Ngày 30.9, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2010 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; Báo cáo về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010 và Báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2010.
Theo Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2010, Chính phủ, các cấp, ngành đã triển khai đồng bộ và toàn diện các giải pháp PCTN, tạo sự chuyển biến trên bình diện chung và bước chuyển rõ nét trên một số mặt. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã tạo cơ sở pháp lý để triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp PCTN. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN; giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đổi mới về phương pháp, chú trọng chiều sâu. Bộ máy chỉ đạo và các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng ở Trung ương và địa phương tiếp tục được kiện toàn, hoạt động ngày càng hiệu quả. Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tiến bộ bước đầu… Tuy nhiên, một số văn bản, đề án quan trọng phục vụ cho công tác PCTN chậm được ban hành. Việc tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân trong PCTN còn hạn chế. Một số giải pháp về PCTN trong thực hiện có khó khăn, vướng mắc nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh. Việc phát hiện tham nhũng qua giám sát của các cơ quan chức năng, kiểm tra của cơ quan quản lý cấp trên, tự phát hiện của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng chậm chuyển biến…
Trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba nhấn mạnh: một số hạn chế trong việc báo cáo và đánh giá công tác PCTN đã được Ủy ban Tư pháp nêu ra năm 2009 và các năm trước vẫn chưa được Chính phủ khắc phục. Đó là, chưa nêu cụ thể những bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã làm tốt công tác PCTN hoặc còn để xảy ra nhiều vụ tham nhũng, các vụ tham nhũng nghiêm trọng; chưa xác định đầy đủ những căn cứ và tiêu chí làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đánh giá tình hình tham nhũng, hiệu quả của việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa cũng như việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trên thực tế. Báo cáo mới chỉ nêu tiến độ điều tra, xử lý các vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN giải quyết trong năm 2010 mà chưa phản ánh, đánh giá những vụ việc và tiến độ, kết quả xử lý các vụ tham nhũng phức tạp, nghiêm trọng đã được các cơ quan có thẩm quyền phối hợp xử lý trong năm 2009 và những năm trước đó chuyển sang… Đây là những vấn đề Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, bổ sung để báo cáo QH đầy đủ, toàn diện hơn. Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị, Chính phủ sớm xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá tình hình tham nhũng và công tác PCTN một cách khoa học, khách quan, bảo đảm tính chính xác và thống nhất. Nghiêm túc phân tích, kiểm điểm nguyên nhân chủ quan của những tồn tại, yếu kém như: những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách; sự lỏng lẻo trong công tác thanh tra, kiểm tra; hạn chế về năng lực và trách nhiệm của các cơ quan có trách nhiệm phát hiện và xử lý tham nhũng…
Báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2010, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết: ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị với các giải pháp đồng bộ; các cấp, các ngành, địa phương trong cả nước đã triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa duy trì tốc độ tăng trưởng. Nhờ đó, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2010 đã có nhiều chuyển biến và có hiệu quả rõ rệt, góp phần kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, hiện tượng buông lỏng quản lý gây lãng phí tiền, tài sản nhà nước, tài nguyên thiên nhiên và tình trạng lãng phí trong tiêu dùng của nhân dân vẫn diễn ra ở nhiều nơi, dưới nhiều hình thức. Một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm xây dựng và thực hiện chương trình hành động THTK, CLP. Công tác tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm THTK, CLP chưa tốt, việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo công tác chưa nghiêm.
Báo cáo thẩm tra về việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2010 do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày nêu rõ: kết quả thực hành tiết kiệm năm 2010 có bước chuyển so với năm 2009. Song việc tổ chức thực hiện các quy định của Luật THTK, CLP ở một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị vẫn còn chung chung, hình thức, thiếu cụ thể; chưa xác định được trọng tâm, trọng điểm cần tập trung tổ chức thực hiện. Trong quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên còn nhiều lãng phí. Nhiều bộ, ngành, địa phương phân bổ và giao dự toán vượt định mức, chi tiêu vượt dự toán, sử dụng sai nguồn kinh phí. Tình trạng vi phạm và lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách và vốn trái phiếu Chính phủ, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước còn lớn. Tài sản công và khoáng sản, tài nguyên, đất đai, rừng chưa được quản lý, theo dõi chặt chẽ; việc sử dụng tài sản chưa hiệu quả. Cơ chế, chính sách quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã bộc lộ nhiều bất cập nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung… Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị, việc triển khai thực hiện Luật THTK, CLP cần tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm là quản lý việc sử dụng ngân sách trong các lĩnh vực mua sắm tài sản công; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý đất đai. Đồng thời, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, hạn chế và sớm sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình mới.