UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

11/01/2018

Sáng 11/1, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 20, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB).

UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Theo Báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến UBTVQH về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Địnhtrình bày, về tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB hiện nay có 3 phương án. Trong đó, có 2 phương án do Chính phủ trình và 1 phương án do Thường trực Ủy ban Pháp luật đề xuất.

Phương án 1 thực hiện thiết chế Trưởng đơn vị HCKTĐB. Phương án này có ưu điểm bảo tinh gọn bộ máy, đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, năng động, linh hoạt. Tuy nhiên, phương án này có hạn chế là không bảo đảm quyền đại diện của Nhân dân, nguyên tắc Nhân dân lập ra chính quyền, cơ quan quyền lực bầu cơ quan hành chính, dễ dẫn đến nguy cơ lạm quyền. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật băn khoăn về tính hợp hiến của phương án này. Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó quy định cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, bao gồm cả ở đơn vị HCKTĐB do Quốc hội thành lập.

Trong khi đó, theo phương án 2, chính quyền đơn vị HCKTĐB gồm có HĐND, UBND tương tự như ở các đơn vị hành chính hiện nay. Ưu điểm của phương án này là phù hợp với Hiến pháp, thống nhất với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thể hiện tính nhất quán về tổ chức của hệ thống bộ máy chính quyền địa phương. Nhiều ý kiến ĐBQH, chuyên gia và Thường trực Ủy ban Pháp luật không tán thành với phương án này vì chưa thực sự đổi mới, cải cách, chưa mang tính đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy.

Phương án 3 do nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề xuất, kết hợp các ưu điểm, khắc phục nhược điểm của phương án 1 và phương án 2. Theo đó, chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND đơn vị HCKTĐB (gọi tắt là Hội đồng đặc khu) và UBND đơn vị HCKTĐB (gọi tắt là Ủy ban đặc khu) được tổ chức tinh gọn, chỉ quyết định một số vấn đề quan trọng, mang tính định hướng lớn, còn chủ yếu tập trung phân quyền, phân cấp thẩm quyền quản lý, điều hành ở đơn vị HCKTĐB cho Chủ tịch Ủy ban đặc khu. Phương án này có ưu điểm: bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, phù hợp với đặc điểm của đơn vị HCKTĐB, thể hiện được chính quyền gần dân, sát dân, phát huy quyền làm chủ, quyền giám sát của Nhân dân. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hành chính đơn vị HCKTĐB…

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, trong quá trình xây dựng Hiến pháp, chúng ta đã tổ chức thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện phường, và cuối cùng đã quyết định, ở đâu có chính quyền nhân dân thì ở đó có HĐND, điều này đã được quy định trong Hiến pháp và được triển khai bởi Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, Điều 75 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: Chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm có HĐND và UBND. Vì vậy, Chủ tịch Hà Ngọc Chiến đồng tình với phương án 3. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị, tổ chức HĐND và UBND ở đơn vị HCKTĐB phải tinh gọn nhất, tăng thẩm quyền của Chủ tịch UBND, đặc biệt cần tăng cường giám sát quyền lực.

Ủng hộ phương án 3, nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đặt vấn đề cần làm rõ, 3 đặc khu này sẽ mang lại lợi ích gì cho đất nước? Điểm cốt lõi của 3 đặc khu, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, là phải tạo động lực phát triển cho tỉnh đó hoặc khu vực đó, đồnh thời, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Trưởng Ban Công tác Trần Văn Túy phát biểu về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Trong khi đó, đồng tình với phương án 1, nhưng Trưởng Ban Công tác Trần Văn Túycũng nêu rõ, điều băn khoăn nhất vẫn chính là kiểm soát quyền lực. Cần nghiên cứu kỹ để thiết kế một cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ hơn trong dự thảo Luật. Với đề nghị tổ chức Hội đồng Tư vấn đặc khu do Thủ tướng thành lập, theo Trưởng ban Trần Văn Túy cũng cần cân nhắc kỹ. Bởi hiện nay, chúng ta đang muốn tạo cơ chế đột phá, nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu mà lại có một cơ quan tư vấn do Thủ tướng thành lập gần như sẽ “kiểm soát” Trưởng đặc khu có thể sẽ giảm đi tính chủ động trong hoạt động của Trưởng đặc khu.

Một nội dung khác cũng được UBTVQH tập trung thảo luận là các chính sách liên quan đến đất đai tại đơn vị HCKTĐB. Theo quan điểm của Ủy ban Pháp luật, để tạo cơ chế thu hút đầu tư, các chính sách đất đai tại đơn vị HCKTĐB cần có sự hấp dẫn, vượt trội so với quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, cũng cần bảo đảm thận trọng, với mức độ ưu đãi hợp lý để tránh tình trạng lạm dụng, thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước.

Về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đơn vị HCKTĐB, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc quy định thời hạn sử dụng đất tối đa đến 99 năm như trong dự thảo Luật là nhằm thể hiện tính vượt trội trong chính sách đất đai tại đơn vị HCKTĐB so với các khu kinh tế khác trong nước cũng như một số đặc khu kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, theo quy định của dự thảo Luật, thời hạn sử dụng đất tối đa đến 99 năm chỉ được áp dụng trong phạm vi hẹp, đối với một số dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên, theo trình tự, thủ tục chặt chẽ và do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Do đó, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành quy định thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm như trong dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cần rà soát lại, không nhất thiết phải là 99 năm. Thời gian này tương đương với gần 3 thế hệ, thì có cần thiết không? Nhấn mạnh tạo cơ chế đặc thù là cần thiết, nhưng với chính sách miễn tiền thuê đất tại đơn vị HCKTĐB thì cần phải tính toán cân nhắc, không nên có chính sách miễn, chỉ có chính sách giảm tiền thuê đất, mà giảm có thời hạn, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Đồng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, liên quan đến tài chính, cần phải nghiên cứu kỹ. Hiện, dự thảo luật nêu nhiều vấn đề về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế sử dụng đất. Khẳng định, các đặc khu này phải lớn lên bằng “đôi chân” của mình, Trung ương chỉ hỗ trợ ban đầu, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý, việc miễn thuế nhiều thì sẽ không có nguồn lực cho phát triển.

Hà An/ĐBND - Ảnh: Đình Nam