Tiếp tục phiên họp thứ 35, chiều 1/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật khoáng sản (sửa đổi), và cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri từ sau kỳ họp thứ 7 đến kỳ họp thứ 8. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chủ trì phiên họp.
Sau khi nghe báo cáo một số nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật khoáng sản (sửa đổi), hai vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động khoáng sản và việc chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản, chuyển nhượng quyền thăm dò khai thác khoáng sản. Đa số các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quy định chặt chẽ các nguồn thu nhằm khắc phục thất thoát nguồn thu từ hoạt động khoáng sản hiện nay. Đồng thời đề nghị quy định thu một khoản tiền khi Nhà nước cấp quyền khai thác khoáng sản đối với tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản, kể cả đối với các dự án khai thác khoáng sản đã được cấp phép trước ngày Luật này có hiệu lực. Còn về việc xác định mức thu, nhiều ý kiến đề nghị cần căn cứ vào trữ lượng, chất lượng, điều kiện khai thác khoáng sản.
Liên quan đến chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản, nhiều ý kiến cho rằng tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chỉ được chuyển nhượng quyền khai thác khi dự án đã được triển khai ở giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản và bắt đầu khai thác khoáng sản nhằm hạn chế tình trạng mua đi bán lại các dự án.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đề nghị cần có những tiêu chí cụ thể mới được phép chuyển nhượng: “Tôi cũng tán thành là phải siết chặt chuyển nhượng, vì tất cả các dự án của chúng ta đều có luận chứng kinh tế kỹ thuật mới được cấp giấy phép. Nhưng chúng ta chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu tư cơ bản và bắt đầu khai thác khoáng sản. Để cho chuyển nhượng, tôi thấy luật vẫn chưa triệt để, quan điểm của tôi là không bàn đến chuyện đầu tư, không bàn đến bắt đầu khai thác, phải có tiêu chí là đang khai thác nhưng do bất khả kháng do lý do nào đó hoặc không tiếp tục đầu tư thì lúc bấy giờ mới cho chuyển nhượng. Bởi vì hoạt động khoáng sản là hoạt động cần rất nhiều vốn và trình độ kỹ thuật rất cao”.
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là về đấu giá quyền thăm dò- khai thác khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho rằng không nên quy định về đấu giá quyền thăm dò khoáng sản vì tính rủi ro trong hoạt động này là rất cao, đồng thời đề nghị chỉ quy định về đấu giá quyền thăm dò- khai thác khoáng sản.
“Tránh tiêu cực, tránh khó khăn trong quản lý nhà nước và đảm bảo nguồn tài nguyên của đất nước, được sự sở hữu của nhân dân thì phải đấu giá quyền thăm dò, khai thác và đấu giá quyền khai thác” - ông Trần Đình Đàn nói.
Tiếp đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XII. Các vấn đề cử tri quan tâm và có nhiều kiến nghị liên quan đến lĩnh vực hoạt động điện lực; việc lập Quỹ bình ổn xăng dầu; việc thực hiện một số quy định về Bảo hiểm y tế. Liên quan đến việc giải quyết kiến nghị của cử tri về các nội dung liên quan đến lĩnh vực điện lực, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng vẫn còn một số hạn chế. Như giá bán lẻ điện sinh hoạt chưa đảm bảo nguyên tắc chỉ hỗ trợ cho người nghèo, người có thu nhập thấp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Việc đầu tư xây dựng các nhà máy điện theo quy hoạch phát triển điện lực đến năm 2010 còn chậm mới đạt 74%...
Về nguyên nhân của những tồn tại này, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng:“Công tác quản lý nhà nước về điện lực trong những năm qua còn có những khó khăn, bất cập. Trong khi phạm vi quản lý về điện lực ngày càng rộng, quy mô quản lý ngày càng lớn thì việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật điện lực lại chưa đáo ứng đầy đủ yêu cầu của hoạt động quản lý; có những vấn đề việc ban hành văn bản hướng dẫn còn chưa kịp thời, đối với những vấn đề đã được ban hành văn bản hướng dẫn thì lại có những nội dung chưa phù hợp với quy định của Luật”
Ngày mai (2/10), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; phương án phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2011; định hướng các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoàn 2011-2015 và cho ý kiến về cơ chế quản lý tài chính cho một số ngành đặc thù./.