Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng tới dự.
Cùng dự có nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch Nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; Lãnh đạo Đảng và Nhà nước...
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã thắp đuốc Đài lửa thiêng, khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Tiếp đó, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã làm lễ dâng hương, tri ân các vị tiền nhân đã có công xây dựng, gìn giữ và phát triển kinh thành Thăng Long xưa, Thủ đô Hà Nội ngày nay trở thành thành phố văn hiến, vì hòa bình, hữu nghị.
|
Đọc diễn văn khai mạc Đại lễ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nêu rõ: đúng 1000 năm trước, mùa thu năm Canh Tuất 1010, đức vua Lý Thái Tổ đã ban chiếu dời đô. Từ buổi bình minh dựng nghiệp lớn, từ ánh hào quang do rồng thiêng in trên sóng nước sông Hồng, đức vua đã nhìn thấy vầng dương của mặt nước. Thành Đại La ở nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng chầu hổ phục, đã đúng ngôi Nam - Bắc – Đông – Tây, lại tiện hướng nhìn sông, tựa núi. Cuộc dời đô lịch sử từ vùng đất Hoa Lư núi non trùng điệp về trung tâm châu thổ sông Hồng đã khẳng định ý chí xây nền độc lập, thống nhất quốc gia, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của nước Đại Việt. Lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội không ngừng được bồi đắp bằng những chiến công hiển hách: Bạch Đằng, Chi Lăng, Ngọc Hồi, Đống Đa, Điện Biên Phủ trên không... Văn hiến - Anh hùng - Hòa bình - Hữu nghị mãi mãi là truyền thống tốt đẹp, là giá trị cao quý của Thăng Long - Hà Nội, của dân tộc Việt Nam. Phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, Hà Nội ngày càng khởi sắc và đạt được những thành tựu to lớn về KT-XH, văn hóa..., xứng đáng là Thủ đô của Nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Thành phố Vì hòa bình, hữu nghị. Hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã cùng nhân dân cả nước tiến hành nhiều hoạt động thiết thực với niềm tự hào, lòng biết ơn và trách nhiệm lớn lao, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ phát triển KT-XH, đẩy mạnh các phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng Thủ đô và đất nước Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
|
Tại buổi lễ, Hà Nội
đã vinh dự đón nhận Bằng công nhận Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới. Phát biểu chào mừng, Tổng giám đốc UNESCO Irina Bukova bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Việt Nam trong việc gìn giữ những ký ức sống động về Thủ đô từ nghìn năm. Rất ít nước trên thế giới làm được điều này. Việc công nhận Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới mang đến cho nhân dân Việt Nam vinh dự và trách nhiệm mới. Hoàng thành Thăng Long là minh chứng sống động cho 10 thế kỷ giao lưu và giao thoa về văn hóa giữa các dân tộc châu Á. Tổng giám đốc UNESCO Irina Bukova mong rằng, câu chuyện về đức vua Lý Thái Tổ và lịch sử Thăng Long – Hà Nội sẽ tiếp tục được giới thiệu rộng rãi tới bạn bè quốc tế và lưu truyền tới các thế hệ con cháu mai sau.
Sau buổi lễ là các chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề: Hà Nội – thành phố của lịch sử truyền thống anh hùng; Thăng Long – Hà Nội - Thủ đô Văn hiến; Thăng Long – Hà Nội - Thành phố vì hòa bình; Hà Nội – thành phố của hội nhập và phát triển; Hà Nội – Trái tim của cả nước...