Báo cáo của giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố tụng Hành chính do Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Lê Thi Thu Ba trình bày có 17 vấn đề cần giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, các đại biểu chỉ tập trung thảo luận 8 vấn đề chính như: kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính; những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; thời hiệu khởi kiện; khởi kiện vụ án hành chính; phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm; về quản lý nhà nước về thi hành án hành chính…
Về thẩm quyền của Tòa án giải quyết các khiếu kiện hành chính: có ý kiến đề nghị quy định theo phương án liệt kê như Điều 11 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 1998 và năm 2006), có bổ sung những khiếu kiện mới theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên qua thảo luận các đại biểu cho rằng việc quy định thẩm quyền của Tòa án giải quyết các khiếu kiện hành chính theo phương án loại trừ là phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 49 - NQ/TW ngày 02.6.2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; đồng thời, cũng phù hợp với quy định của Luật khiếu nại, tố cáo. Hơn nữa, theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì hiện nay Tòa án có thẩm quyền giải quyết hầu hết các khiếu kiện hành chính.
Đa số các đại biểu đề nghị chỉnh lý Điều 242 quy định cơ quan Thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm sau khi nhận được yêu cầu thi hành án hành chính của người khởi kiện phải ghi vào sổ theo dõi để quản lý việc thi hành án của người bị khởi kiện. Đồng thời quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của người khởi kiện, cơ quan Thi hành án dân sự phải có văn bản đôn đốc người bị kiện thực hiện bản án, quyết định của Tòa án.
Cùng với các vấn đề trên thì việc quản lý nhà nước về thi hành án hành chính cũng nhận được sự quan tâm của các đại biểu. Thực tế, công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập, không có cơ quan nhà nước nào theo dõi, thống kê, báo cáo kết quả về thi hành án hành chính cho cơ quan có thẩm quyền. Qua thảo luận, các đại biểu nhận thấy, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính quy định Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án hành chính. Tuy nhiên, thực tiễn 14 năm qua thi hành Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính cho đến nay không có cơ quan nào giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính, nên việc theo dõi, thống kê, báo cáo,… về tình hình thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, dự thảo Luật cần quy định một cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước là cần thiết. Dự thảo Luật đã quy định giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính. Quy định này dựa trên cơ sở, Luật thi hành án dân sự đã giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về thi hành án dân sự; phần dân sự trong bản án hành chính đã giao cho cơ quan thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có nhiệm vụ thi hành.
Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng khẳng định, sau 7 ngày làm việc khẩn trương tích cực với tinh trách nhiệm cao, UBTVQH đã hoàn thành các chương trình dự kiến với 4 nhóm vấn đề: Cho ý kiến về các dự án Luật (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dung; Luật Viên chức, Luật Khoáng sản sửa đổi…); Xem xét cho ý kiến về các báo cáo dự toán ngân sách nhà nước năm 2010, định hướng chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2015; báo cáo tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phong chống tội phạm…; Những vấn đề thuộc thẩm quyền của UBTVQH như thuế, hải quan; công tác giám sát và chương trình hoạt động giám sát. Chủ tịch đề nghị các UB liên quan tiếp tục hoàn thiện các dự thảo báo cáo đã được thảo luận để chuẩn bị cho kỳ họp QH tới.