Phiên họp thứ Hai chín của UBTVQH

21/03/2010

Sáng 19.3, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, các ĐBQH đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn:

 

* Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Có đủ điều kiện và khả năng khống chế CPI ở mức cho phép

* Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: Quá nhiều công trình nên không thể kiểm tra hết

* Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình: Kháng nghị nhiều chủ yếu do chất lượng thẩm phán

 

Sáng 19.3, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, các ĐBQH đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

 

Chất vấn và trả lời chất vấn dành cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh  tập trung vào 4 nhóm vấn đề: triển khai Nghị quyết của QH về dự toán ngân sách nhà nước, việc phát hành, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; việc điều chỉnh giá một số mặt hàng thời gian qua và việc triển khai các biện pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát...

 

Trả lời chất vấn của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển về chỉ số giá tiêu dùng tăng cao trong 2 tháng đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định: tốc độ tăng giá tiêu dùng 2 tháng đầu năm nay không có dấu hiệu biến động bất thường. Bộ Tài chính đã cố gắng tính toán để việc điều chỉnh giá xăng, điện, than tác động đến sản xuất trong nước ở mức độ cho phép và hạn chế thấp nhất sự tác động đến người tiêu dùng. Bộ Tài chính tin tưởng có đủ điều kiện và khả năng khống chế CPI ở mức QH cho phép. Liên quan đến các biện pháp bình ổn giá, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển tiếp tục chất vấn: vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 84 cho phép các cơ sở kinh doanh xăng dầu được phép quyết định giá nhưng thực tế, Petrolimex chiếm tới 70% thị phần xăng dầu trong nước nên hầu như mỗi lần doanh nghiệp này tăng giá thì giá xăng dầu trong nước đồng loạt tăng theo. Nghị định 84 có tạo tình trạng vừa quyết định giá vừa độc quyền hay không? Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cam kết: Nghị định 84 cho phép doanh nghiệp tự điều chỉnh giá trong một phạm vi nhất định chứ không phải là được tự ý điều chỉnh. Bộ Tài chính cũng đã kiểm tra và thấy rằng, việc điều chỉnh của các doanh nghiệp thời gian qua là phù hợp với quy định của pháp luật và diễn biến thị trường. Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp từ nay đến tháng 6, mỗi lần điều chỉnh phải báo cáo cơ quan nhà nước và giãn cách giữa các lần điều chỉnh.

 

Về tình hình huy động và hiệu quả sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai chất vấn: tiến độ giải ngân vốn những năm gần đây có nhiều tiến bộ nhưng việc huy động vốn vẫn còn nhiều lo ngại. Bộ có giải pháp gì để đạt chỉ tiêu huy động vốn trong năm nay? Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận, thực tế huy động vốn hai tháng đầu năm vẫn rất khó khăn, chỉ đạt gần 9% nhu cầu cả năm. Vì vậy, Bộ Tài chính đã và đang tập trung triển khai thực hiện các giải pháp như huy động các nguồn tài chính nhàn rỗi tạm thời, đàm phán với các tổ chức tài chính quốc tế để tranh thủ thêm nguồn vốn ưu đãi... Giải trình về tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, cổ phần hóa giai đoạn 2009-2010 bị chậm do các doanh nghiệp còn lại đều là doanh nghiệp thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty lớn nên cần thận trọng và tính toán kỹ. Hiện Chính phủ cũng đã có chủ trương rút vốn từ các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn chi phối để tập trung đầu tư những lĩnh vực mũi nhọn.

 

Tiếp đó, các chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân tập trung vào nhóm vấn đề: trách nhiệm bảo đảm an toàn lao động trong xây dựng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước thời gian tới; kết quả thực hiện chủ trương xây dựng nhà cho người nghèo, người có thu nhập thấp; biện pháp quản lý nhà nước đối với các khu chung cư khu đô thị mới; quản lý công tác cấp phép xây dựng... Cho rằng, dường như chưa thấy bóng dáng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát an toàn lao động xây dựng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận yêu cầu Bộ trưởng đánh giá thực trạng kiểm tra, giám sát các công trình hiện nay. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân giải trình: thực tế, Bộ có kiểm tra, xử lý nhưng do có quá nhiều công trình nên không thể kiểm tra hết. Cách thanh tra kiểm tra lâu nay là xuống đơn vị nghe báo cáo, ra công trình... thực sự cũng chưa hiệu quả. Bộ trưởng cũng cam kết: chừng nào các vụ tai nạn lao động còn xảy ra thì các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm. Đồng thời, phải phân cấp kiểm tra xuống cơ sở, phải chỉ ra được chủ thể chịu trách nhiệm chứ không phải cơ quan quản lý nhà nước chịu tất cả trách nhiệm. Trả lời chất vấn của Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Mã Điền Cư về trách nhiệm của Bộ trưởng trước tình trạng các vụ tai nạn lao động gây chết người tại các công trình dân dụng, công nghiệp và giao thông ngày càng gia tăng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết: Bộ đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật, xây dựng hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng; quy định trách nhiệm cụ thể đối với các tổ chức và cá nhân sử dụng lao động... Bộ trưởng cũng thừa nhận trách nhiệm của mình trong việc chưa ban hành đầy đủ các văn bản, quy chuẩn kỹ thuật đối với các công trình xây dựng. Về thực hiện pháp luật về quy hoạch và triển khai quy hoạch ở các tỉnh, thành phố, ĐB Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định) chất vấn: quy hoạch xây dựng được thể hiện trong nhiều văn bản nhưng vì sao tình trạng phá rồi xây, nhà siêu mỏng, cơi nới... vẫn tiếp diễn? Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân giải thích: quy hoạch tổng thể nhìn chung đã đáp ứng được yêu cầu nhưng quy hoạch chi tiết thì chưa theo kịp. Để hoàn tất quy hoạch chi tiết là cả một quá trình nên phải có thời gian, gắn kết với quy hoạch KT-XH; đòi hỏi sự phối hợp, quản lý chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và đặc biệt là phải có kinh phí...

 

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã trả lời chất vấn về: giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm thẩm phán; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác xét xử; xử lý các vụ án có dấu hiệu oan sai và công tác bồi thường oan sai... Trả lời chất vấn của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Thị Thu Ba về việc các Bộ, ngành đã ngồi lại với nhau để giải quyết dứt điểm các bản án tuyên không rõ dẫn đến không thi hành được hay chưa, Chánh án Trương Hòa Bình nêu rõ: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã có chỉ thị về vấn đề này, và sẽ có trách nhiệm đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện. Chánh án Trương Hòa Bình cũng cho rằng: số vụ án bị kháng nghị nhiều chủ yếu là do chất lượng của thẩm phán. Do đó, trước tiên phải nâng cao chất lượng thẩm phán. Tòa án nhân dân tối cao sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong đào tạo nghiệp vụ xét xử, nâng cao chất lượng của thẩm phán. Tòa án nhân dân tối cao cũng sẽ tiến hành thống kê lại các bản án chưa thi hành, để đánh giá, tìm hiểu rõ nguyên nhân. Cũng liên quan đến vấn đề chất lượng thẩm phán, Trưởng Ban dân nguyện Trần Thế Vượng hỏi: chất lượng thẩm phán không còn là vấn đề mới; đội ngũ thẩm phán, nhất là ở cấp huyện vừa yếu về chất lượng vừa thiếu về số lượng nhưng Tòa án đã có giải pháp gì để khắc phục, nhất là tới đây, sẽ thực hiện tăng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân cấp huyện? Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng, muốn nâng cao chất lượng thẩm phán phải đi từ nguyên nhân mới giải quyết được. Hiện nay, chính sách thu hút thẩm phán giỏi chưa hợp lý, chế độ cũng chưa thỏa đáng. Vì vậy, phải có nhiều chính sách thu hút, phải bảo đảm chế độ cho đội ngũ thẩm phán, đặc biệt là quan tâm đến vấn đề tạo nguồn...

Hải Vân

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác