Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội

29/09/2010

Hôm qua, 28-9, tại phiên họp thứ 35, trong ngày làm việc thứ hai, Ủy ban Thường vụ QH tập trung bàn về công tác giám sát của QH và Ủy ban Thường vụ QH.

 Cụ thể là cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ QH năm 2011, thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động  Việt  Nam  đi  làm  việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số  lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2001-2010.

Các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với đánh giá tình hình thực hiện Chương trình hoạt động giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ QH trong năm 2010 và cho rằng, năm 2010, hoạt động giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ QH, các cơ quan của QH, các Ðoàn đại biểu QH và đại biểu QH tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều cải tiến về quy trình, thủ tục, cách thức giám sát; đạt được những kết quả nhất định; hoàn thành chương trình, kế hoạch đề ra. Các ý kiến phát biểu cũng đề cập những hạn chế nhất định của công tác giám sát trong năm qua, như hiệu quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa cao; công tác giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân chưa có chuyển biến mạnh.

Theo Tờ trình của Văn phòng QH, tại kỳ họp thứ chín, QH khóa XII (dự kiến tháng 3-2011) QH xem xét các báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XII của QH, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ QH, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo luật định; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH.

Tại kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII (dự kiến tháng 7-2011) QH xem xét báo cáo kết quả cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 (không tiến hành hoạt động chất vấn).

Tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII (dự kiến tháng 10, tháng 11-2011) QH xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát chuyên đề. Tờ trình đưa ra ba chuyên đề để lựa chọn, đó là: Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất theo Luật đất đai năm 2003; việc thực hiện chính sách, pháp luật về thuế và quản lý thuế; việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề.

Cùng với hoạt động giám sát tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH theo quy định (như xem xét báo cáo của các cơ quan hữu quan, tiến hành hoạt động chất vấn...), dự kiến, tại phiên họp tháng 6-2011, Ủy ban Thường vụ QH giám sát việc bầu cử đại biểu QH khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, báo cáo QH khóa XIII tại kỳ họp thứ nhất.

Về giám sát chuyên đề, Tờ trình đề xuất, tại phiên họp tháng 9-2011, Ủy ban Thường vụ QH lựa chọn một trong ba chuyên đề là: Việc ban hành các văn bản quy phạm hướng dẫn thực hiện luật; Việc thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; Việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vốn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Qua thảo luận, các ý kiến phát biểu tán thành với Tờ trình về việc đánh giá kết quả giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ QH trong năm 2010. Ða số ý kiến đề nghị lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề của QH trong năm 2011 là: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề với lý do đây vừa là vấn đề thật sự bức xúc, vừa là vấn đề "vừa sức" trong điều kiện quỹ thời gian còn lại của nhiệm kỳ QH khóa XII còn nhiều. Ða số ý kiến thống nhất lựa chọn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ QH năm 2011 là việc thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Một số ý kiến đề xuất chuyên đề giám sát thứ hai của Ủy ban Thường vụ QH là về vấn đề an sinh xã hội.

Ủy ban Thường vụ QH đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ủy ban Thường vụ QH yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, các địa phương có các giải pháp hữu hiệu, thiết thực, khẩn trương khắc phục những hạn chế thiếu sót mà Ðoàn giám sát đã nêu ra trong báo cáo giám sát về vấn đề này. (Báo Nhân Dân đã đưa tin trong số báo ra ngày 15-9-2010).

Cũng trong ngày làm việc này, Ủy ban Thường vụ QH đã nghe đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010. Theo đánh giá của đoàn giám sát, công tác cải cách TTHC qua 10 năm thực hiện, nhất là từ khi triển khai Ðề án 30 (tháng 7-2008), với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ và quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp, cũng như huy động được các nguồn lực trong xã hội để thực hiện cải cách TTHC, đã tạo được sự chuyển biến tích cực, hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Cụ thể là: nhiều TTHC đã được đơn giản hóa; thực hiện việc công khai, minh bạch các yêu cầu về hồ sơ, quy trình giải quyết, lệ phí, lịch làm việc; rút ngắn thời gian giải quyết; những thủ tục rườm rà, chồng chéo, sơ hở, dễ bị lợi dụng, những giấy tờ không cần thiết, không còn phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp và công dân đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ. Ðặc biệt, các ngành, địa phương đã thống kê, rà soát và ban hành Bộ TTHC thuộc phạm vi quản lý, công khai các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết để người dân biết và giám sát việc thực hiện. Kết quả thực hiện cải cách TTHC đã khẳng định tính đúng đắn về chủ trương và các giải pháp thực hiện, tạo đà cho việc thực hiện cải cách hành chính trong những năm tiếp theo.

Trong quá trình cải cách TTHC, nhiều kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật như luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư,... đã được đưa ra và từng bước thực hiện một cách có hiệu quả; đồng thời, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật khác bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Thông qua rà soát TTHC đã phát hiện nhiều bất hợp lý trong quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong bộ máy hành chính. Ðây là căn cứ quan trọng để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, sự phân công, phân cấp cũng như sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp. Việc giải quyết các thủ tục hành chính bằng quy trình cụ thể, xác định rõ trách nhiệm, thời gian của từng công đoạn đã góp phần minh bạch hóa và kiểm soát được quá trình giải quyết từng thủ tục.

Ðoàn giám sát cũng cho rằng, thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực, một số khâu vẫn còn phiền hà; tiến độ cải cách TTHC còn chậm, chưa đạt được yêu cầu đề ra trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính; công tác cải cách TTHC vẫn còn những khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Bên cạnh nhiều TTHC đã được đơn giản khá tốt, nhưng cũng còn không ít TTHC, nhất là các TTHC trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng nhà ở còn phức tạp, chưa thật thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tính công khai, minh bạch chưa được bảo đảm. Công tác thống kê, rà soát các TTHC, mẫu đơn, mẫu tờ khai, các yêu cầu và điều kiện thực hiện TTHC chưa được duy trì thường xuyên, chưa bám sát yêu cầu và thực tế đặt ra. Công tác tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về TTHC của các cơ quan, đơn vị còn hạn chế dẫn đến nhiều TTHC không phù hợp với yêu cầu quản lý, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Tình trạng cán bộ, công chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính vẫn còn phổ biến. Ðây là một trong những nguyên nhân rất cơ bản làm cho mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về công tác cải cách TTHC chưa cao.

Việc thực hiện cải cách TTHC tại các địa phương, đơn vị mặc dù đã có chương trình, kế hoạch, nhưng còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa tạo được bước đột phá mạnh mẽ. TTHC ở một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, chồng chéo, có loại TTHC hợp pháp nhưng không hợp lý, chưa phù hợp với thực tế, kể cả những "giấy phép con" do các cơ quan quản lý tự quy định; vẫn còn một số khâu trung gian; thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết không rõ hoặc đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến tình trạng để doanh nghiệp, công dân đi lại nhiều lần.

Mô hình cải cách hành chính theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" ở một số nơi còn lúng túng, nặng tính hình thức; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc chưa nhất quán, thiếu đồng bộ.

Dự phiên họp này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã phát biểu ý kiến, nhất trí cao với báo cáo kết quả giám sát và làm rõ thêm một số vấn đề được đề cập trong báo cáo, như việc thực hiện Ðề án 30, về chính sách thuế liên quan thủ tục hành chính.

Các ý kiến phát biểu của các thành viên Ủy ban Thường vụ QH cũng đánh giá cao cố gắng của Chính phủ trong việc thực hiện Ðề án 30 và cho rằng, Báo cáo giám sát khá công phu, đã đi sát vào mục tiêu đề ra.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác