Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII: Cử tri gửi gắm nhiều ý kiến tâm huyết

20/10/2010

(VOV) - Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII chính thức khai mạc sáng nay, sẽ bàn bạc, quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Quốc hội cũng tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, trong đó tăng cường tính công khai để thực sự là diễn đàn của nhân dân.

Kể từ sau kỳ họp thứ 7 và ngay trước thềm phiên họp thứ 8, các đoàn đại biểu Quốc hội trong cả nước đã tiến hành tiếp xúc cử tri, ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, từ những vấn đề dân sinh bức xúc cho đến những vấn đề trọng đại của đất nước.

 

Qua theo dõi diễn biến của kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2010, đa số ý kiến cử tri đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu trước những vấn đề lớn của đất nước. Cử tri mong muốn đại biểu Quốc hội cần thảo luận thẳng thắn, đúng trọng tâm, thể hiện rõ chính kiến, trách nhiệm trước cử tri và nói lên được nguyện vọng của  nhân dân cả nước.

 

Đối với những vấn đề kinh tế- xã hội, cử tri khu vực thành thị nêu những bức xúc về giải quyết nhà ở; nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; tăng giá một số mặt hàng thiết yếu, tình trạng thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt, cơ chế chính sách để thúc đẩy hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng và vốn, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt…

 

Cử tri Võ Giang Đông- phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình- Hà Nội nói: “Giá cả là một vấn đề rất nhạy cảm. Tuy nhiên, thời gian vừa rồi, giá tăng rất nhanh. Điều này ảnh hưởng đến chỉ tiêu của Quốc hội là kiềm chế lạm phát. Tôi cũng được nghe các phương tiện thông tin đại chúng đề cập các biện pháp để ngăn chặn lạm phát nhưng bản thân tôi thấy, vấn đề tỷ giá hiện nay cần phải xem xét lại, nhất là việc bảo vệ đồng nội tệ của mình để đảm bảo vấn đề xuất khẩu”.

 

Trong khi đó, cử tri khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa lại mong Chính phủ tiếp tục có những chính sách đầu tư mạnh hơn nữa để chuyển dịch cơ cấy cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn; tăng cường đầu tư phát triển giao thông, thủy lợi và trung tâm văn hóa làng, xã; tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Cử tri cũng kiến nghị sớm có quy hoạch chi tiết phát triển khu vực nông thôn, tránh tình trạng đường vừa xây xong lại đào lên gây lãng phí; hỗ trợ xã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, phát triển hạ tầng và quy hoạch dân cư, đồng thời có chính sách thu hút nhân tài làm việc tại cơ sở…

 

Đối với vấn đề xây dựng luật, hầu hết cử tri hoan nghênh việc Quốc hội thảo luận và xem xét những dự luật sát thực tế, phù hợp với nguyện vọng nhân dân và nhu cầu phát triển của đất nước như Luật thuế bảo vệ môi trường, Luật viên chức, Luật khoáng sản sửa đổi, luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp…

 

Tuy nhiên, để những dự luật đó nhanh chóng đi vào cuộc sống sau khi được Quốc hội thông qua, cử tri Mai Xuân Lệ ở xã Nga Thành, huyện Nga Sơn- Thanh Hoá đề nghị: “Quốc hội ra luật đồng thời cần có chương trình giáo dục luật và phổ biến pháp luật đến từng người dân. Quốc hội đã ra rất nhiều luật nhưng mà người dân không biết những luật đó có tác dụng gì, chủ yếu chỉ những người trong ngành đó hiểu”.

 

Đổi mới cách thức tiếp xúc cử tri theo phương châm mở rộng thành phần, hướng về cơ sở, phần lớn cử tri là dân; đặc biệt là việc tăng cường tiếp xúc cử tri ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số…. Phương pháp này được cử tri rất đồng tình.

 

Tất cả những trăn trở, gửi gắm của cử tri cả nước sẽ được các đại biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII bắt đầu từ sáng nay (20/10). Những đóng góp này sẽ được cụ thể hoá trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011.

 

Quốc hội dự kiến cũng sẽ ra một Nghị quyết về miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, nghe tổng kết bước một thực hiện việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nâng cao năng lực, hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, báo cáo về tình hình hoạt động của Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin)…

 

Một nội dung mới tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII được cử tri rất quan tâm là việc lần đầu tiên Quốc hội thảo luận dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XI. Về vấn đề này, ông Trần Đình Đàn- chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội cho biết: “Các đại biểu Quốc hội sẽ tham gia đóng góp vào các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI như Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội năm 2011-2015, dự thảo báo cáo chính trị của Ban chấp hành TW Đảng khoá X, cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ. Những văn kiện này sau khi được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được nhân dân đóng góp ý kiến nhưng lần này, đại biểu Quốc hội sẽ dành thời gian thoả đáng để góp ý cho văn kiện. Tôi cho rằng, đây là một điều rất đáng mừng vì các đại biểu Quốc hội chính là cầu nối giữa Đảng với dân”.

 

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XII dự kiến được tiến hành trong 32 ngày làm việc (không kể ngày nghỉ) với tổng thời gian gần một tháng rưỡi, nhiều hơn so với kỳ họp trước (chỉ làm việc 26 ngày).

Dự kiến, kỳ họp này có 46 phiên họp toàn thể; 13 phiên họp được truyền hình trực tiếp, chiếm 28% thời lượng các phiên họp toàn thể; 16 phiên họp tổ (kỳ họp trước là 10).

 

Mặc dù là kỳ họp cuối năm, Quốc hội vẫn thực hiện chương trình xây dựng pháp luật khá nặng với 9 dự án luật, một Nghị quyết dự kiến sẽ được thông qua như Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Thanh tra; Luật Tố tụng hành chính; Luật Viên chức; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân. Sửa đổi Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp.

 

Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến 9 dự án luật, gồm Luật Tố cáo; Luật Khiếu nại; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Đo lường; Luật Phòng chống buôn bán người; Luật Lưu trữ; Luật Hợp tác xã; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng dân sự và Luật Thủ đô.

 

Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011; tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010; dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ nhân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2011.

 

Cũng tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án và công tác đặc xá; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, tội phạm và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; báo cáo tổng kết công trình quan trọng quốc gia dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất./.

Hương Giang

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác