Tọa đàm “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo mô hình đa tầng- kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”

07/12/2017

Chiều 7/12, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức tọa đàm “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo mô hình đa tầng- kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sĩ Lợi chủ trì tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có Giám đốc Cơ quan phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Caitlin Wiesen, đại diện một số Đoàn đại biểu Quốc hội, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cùng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước có quan tâm đến lĩnh vực trên.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sĩ Lợi cho biết, việc tổ chức tọa đàm là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác thường niên giữa Ủy ban Về các vấn đề xã hội với Dự án Hỗ trợ cải thiện hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2017- 2020 do Cơ quan phát triển Liên Hợp Quốc phối hợp với Chương trình các hệ thống an sinh xã hội của Liên minh châu Âu tài trợ. Tọa đàm này được tổ chức vào thời điểm vấn đề cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trong bối cảnh phát triển và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam hướng đến mục tiêu tăng trưởng bao trùm, nâng cao chất lượng an sinh đang là vấn đề được Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Trong đó, Bảo hiểm xã hội là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong đó bảo hiểm hưu trí chính là nền móng của chế độ bảo hiểm xã hội, xét về cả vai trò, ý nghĩa và giá trị lịch sử của chế định này. Những năm gần đây, chúng ta chú trọng nhiều để phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đa dạng và linh hoạt bằng việc mở rộng các hình thức bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện, vận hành thêm các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, kết nối chặt chẽ với cách chính sách an sinh xã hội khác để bảo hiểm xã hội thực sự trở thành trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội vẫn còn chưa được quan tâm nghiên cứu đầy đủ, còn nhiều vấn đề về lý thuyết và thực tiễn cần được giải đáp.

Các tham luận tại buổi tọa đàm đã đặt ra một chuỗi các vấn đề làm thế nào để đảm bảo tốt về an sinh xã hội, trong đó đề cập đến tác động chính của an sinh xã hội, những thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt trong vấn đề an sinh xã hội, khẳng định bảo hiểm xã hội là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, cải cách bảo hiểm xã hội theo mô hình đa tầng như thế nào…

Thảo luận tại tọa đàm, các đại biểu đưa ra nhận định, trên thế giới an sinh xã hội là khía cạnh chính sách phát triển nhanh nhất ở châu Á và phát triển nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới. An sinh xã hội có thể được hiểu là một hệ thống tích hợp các biện pháp can thiệp chính thức, đôi khi là không chính thức của nhà nước hoặc tư nhân nhằm giảm các rủi ro về kinh tế xã hội, các tổn thương, sự loại trừ và thiếu thốn cho người dân nhằm thúc đẩy tăng trưởng công bằng giúp giảm nghèo; tạo ra tác động phát triển trên diện rộng- về phát triển vốn con người, kinh tế hộ gia đình và quản lý các rủi ro xã hội; Khung kế hoạch tổng hợp và toàn diện về an sinh xã hội thúc đẩy phát triển xã hội bao trùm và tăng trưởng kinh tế công bằng. Ngoài ra, an sinh xã hội còn có tác động tới bền vững về kinh tế, gắn kết xã hội và giảm bất công bằng.

Đối với thực tiễn ở Việt Nam, vừa qua, trên cơ sở tổng kết toàn diện thành quả 30 năm đổi mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó đề ra nhiệm vụ “Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, thống nhất; huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội thực hiện chính sách an sinh xã hội; khuyến khích người dân tự nguyện tham gia bảo đảm an sinh xã hội”. Việc tiếp tục cải cách chính sách bảo hiểm xã hội sẽ là trọng tâm nghị sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời gian tới. Một trong những cách tiếp cận mới đối với việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội là bảo đảm cả yếu tố công bằng theo chiều ngang và theo chiều dọc. Nghĩa là mọi người dân phải được bảo đảm các nhu cầu an sinh xã hội tối thiểu do Nhà nước bảo đảm, nhưng đối với người có thu nhập cao hơn có thể có quyền đóng cao hơn để được hưởng mức an sinh xã hội cao. Đây là sự bảo đảm công bằng trong tham gia, thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, chứ không phải cào bằng nhằm phát huy hết khả năng tự bảo đảm an sinh của người dân bên cạnh vai trò trụ cột của Nhà nước.

Từ những kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam, các đại biểu nhận định trong tương lai cần xây dựng mô hình bảo hiểm xã hội đa tầng ở Việt Nam theo hướng mỗi rủi ro cần có nhiều phương thức và nguồn lực để bảo đảm về sức khỏe và thu nhập cho người dân. Dưới góc độ các chính sách an sinh xã hội cần được thiết kế trong một tổng thể chung và lấy con người làm trung tâm. Các chính sách an sinh xã hội cần đa dạng nhưng không chồng lấn. Chính sách an sinh xã hội thiết kế dựa trên những rủi ro mà mỗi người có thể gặp phải. Để giúp đỡ người dân vượt qua được những rủi ro đó, có thể chỉ cần một chính sách an sinh xã hội (đơn tầng) hoặc nhiều chính sách an sinh xã hội (đa tầng). Ví dụ, một người về già có thể có 3 nguồn lương hưu là: lương hưu xã hội (trợ cấp bảo trợ xã hội); lương hưu bảo hiểm xã hội và lương hưu bổ sung/ lương hưu từ sản phẩm hưu trí tự nguyện. Một phụ nữ khi sinh có thể được hưởng 2 nguồn tiền từ: chế độ thai sản của BHXH bắt buộc và chi trả khi sinh con từ một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Một công nhân bị ốm có thể được Chi trả chi phí khám chữa bệnh từ quỹ Bảo hiểm y tế và Chi trả trợ cấp ốm đau từ quỹ Bảo hiểm xã hội.

Trên cơ sở những phân tích trên, các đại biểu tham gia tọa đàm cũng đưa ra những giải pháp cụ thể cho Việt Nam trong vấn đề cải cách bảo hiểm xã hội.

Thứ nhất, cần hoàn thiện hệ thống hưu trí đa tầng hướng tới bảo hiểm hưu trí toàn dân, nghĩa là mọi người dân hết tuổi lao động đều có lương hưu. Cụ thể: hiện nay, mới chỉ có khoảng 47% người cao tuổi có lương hưu, Bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng .Trong tương lai, chính sách Bảo hiểm xã hội cần được thiết kế theo hướng 100% người cao tuổi có lương hưu bằng cách chính thức hóa thật nhiều việc làm không chính thức để tỷ lệ người lao động tham gia BHXH ngày càng cao; Khuyến khích người dân tham gia các loại hình bảo hiểm khác để bên cạnh lương hưu BHXH còn được hưởng lương hưu bổ sung (cao hơn) trong tương lai.

Thứ hai, cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội theo hướng phát huy tối đa chức năng của từng chính sách Bảo hiểm xã hội và hỗ trợ lẫn nhau giữa các chính sách Bảo hiểm xã hội. Thực tế trong thời gian vừa qua, từng chính sách chưa thực sự phát huy được hết chức năng và phù hợp với bản chất của chính sách, giữa các chính sách chưa có sự kết nối và hỗ trợ để đạt mục tiêu chung. Chẳng hạn, chính sách bảo hiểm thất nghiệp mới chỉ thực hiện được chức năng chi trả trợ cấp thất nghiệp, các chính sách chủ động như hỗ trợ đào tạo, giới thiệu và chắp nối việc làm, duy trì việc làm, bảo vệ việc làm còn hạn chế. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa hỗ trợ được duy trì và mở rộng diện bao phủ của các chính sách khác. Yêu cầu này càng quan trọng đối với tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nhằm đạt được các mục tiêu cốt lõi của chính sách là đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người thất nghiệp để đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm mới, nhanh chóng đưa người thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm cho người lao động, hạn chế sa thải đối với người lao động. Các trung tâm dịch vụ việc làm công, nơi tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cần nâng cao khả năng tiếp cận, nâng cao hiệu suất cung cấp dịch vụ, đa dạng hóa và mở rộng thông tin việc làm và cung cấp dịch vụ mọi lúc, mọi nơi. Để đạt được mục tiêu này cần đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và nhân sự, xây dựng hệ thống trung tâm hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, tạo được niềm tin của người lao động và doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp sâu sắc, tâm huyết của các đại biểu tham dự. Những ý kiến của các đại biểu đã cung cấp nguồn thông tin phong phú, đa chiều để hỗ trợ hiệu quả cho công tác lập pháp. Phó Chủ nhiệm khẳng định, tuy sẽ có nhiều bài toán khó đặt ra về phương diện hoạch định chính sách và đòi hỏi phải có những phương án khác nhau để từ đó có thể lựa chọn con đường phù hợp nhất, nhưng Nhà nước luôn ban hành những chính sách hiệu quả, tác động và tạo động lực để từng người dân vươn lên khắc phục khó khăn, ổn định đời sống và đóng góp cho sự phát triển của đất nước, đóng góp và thụ hưởng an sinh xã hội một cách tốt nhất theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Hồ Hương