Dự án Luật Tố tụng hành chính: Bộ Tư pháp quản lý Nhà nước về thi hành án hành chính

24/10/2010

Việc quy định cụ thể trong dự thảo Luật lần này sẽ giúp khắc phục tình trạng không có cơ quan Nhà nước nào theo dõi, thống kê, báo cáo kết quả về thi hành án hành chính cho cơ quan có thẩm quyền

Sáng 23/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố tụng hành chính. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Dự án Luật Tố tụng hành chính đã được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII (tháng 6/2010). Sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, để có thêm cơ sở cho việc chỉnh lý dự thảo Luật, cơ quan chủ trì thẩm tra đã tổ chức hội thảo về dự thảo Luật Tố tụng hành chính. Sau khi được chỉnh lý một bước, dự thảo Luật Tố tụng hành chính đã được gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này.

Luật Tố tụng hành chính được chỉnh lý gồm 17 Chương và 264 Điều, quy định về những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan; trình tự thủ tục khởi kiện và giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính.

Thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Tố tụng hành chính, các đại biểu đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc của cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan. Dự thảo Luật Tố tụng hành chính trình Quốc hội xem xét thông qua gồm 17 Chương, 264 Điều, tăng hơn so với dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 là 4 Chương, 101 Điều.

Thảo luận về các Điều, Khoản trong dự thảo Luật này, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các nội dung: Khởi kiện vụ án hành chính; phát biểu của kiểm sát viên tại phiên toà; phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm; cơ chế kiến nghị và xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao (NDTC); yêu cầu thi hành án hành chính và vấn đề quản lý nhà nước về thi hành án hành chính; việc bổ sung điều 262 của dự thảo Luật này để sửa đổi điều 136 và Điều 138 của Luật Đất đai để giải quyết vấn đề không thống nhất giữa Luật Đất đai, Luật Khiếu nại tố cáo và Pháp lệnh giải quyết những vụ án hành chính trong việc giải quyết những vấn đề khiếu nại, khởi kiện về đất đai.

Đại biểu Vũ Hồng Anh (đoàn Hà Nội) đề nghị bổ sung vào Khoản 1, Điều 228 và Khoản 1, Điều 237 quy định: Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng có quyền kiến nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án NDTC vì đây là cơ chế đặc biệt, sửa sai quyết định bản án của Toà án liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước, có đối tượng là quyết định hay quy định hành chính. Bộ trưởng Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ trong việc bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất của các văn bản do Chính phủ và các cơ quan Chính phủ ban hành, trong đó có các quyết định hành chính.

Bên cạnh đó, theo quy định của Khoản 2, Điều 229 và Khoản 2, Điều 238, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trong thành phần phiên họp của Hội đồng thẩm phán để xem xét lại quyết định của Hội đồng này. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp còn là người lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước về thi hành án hành chính theo quy định của khoản 2, điều 244 dự án Luật này. Trên cương vị đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có điều kiện tiếp cận với bản án, quyết định của Toà án. Khi phát hiện có sai lầm thì Bộ trưởng có thể kiến nghị ngay mà không cần phải thông qua Chánh án Toà án NDTC, hoặc đề nghị với Viện trưởng Viện Kiểm sát NDTC. Quy định này cũng đảm bảo cho người dân có thêm một địa chỉ gửi đơn thư trong nỗ lực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Về quy định phát biểu của kiểm sát viên, đại biểu Lê Minh Hiền (đoàn Khánh Hoà) cho rằng, nếu dự thảo Luật không quy định cụ thể về nội dung phát biểu của kiểm sát viên sẽ dẫn đến tình trạng kiểm sát viên khi tham gia phiên toà thiếu căn cứ đề nêu quan điểm cụ thể về đường lối giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện. Trong trường hợp đã có kháng cáo, kháng nghị hoặc khiếu nại thì việc xem xét vụ án ở trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm sẽ gặp khó khăn.

Đại biểu đề nghị, dự thảo cần quy định cụ thể về nội dung phát biểu của Viện Kiểm sát tại phát biểu trong phiên toà hành chính là nội dung gì? Chỉ là tố tụng và nội dung hay chỉ phát biểu về tố tụng? Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) cũng đồng tình với ý kiến này và cho rằng, kiểm sát viên tại phiên toà nên phát biểu cả về phần nội dung.

Trái với các ý kiến trên, đại biểu Vũ Hồng Anh (đoàn Hà Nội) lại cho rằng, Điều 161 quy định về phát biểu của kiểm sát viên: “Tại phiên toà sơ thẩm, kiểm sát viên chỉ nên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của người thi hành tố tụng, người tham gia tố tụng, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án” là hợp lý.

Đại biểu cho rằng, kiểm sát viên không nên phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án. Quy định như vậy sẽ phù hợp với vai trò kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm tính độc lập của thẩm phán trong hoạt động xét xử cũng như tính khách quan của phiên toà.

Tại phiên toà phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, kiểm sát viên có thể phát biểu cả về nội dung vụ án và việc tuân theo pháp luật của người thi hành tố tụng, người tham gia tố tụng. Việc phát biểu của kiểm sát viên lúc này một mặt để kiểm sát hoạt động tư pháp, mặt khác nhằm bảo vệ quyết định kháng nghị trong trường hợp Viện Kiểm sát có kháng nghị.

Về việc phân định thẩm quyền giữa các cấp Toà án, đại biểu Võ Thị Thuý Loan (đoàn Tiền Giang) cho rằng: Dự thảo Luật không có khoản nào quy định rõ thẩm quyền của Toà án NDTC mà chỉ quy định thẩm quyền của Toà án cấp tỉnh, huyện. Điều này sẽ gây ra sự hiểu lầm cho người đọc, mặc dù trong giới luật học vẫn biết thẩm quyền đó của Toà án NDTC, nhưng đối với người dân khi đọc luật sẽ thấy trong toàn văn Luật này không có điều khoản nào quy định thẩm quyền của Toà án NDTC. Do vậy, Luật nên có khoản chỉ rõ, Toà án NDTC không chỉ là cấp phúc thẩm, mà còn là cấp giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các quyết định giải quyết vụ án hành chính của các toà án nhân dân các cấp.

Về chức năng quản lý Nhà nước trong việc thi hành án, đại biểu Mã Điền Cư (đoàn Quảng Ngãi) cũng đồng ý với nhiều đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nên giao cho Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc quản lý nhà nước về thi hành án, giao cho cơ quan thi hành án cấp trên giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện.

Chiều 23/10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thanh tra (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật trên./.

 

 

Mạnh Hùng

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác