Chiều 23/10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường nghe Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Các đại biểu cũng thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Quốc hội lần này gồm 7 Chương, 75 Điều quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra Nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan thanh tra Nhà nước, người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra; trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra; quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra; điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra Nhà nước; tổ chức và hoạt động thanh tra nhân dân.
Thảo luận tại Hội trường về dự thảo này, các đại biểu tập trung vào các nội dung: địa vị pháp lý và nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan thanh tra Nhà nước; tổ chức thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ; trình tự và thủ tục của hoat động thanh tra; trách nhiệm trong hoạt động thanh tra.
Cơ quan thanh tra phải có tính độc lập tương đối
Đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu đã phát biểu trước, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, cơ quan thanh tra phải có địa vị pháp lý độc lập, có như vậy, thanh tra mới phát huy được tác dụng của mình. “Tôi quan niệm, thanh tra như một cái phanh của bộ máy”, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết ví von.
Tuy nhiên, để thanh tra có thể hoạt động độc lập lại vướng vào Khoản 7, Điều 112 của Hiến pháp. Do vậy, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cũng đồng tình với giải pháp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng như Ban soạn thảo đưa ra là “Cần phải đổi mới từng bước tổ chức và hoạt động thanh tra theo hướng tuy vẫn gắn với hoạt động quản lý Nhà nước, nhưng có tính độc lập tương đối”. Đây cũng là ý kiến của đại biểu Phạm Phương Thảo (đoàn TP HCM).
Về tổ chức thanh tra chuyên ngành, đại biểu Đặng Huyền Thái (đoàn Hà Nội), đại biểu Trần Đình Nhã (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đều cho rằng, không nên tổ chức thanh tra chuyên ngành độc lập. Theo đại biểu Đặng Huyền Thái, nên giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành cho cơ quan quản lý ngành trực tiếp thực hiện, vì thực tế, các cơ quan quản lý ngành hiện nay bắt buộc phải thực hiện nhiệm vụ này, để làm tốt trách nhiệm của Bộ, ngành. Do đó, các cơ quan phải sắp xếp lại bộ máy và bố trí lực lượng chuyên môn nhất định để làm công tác thanh tra. Theo đại biểu, như vậy sẽ giảm bớt và hạn chế việc tăng thêm bộ máy tổ chức cán bộ mới và sẽ phải sử dụng tốt hơn lực lượng và khả năng chuyên môn của Bộ, ngành mình.
Các đại biểu đồng tình đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không quy định thành lập thanh tra khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất và không quy định thanh tra xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn mà để cho các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện nhiệm vụ này theo quy định của pháp luật về xây dựng. Bởi trên thực tế, tổ chức thí điểm mô hình thành lập thanh tra xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn ở Hà Nội và TP HCM cho thấy, riêng biên chế cho đội ngũ thanh tra xây dựng này trong một quận cũng lên tới hàng trăm người, đã tạo nên sự bất hợp lý và tốn kém trong tổ chức bộ máy, biên chế ở cấp huyện, xã.
Nâng cao vai trò của Ban thanh tra nhân dân
Về thanh tra nhân dân, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ lại trong Luật thanh tra (sửa đổi) những quy định về thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra hiện hành để đảm bảo ổn định tổ chức và hoạt động của Thanh tra nhân dân – một phương thức quan trọng bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang đặt ra nhiệm vụ là nâng cao vai trò của Ban thanh tra nhân dân trong cơ quan Nhà nước nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) nhấn mạnh: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cần tổng kết đánh gia thực hiện Luật Thanh tra 2004 và Nghị định 99 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ở các cơ quan đơn vị và thanh tra nhân dân ở các xã phường thị trấn. Bởi trên thực tế, nhiều Ban thanh tra nhân dân được thành lập nhưng hoạt động còn gặp nhiều khó khăn do Luật quy định chưa rõ ràng và thiếu cụ thể về chế độ chính sách, phương tiện, kinh phí./.