Bế mạc Phiên họp thứ Ba lăm của UBTVQH

06/10/2010

*Dự án Luật Tố tụng hành chính: Quy định quản lý nhà nước về thi hành án hành chính còn đơn giản

Sáng 5.10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã bế mạc Phiên họp thứ Ba lăm.

Trước đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Tố tụng hành chính.

 

Theo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố tụng hành chính do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba trình bày, dự thảo Luật Tố tụng hành chính sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 17 chương, 264 điều. So với dự thảo trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy, dự thảo Luật trình QH xem xét thông qua lần này có thêm 4 Chương là Chương VI (Chứng minh và chứng cứ), Chương VII (Cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng), Chương XIV (Thủ tục tái thẩm), Chương XVI (Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính) và 101 Điều quy định cụ thể về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

 

Về quản lý nhà nước về thi hành án hành chính, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hiện hành quy định: Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án hành chính. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Pháp lệnh đến nay cho thấy, do không có cơ quan nào giúp Chính phủ quản lý nhà nước về thi hành án hành chính nên việc theo dõi, thống kê, báo cáo về tình hình thi hành án hành chính trong cả nước gặp rất nhiều khó khăn. Cần giao cho một cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, dự thảo Luật đã giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về thi hành án hành chính. Theo đó, cơ quan thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có nhiệm vụ đôn đốc người phải thi hành án hành chính. Điều này vừa phù hợp với tính chất của việc thi hành án hành chính vừa không phải thành lập, tổ chức thêm bộ máy mới để thi hành án hành chính.

 

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản đồng tình với quan điểm này. Song theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, nếu xử lý như dự thảo Luật thì tính khả thi chưa cao. Trong lĩnh vực nào cũng có quyết định hành chính, hành vi hành chính. Nếu giao cho Bộ Tư pháp nhiệm vụ này thì có vượt quá tầm của Bộ Tư pháp hay không? Và nếu chỉ dừng lại ở nhiệm vụ đôn đốc thì hiệu quả quản lý đến đâu? Đôn đốc rồi mà người phải thi hành án vẫn không thực hiện thì xử lý ra sao? Quy định như dự thảo Luật còn đơn giản. Phải giải quyết căn cơ hơn, phải tính đến tất cả mọi việc chứ không chỉ dừng lại ở đôn đốc - Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận đề nghị.

 

Liên quan đến thẩm quyền giải quyết của tòa án, có ý kiến cho rằng nên giao cho tòa án quân sự xét xử các khiếu kiện hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong quân đội. Quan điểm của UBTVQH cho rằng, theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì những khiếu kiện hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong quân đội do tòa án nhân dân giải quyết. Thực tiễn 12 năm hoạt động giải quyết các vụ án hành chính của ngành tòa án nhân dân cũng cho thấy, chưa có vướng mắc gì trong việc giải quyết những khiếu kiện hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong quân đội. Mặt khác, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định, tòa án quân sự chỉ có thẩm quyền xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ. Vì vậy, việc mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án quân sự đối với những vụ án khác là vấn đề lớn cần được xem xét kỹ lưỡng. Dự thảo Luật không bổ sung thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính cho tòa án quân sự. Nếu cần thiết thì sẽ quy định trong Luật Tổ chức tòa án nhân dân khi sửa đổi.

 

Tán thành quan điểm này, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị  về cải cách tư pháp đã nêu rõ: xác định hợp lý phạm vi thẩm quyền xét xử của tòa án quân sự theo hướng chủ yếu xét xử những vụ án về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, những vụ án liên quan đến bí mật quân sự…, tức là theo hướng thu hẹp thẩm quyền của tòa án quân sự. Quân đội có những đặc thù rất riêng. Để xác định đâu là quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quân đội không đơn giản. Do đó, không nên giao cho tòa án quân sự giải quyết những vụ án hành chính trong quân đội.

H.Vân

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác