Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn về việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý

17/11/2017

Tiếp tục chương trình chất vấn kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 17/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý.

Đại biểu Quốc hội Mai Thị ánh Tuyết – tỉnh An Giang phát biểu tại Hội trường      Ảnh: Đình Nam

Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết – tỉnh An Giang chỉ ra rằng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sạch là quyết định phát triển nông nghiệp nước ta nói chung và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói riêng trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt như hiện nay. Thời gian qua, đồng hành với các bộ ngành, chức năng, Ngân hàng Nhà nước đã dành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động để cho vay chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với nhiều cơ chế chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, đến nay nhiều doanh nghiệp cần vốn để thực hiện mục tiêu này, nhưng ít doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Việc triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết vì sao chính sách ưu đãi vừa qua doanh nghiệp khó tiếp cận để thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả ngành nông nghiệp đang bức thiết như hiện nay; giải pháp của Ngân hàng Nhà nước sắp tới sẽ phối hợp với bộ, ngành như thế nào để tháo gỡ tình hình này?

Cũng quan tâm đến việc ngành ngân hàng đã nỗ lực trong việc cung ứng vốn cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy – tỉnh Tuyên Quang cho biết, qua tiếp xúc cử tri cho thấy cử tri và nhân dân đánh giá rất cao gói tín dụng này với lãi suất hợp lý và giảm các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nguyện vọng và mong muốn của cử tri vẫn có nhu cầu vay vốn ở mức cao hơn như từ mức 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng và ưu tiên nguồn vốn trung và dài hạn để cho nhân dân vay phát triển sản xuất phù hợp với chu kỳ sản xuất và kinh doanh. Do đó, đại biểu đề nghị Thống đốc cho cử tri biết chủ trương về vấn đề trên trong thời gian tới như thế nào?

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết,  thực tế quá trình triển khai chính sách tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch thì mới triển khai được khoảng 6 tháng, cho đến nay dư nợ đã đạt khoảng 36.000 tỷ trong gói 100.000 tỷ đấy. Trong đó kỳ hạn dài chiếm xấp xỉ 60%, như vậy tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch đã đáp ứng được nhu cầu đầu tư nguồn vốn lớn trung và dài hạn. Ngân hàng Nhà nước cho rằng quá trình triển khai mới được thời gian ngắn như vậy mà tốc độ tăng trưởng, quy mô tín dụng như vậy cũng đã khá cao và có thể nói với khối lượng doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn này thì hiện nay trong tổng dư nợ đấy có khoảng trên 6.400 khách hàng đã được tiếp cận. Trong đó có khoảng hơn 6.000 là khách hàng cá nhân, còn lại là khách hàng doanh nghiệp.

Trong quá trình một chính sách mới triển khai mà đặc biệt chính sách này đòi hỏi về sự phối kết hợp rất chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa qua đã phối hợp rất chặt chẽ theo chỉ đạo của Chính phủ, nhưng trên thực tế còn những vấn đề hạn chế như đại biểu nêu việc khó tiếp cận vốn và vấn đề này cũng có một số lý do. Mặc dù Bộ Nông nghiệp vừa qua đã quyết liệt trong việc thực hiện tái cơ cấu và ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nhưng rõ ràng so với nhu cầu khu vực mà số lượng các khu vực vùng nông nghiệp công nghệ cao và các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận mà doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao cũng còn hạn chế. Điều này là một yếu tố làm cho các ngân hàng khi cho vay các doanh nghiệp thì rất thận trọng. Bên cạnh đó, một vấn đề cũng bất cập lớn mà vừa rồi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp làm rất quyết liệt là vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vấn đề này yếu tố quyết định cho việc các ngân hàng xem xét cho vay các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch.

Ngoài ra, có một số các doanh nghiệp và người dân có nhu cầu đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, việc giấy chứng nhận tài sản trên đất để thế chấp vay vốn ngân hàng còn có những khó khăn nhất định.Theo chỉ đạo của Chính phủ tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ thì nội dung này là một trong những nội dung Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt.

Do vậy, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vấn đề này chúng tôi cũng đã trao đổi trực tiếp với đồng chí Bộ trưởng sẽ đẩy mạnh chuyển dịch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao để cùng với các địa phương tạo lập được những khu, những vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, cũng như xem xét, cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, nông nghiệp sạch để tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp tục xem xét để cho vay vốn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sơn- tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại Hội trường

Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sơn- tỉnh Hà Tĩnh, đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường – tỉnh Bình Định nhận định, thành công trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, vàng và ngoại tệ vừa qua đã góp phần đảm bảo nguồn lực để ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy vậy, hiện nay lượng vàng và ngoại tệ của người dân trực tiếp nắm giữ còn lớn, nếu huy động được sẽ bổ sung thêm nguồn vốn quan trọng để đưa vào sản xuất kinh doanh phục vụ đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết quan điểm của mình về vấn đề này.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về chính sách và giải pháp để huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng đây là một trong những nội dung Chính phủ đã chỉ đạo rất sâu sát và quyết liệt từ năm 2016. Trong quá trình thực hiện, Ngân hàng Nhà nước cũng đã báo cáo Chính phủ, chúng tôi được giao thực hiện 2 đề án là đề án nghiên cứu các giải pháp để huy động nguồn lực về vàng. Thứ hai là các giải pháp về nguồn lực ngoại tệ qua quá trình thực tiễn điều hành nhiều năm vừa qua thì chúng tôi cho rằng giải pháp căn cơ nhất và bền vững nhất, có khả thi nhất chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ vào cuối năm nay là Chính phủ và các bộ, ngành phải kiên định mục tiêu điều hành để ổn định kinh tế vĩ mô. Qua đó củng cố giá trị của đồng Việt Nam, tạo lập được lòng tin của người dân và doanh nghiệp, trên cơ sở đó người dân sẽ không bỏ vốn đầu tư vào tài sản tài chính như vàng, ngoại tệ mà sẽ chuyển đổi sang đồng Việt Nam để có thể gửi tiền tiết kiệm hoặc trực tiếp đầu tư trên thị trường chứng khoán hoặc trực tiếp đầu tư kinh doanh. Việc này cần phải có thời điểm và lộ trình để chúng ta có những giải pháp để chuyển hóa những nguồn lực.

Đối với vấn đề vàng như đại biểu nêu, Thống đốc cho rằng chúng ta đã rất thành công trong những năm vừa qua. Trong nhiều năm trước đây, phải tốn rất nhiều ngoại tệ để nhập khẩu vàng và để thị trường vàng có những diễn biến gây tác động đến bất ổn vĩ mô, lạm phát và bất ổn khác trong nền kinh tế. Trong nhiều năm vừa qua thị trường vàng đã rất ổn định và chúng ta không phải mất ngoại tệ để nhập khẩu vàng để phục vụ cho các nhu cầu mua bán vàng miếng trong nước và thị trường hiện nay đang tự điều tiết. Như vậy, trên thực tế chúng ta đã chuyển hóa được một phần nguồn lực rất lớn từ vàng sang nền kinh tế.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai diễn ra sôi nổi với 39 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và 5 đại biểu tranh luận. Qua chất vấn cho thấy, thời gian qua, các giải pháp điều hành của Ngân hàng nhà nước cơ bản là phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và sự chỉ đạo của Chính phủ, giữ được sự ổn định, mặt bằng lãi suất, thị trường ngoại hối và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng diễn biến phù hợp với định hướng đề ra. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, góp phần quan trọng vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các giải pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai và đạt được kết quả ban đầu theo mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, đối với các lĩnh vực thuộc nhóm nội dung chất vấn này vẫn còn nổi lên những tồn tại, yếu kém, hạn chế mà nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập. Như công tác điều hành chính sách tiền tệ còn nhiều thách thức. Việc tiếp cận nguồn vốn cho vay còn khó khan, việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém hiệu quả chưa rõ nét, nhiều vấn đề đặt ra, kết quả xử lý nợ xấu còn hạn chế và tình hình nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thực tế vẫn còn ở mức cao và diễn biến phức tạp. Tình trạng sở hữu chéo và vi phạm tỷ lệ sở hữu chưa được xử lý dứt điểm, mặc dù có nhiều cố gắng. Việc bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn v.v... Trên cơ sở kết quả chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, các Bộ trưởng có liên quan tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế mà các đại biểu Quốc hội đã nêu.

Hồ Hương