêu quả hợp tác; phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020- 2021. Chủ tịch Quốc hội mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ phát huy vai trò trong việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực và thế giới; quan tâm ủng hộ giải quyết các tranh chấp khu vực và quốc tế bằng biện pháp hòa bình, trên cở sở luật pháp quốc tế, ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam và hạn chế áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác, giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực lập pháp và giám sát của các cơ quan Quốc hội hai nước, đặc biệt là giám sát việc triển khai hiệu quả những thỏa thuận hợp tác được ký kết vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước.
Nhân dịp này, qua Thủ tướng Binali Yildirim, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chuyển lời thăm hỏi và lời mời tới Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sang thăm chính thức Việt Nam vào thời gian thích hợp.
Bày tỏ cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian tiếp, Thủ tướng Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết, kể từ khi hai nước Việt Nam- Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao, đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ tới Việt Nam.
Cho rằng Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ là 2 nước có nhiều điểm tương đồng. Việt Nam là một nước có dân số 93 triệu người, tốc độ phát triển kinh tế cao, là ngôi sao sáng trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có vị trí địa lý quan trọng, là cửa ngõ giao thương giữa châu Âu và phương Đông với tài nguyên thiên nhiên phong phú, nền kinh tế phát triển đa dạng. Thủ tướng Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tin tưởng chuyến thăm lần này là dịp hai nước trao đổi các biện pháp thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước bước sang trang mới, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam và các nước ASEAN về việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, tôn trọng luật pháp quốc tế.