Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ thời hiệu tố cáo

23/11/2017

Chiều 23/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật tố cáo (sửa đổi). Đây là lần thứ hai Quốc hội xem xét, thảo luận về dự án luật này. Một số nội dung của dự thảo luật còn nhiều ý kiến khác nhau như hình thức tố cáo, thời hiệu tố cáo. Theo sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về hai nội dung này làm cơ sở để chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đại Phong - tỉnh Thái Nguyên cho ý kiến về dự án Luật tố cáo (sửa đổi)                                Ảnh: Đình Nam

Tại hội trường các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành cao với việc cần thiết phải sửa đổi cơ bản luật này để đáp ứng yêu cầu công tác giải quyết tố cáo trong tình hình hiện nay, giải quyết được những vướng mắc, bất cập của luật hiện hành cũng như những thực tế đang đặt ra trong công tác giải quyết tố cáo và phải bảo đảm được tính thống nhất, tính khả thi của các quy định mới.

Vẫn còn hai nhóm ý kiến khác nhau về quy định hình thức tố cáo

Về hình thức tố cáo, qua thảo luận của đại biểu Quốc hội cho thấy có hai luồng ý kiến về nội dung này. Cụ thể, đa số thì tán thành với quan điểm cơ quan thẩm tra đề nghị mở rộng hình thức tố cáo. Tuy nhiên, cũng có một số ít ý kiến đề nghị giữ như luật hiện hành, tức là chỉ có 2 hình thức là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến- tỉnh Hà Nam đề nghị cần mở rộng hình thức tố cáo qua các phương tiện thông tin như thư điện tử, fax, điện thoại để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội và công nghệ, đảm bảo quyền con người và thống nhất với một số đạo luật khác có quy định tiếp nhận thông tin qua các phương tiện thông tin; quy định giá trị về văn bản điện tử, chữ ký điện tử. Mặt khác, việc mở rộng hình thức tố cáo này cũng phù hợp với quy định về tiếp nhận tố cáo theo các Điều 19 và 21 của chính dự thảo luật.

Có cùng đề nghị, đại biểu Quốc hội Đỗ Đại Phong- tỉnh Thái Nguyên bày tỏ đồng tình cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, không nên chỉ giới hạn ở hai hình thức như hiện hành. Theo đại biểu Đỗ Đại Phong, dù hình thức tố cáo nào cũng cần có đủ điều kiện, cơ sở pháp lý và có danh thì mới xem xét. Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung hình thức tố cáo để phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật.

Đề nghị bổ sung cụm từ "hoặc hình thức khác theo quy định của Chính phủ" vào cuối khoản 1 Điều 19 nhằm mở rộng hơn hình thức tố cáo, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Khánh- tỉnh Bình Dương cho rằng điều này góp phần không nhỏ việc tố cáo các hành vi sai phạm thông qua phương tiện truyền thông, có sự vào cuộc của báo chí, đáp ứng sự phát triển của công nghệ thông tin, công cụ quan trọng dể nhân dân giám sát việc thực thi chính sách pháp luật của bộ máy chính quyền.

Đại biểu Quốc hội K’Choi- tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh thêm, cơ sở quan trọng nhất là để giải quyết tố cáo là xác định được nội dung tố cáo có căn cứ chính xác, rõ địa chỉ họ tên người tố cáo là điều kiện đủ để thụ lý giải quyết mà không nên giới hạn về hình thức tố cáo. Việc tố cáo qua thư điện tử, điện thoại thực chất cũng chỉ là một phương thức để thể hiện khác nhau của hai hình thức tố cáo mà dự thảo luật đã quyết định là tố cáo bằng đơn, tố cáo trực tiếp.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Cúc- tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho rằng, chỉ nên quy định 2 hình thức tố cáo bằng đơn và trực tiếp trên cơ sở kế thừa quy định của luật hiện hành, nhằm đảm bảo quy trình giải quyết, trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết, trách nhiệm của người tố cáo. Không mở rộng ra các hình thức tố cáo khác như điện thoại, tin nhắn, hộp thư điện tử để tránh tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ xác định sự thật về người tố cáo, gây khó khăn cho người giải quyết tố cáo, đồng thời tránh tình trạng lợi dụng tố cáo để xúc phạm danh dự, nhân phẩm người bị tố cáo.

Có cùng ý kiến nhất trí với phương án trình của Chính phủ, đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa- TP. Đà Nẵng nêu rõ ba lý do. Một là, quy định rõ hai hình thức tố cáo như trong dự thảo để tránh việc lợi dụng việc tố cáo bằng các hình thức khác mà khó xác định được danh tính để tố cáo bịa đặt sai sự thật. Hai là, nếu đưa vào luật việc phải thụ lý giải quyết các đơn tố cáo bằng các hình thức khác mất thời gian để xác định danh tính thật của người tố cáo e rằng sẽ không đủ nhân lực để thực hiện theo trình tự thủ tục, thời gian chặt chẽ theo quy định. Ba là, Điều 23 của dự thảo đã có quy định đối với các đơn tố cáo nặc danh, mạo danh mà có nội dung thông tin rõ ràng, có tài liệu bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra xác minh thì người đứng đầu cơ quan vẫn phải tổ chức việc thanh tra, kiểm tra. Như vậy, việc quy định hình thức tố cáo theo như dự thảo thì không làm hạn chế quyền tố cáo của công dân mà chỉ làm tăng tính chịu trách nhiệm của người tố cáo.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành- tỉnh Đắk Lắk bày tỏ nhất trí với những lý do, những lập luận của các đại biểu ủng hộ việc thừa nhận các hình thức tố cáo qua phương tiện thông tin điện tử. Đại biểu bổ sung lập luận, theo quy định của Luật giao dịch điện tử 2005, Điều 11 về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu có quy định "thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp điện tử"; Điều 12 quy định "thông điệp dữ liệu điện tử có giá trị như văn bản"; Điều 13 quy định "thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản gốc"; Điều 14 quy định "thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ". Vì vậy, nên thừa nhận hình thức tố cáo này, để chặt chẽ thì chúng ta quy định những điều kiện bảo đảm đúng là thông điệp gốc và do người được xác định đứng ra tố cáo.

Trách nhiệm xem xét thời hiệu là của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Thời hiệu tố cáo cũng là nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các đại biểu Quốc hội. Theo đó, có ý kiến tán thành quan điểm của Ủy ban thẩm tra đề nghị không quy định thời hiệu tố cáo, nhưng cũng có ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ thời hiệu tố cáo.

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Lò A Tư- tỉnh Lai Châu, đề nghị chọn phương án không quy định về thời hiệu tố cáo. Đại biểu lý giải, trong thực tế cho thấy có những trường hợp mặc dù hành vi vi phạm xảy ra đã lâu nhưng hậu quả của hành vi đó vẫn chưa được xử lý, khắc phục hoặc vẫn đang gây thiệt hại đối với lợi ích của nhà nước, của cơ quan, đơn vị, cá nhân. Ví dụ, việc sử dụng bằng giả trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức, việc cấp giấy tờ chứng nhận sai các hành vi tham nhũng, lãng phí xảy ra trước thời điểm quy định chưa được phát hiện. Vì vậy, theo đại biểu việc quy định thời hiệu tố cáo là không phù hợp.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu- tỉnh Nghệ An bày tỏ đồng ý với quan điểm nên quy định thời hiệu giải quyết tại Điều 27. Bởi lẽ nếu không quy định thời hiệu tố cáo sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi giải quyết, thời gian xảy ra lâu, việc xác minh rất khó khăn, mất nhiều thời gian và tốn kém công sức. Mặt khác, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định nhiều hành vi rất nghiêm trọng nhưng có quy định về thời hạn về giải quyết tố cáo.

Đại biểu Quốc hội  Nguyễn Hữu Cầu - tỉnh Nghệ An đề nghị nên quy định thời hiệu giải quyết tố cáo

Nhất trí với sự cần thiết phải quy định thời hiệu tố cáo, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Khánh- tỉnh Bình Dương, quy định này nhằm đề cao trách nhiệm công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo, kịp thời ngăn chặn khắc phục hành vi vi phạm không để kéo dài, tránh giải quyết những tố cáo đối với hành vi vi phạm đã xảy ra từ rất lâu, không còn nguy hiểm hoặc không còn ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, xã hội, công dân, nhưng cơ quan nhà nước vẫn phải xem xét thụ lý gây lãng phí về thời gian và công sức, đồng thời phù hợp với quy định của Bộ Luật hình sự về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Có cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Cúc- tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn như việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật phải phân định cụ thể như tố cáo hành vi vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy, phải tùy theo mức độ của hành vi vi phạm mà quy định thời hiệu cho phù hợp.  

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai- tỉnh Tiền Giang đề xuất quy định theo hướng có thời hiệu và phải phân hóa có những dạng có thời hiệu nhất định và có dạng vô thời hiệu. Đại biểu lí giải cụ thể, vô thời hiệu đối với một số trường hợp như liên quan đến hồ sơ cán bộ, chính sách người có công hoặc thi đua khen thưởng. Những việc đó khi phát hiện ra sai phạm có thể thu hồi danh hiệu ngay chứ không nhất thiết quy định thời hiệu.

Phát biểu tranh luận về nội dung này, đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành- tỉnh Đắk Lắk lại cho rằng không thể quy định về thời hiệu trong Luật Tố cáo vì sẽ mâu thuẫn ngay với hệ thống dẫn đến rối loạn thực hiện. Nếu hành vi tố cáo thì chúng ta áp dụng theo quy định của luật này, trong khi hành vi vi phạm pháp luật không tố cáo lại áp dụng theo thời hiệu thông thường. Một hành vi mà áp dụng thời hiệu khác nhau sẽ dẫn đến rối loạn hệ thống khi triển khai thực hiện, vì vậy đại biểu đề nghị không thể lựa chọn phương án 1 trong Luật Tố cáo.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hồng- tỉnh Đồng Nai phân tích, bản chất thời hiệu là thời hiệu để truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm pháp luật nào đó, bản chất của tố cáo là việc người dân báo với cơ quan nhà nước về hành vi này, về hành vi kia thì không nên có thời hiệu, bản chất của nó không có thời hiệu. Theo đại biểu, chính vì bản chất của vấn đề như vậy nên không quy định thời hiệu tố cáo. Khi người dân đã tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền xem xét hành vi bị tố cáo có còn thời hiệu để truy cứu trách nhiệm pháp lý nữa hay không; và trả lời cho công dân. Người dân không thể biết thời hiệu của cái này hay cái kia để người dân căn cứ vào thời hiệu để tố cáo hay không tố cáo. 

Bảo Yến