Các ý kiến phát biểu thống nhất cao với nội dung các văn kiện nói trên, đánh giá cao những thành tựu quan trọng mà toàn Ðảng, toàn dân ta đã nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Ðại hội lần thứ X của Ðảng đề ra. Khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối của Ðảng đối với cách mạng Việt Nam và công cuộc đổi mới, là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Ðồng thời, các đại biểu QH cũng đóng góp nhiều ý kiến cụ thể vào các văn kiện trình Ðại hội XI.
Phát triển kinh tế đồng thời đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Ðánh giá cao những thành tựu nền kinh tế nước ta đã đạt được, đó là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh ba khâu đột phá chiến lược phát triển kinh tế gồm thể chế kinh tế, nhân lực, cơ sở hạ tầng. Trong đó, theo đại biểu này, thể chế kinh tế là quan trọng nhất, góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đang tiếp tục được xây dựng. Ðại biểu Trần Du Lịch cho rằng, trong 20 năm qua, giai đoạn nào thể chế kinh tế có nhiều đổi mới thì nền kinh tế phát triển hiệu quả và đề nghị Ðại hội XI của Ðảng cần kiểm điểm xem năm năm qua đã làm được gì, những vấn đề nào còn hạn chế, thiếu sót để từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời. Cùng với phát triển công nghiệp, trong 10 năm tới phải chú ý vấn đề 'tam nông'. Phấn đấu giảm lao động trong nông nghiệp, biến nông dân thành thị dân, làm nông nghiệp sang phi nông nghiệp phải chú ý tới vấn đề đào tạo, chuyển đổi ngành nghề, môi trường sống trong quá trình đô thị hóa. Ðại biểu Ngô Minh Hồng (TP Hồ Chí Minh) cũng khẳng định, tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn là chủ trương đúng đắn, góp phần giảm bớt khoảng cách giàu nghèo. Sau khi dẫn chứng việc lúng túng trong khâu thu gom, trữ các sản phẩm nông nghiệp sau mỗi vụ thu hoạch để dự trữ lương thực và bán ra thị trường lúc giá tăng cao, đại biểu Ngô Minh Hồng nêu rõ những hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện để cụ thể hóa một chủ trương và vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải trong khi điều kiện, nguồn lực quốc gia có hạn.
Nhiều đại biểu đồng tình với đánh giá về hạn chế, khuyết điểm nêu trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa X trình Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng, là 'tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhân dân và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi'; 'tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, huân chương chưa được ngăn chặn, đẩy lùi'. Ðại biểu Nguyễn Ðăng Trừng (TP Hồ Chí Minh) phân tích về mối quan hệ giữa tụt hậu kinh tế, kém phát triển với nạn tham nhũng, và cho rằng, nạn tham nhũng ai cũng thấy rõ, nhưng giải quyết chưa hiệu quả, chưa triệt để. Nếu không giải quyết được tham nhũng, không giải quyết được vấn đề cạnh tranh lành mạnh, sẽ kìm hãm sự phát triển. Một số đại biểu nhận định, tình trạng tham nhũng đã nói nhiều ở những kỳ đại hội trước nhưng ngày nay càng tinh vi, biến tướng ở nhiều dạng, phát hiện năm sau nhiều hơn năm trước.
Một số đại biểu đề cập tình trạng lãng phí như việc thi công cho kịp tiến độ hoàn thành các công trình chào mừng các dịp lễ, kỷ niệm, sau đó lại phải gia cố. Có ý kiến đề cập tình trạng doanh nghiệp vay vốn ngân hàng phải 'lại quả', khó tiếp cận nguồn vốn.
Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế nói trên, nhiều đại biểu đề nghị trong cương lĩnh cần nêu rõ, phải xác định xây dựng con người XHCN làm trung tâm chiến lược phát triển và chú trọng tiết kiệm, phòng, chống và đẩy lùi nạn tham ô, lãng phí. Ðại biểu Nguyễn Thanh Tân (Hà Tĩnh) kiến nghị cần xây dựng Luật Quản lý vốn, tài sản của Nhà nước để tránh thất thoát, cần có cơ chế và xây dựng hành lang pháp lý cho các tập đoàn bảo đảm hoạt động hiệu quả, tránh hiện tượng như VINASHIN. Ðại biểu Nguyễn Văn Bé (TP Hồ Chí Minh) đề nghị trong cương lĩnh cần nêu rõ các mục tiêu và tiêu chí trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2020 và toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân phải quyết tâm thực hiện để đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HÐH đất nước, tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng trong lĩnh vực chống tham nhũng, lãng phí nhằm củng cố lòng tin của nhân dân đối với Ðảng. Một số đại biểu cho rằng, cần phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình trong mỗi đảng viên; trên thực tế thời gian qua việc phê bình vẫn còn chưa mạnh dạn, thẳng thắn, còn tình trạng nể nang, do đó nhiều vụ việc không được phát hiện ngay từ cơ sở, chỉ khi có cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra vào cuộc mới phát hiện ra. Mỗi đảng viên phải dám nhìn thẳng vào sự thật, sửa chữa khuyết điểm. Khi 'ý Ðảng, lòng dân' gắn bó thì khó khăn đến đâu cũng vượt qua.
Một vấn đề nóng bỏng mà một số đại biểu đề cập là tình trạng khiếu kiện trong đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng, gây bức xúc trong dư luận. Ðại biểu Lê Thành Tâm (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, mặc dù chúng ta đang nỗ lực thực hiện cải cách hành chính nhưng thực tế, vẫn có cán bộ thực thi giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai làm không đúng, không công bằng, đẩy người dân mất tư liệu sản xuất, cuộc sống càng khó khăn hơn, dẫn đến tình trạng khiếu kiện. Do đó, đại biểu này đề nghị cùng với đẩy lùi nạn quan liêu, tham nhũng, phải làm tốt việc thực thi công bằng xã hội. Ðại biểu Tất Thành Cang (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, vấn đề đất đai là vấn đề lớn, cần có giải pháp điều tiết lại quyền lợi của các nhà đầu tư, kinh doanh địa ốc với người dân bị thu hồi đất, bảo đảm công bằng, đỡ thiệt thòi cho người dân.
Tăng cường đầu tư phát triển y tế, giáo dục
Nhiều đại biểu quan tâm và góp ý kiến về hai lĩnh vực y tế và giáo dục. Theo định hướng phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội và đẩy mạnh chăm sóc y tế đối với nhân dân, đến năm 2020 phấn đấu tất cả xã, phường trong cả nước có bác sĩ. Tuy nhiên, hiện nay chênh lệch về đời sống của nhân dân giữa các vùng miền còn rất lớn, trong đó có chênh lệch về dịch vụ chăm sóc y tế. Nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù, Ðảng và Nhà nước có nhiều cố gắng, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nhưng người dân khu vực nông thôn, miền núi ít được hưởng phúc lợi xã hội. Tình trạng quá tải các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương thời gian qua phần nào cho thấy chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến xã, huyện chưa đáp ứng nhu cầu người dân. Nhiều đại biểu đề nghị, nên đưa ra định hướng và mục tiêu cụ thể cho từng vùng, miền. Tránh định hướng mục tiêu chung chung trong phát triển mạng lưới y tế.
Về lĩnh vực giáo dục, nhiều đại biểu đồng tình với việc nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao như dự thảo văn kiện. Tuy nhiên, cần có chính sách cụ thể và phát triển phù hợp điều kiện, đặc thù đối với từng vùng, miền. Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trước hết phải đổi mới giáo dục để đưa ra thị trường nguồn lao động chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Theo đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), thực tế cho thấy, sự liên kết giữa ngành giáo dục và ngành lao động thời gian qua chưa chặt chẽ, khiến người lao động và doanh nghiệp 'không gặp được nhau'. Trong khi những ngành đòi hỏi lao động có trình độ cao, đặc thù vẫn thiếu lao động trầm trọng, thì lao động phổ thông vẫn thất nghiệp với số lượng lớn. Các đại biểu đề nghị, văn kiện cần đưa ra định hướng cụ thể, trong đó công tác đào tạo lao động phải xuất phát từ nhu cầu thật sự của thị trường lao động, nhất là trong quá trình CNH, HÐH. Tăng cường đào tạo con em dân tộc thiểu số và có chính sách đãi ngộ tốt, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội.
Liên quan tính khả thi của mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam) đề nghị Ðảng và Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách để tập hợp quần chúng nhân dân, những người trực tiếp thực hiện các mục tiêu; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới ngọn cờ lãnh đạo của Ðảng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Cương lĩnh đề ra.
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, các đại biểu đề nghị, cùng với công tác xây dựng Ðảng, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng phát triển kinh tế - xã hội, cần có chính sách bảo tồn các di sản văn hóa, nghệ thuật, khuyến khích tìm tòi có chọn lọc nhằm xây dựng nền văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Coi trọng bảo vệ môi trường, trồng và phát triển rừng; ứng phó với thiên tai nhằm giảm thấp nhất thiệt hại. Môi trường là vấn đề ngày càng được quan tâm, theo một số đại biểu, hiện sự xâm hại môi trường đang ở mức báo động. Do vậy, Ðảng và Nhà nước cần quan tâm và có chính sách cụ thể để bảo vệ môi trường, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững. Muốn như vậy, phải có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ ngay từ khâu lập dự án đầu tư, thi công, vận hành, khai thác.
Chú trọng xây dựng và chỉnh đốn Ðảng
Liên quan công tác xây dựng Ðảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, đại biểu Nguyễn Thanh Tân (Hà Tĩnh) phân tích, bên cạnh những thuận lợi, đất nước đang phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn, khó lường do tác động từ bên ngoài, lòng tin của một bộ phận nhân dân đối với sự lãnh đạo của Ðảng trong chừng mực nào đó giảm sút. Xây dựng và chỉnh đốn Ðảng tưởng là bài học từ nhiều năm nay nhưng trong điều kiện hiện nay vẫn luôn mới. Chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Ðảng có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện cương lĩnh, nếu buông lỏng sẽ làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Ðảng. Ðại biểu Trần Hoàng Thám (TP Hồ Chí Minh) kiến nghị, trong Báo cáo Chính trị cần có phần đánh giá kỹ, chuyên sâu về công tác xây dựng Ðảng, nhất là trong tình hình cơ chế thị trường hiện nay, chỉ rõ những ưu điểm cũng như khuyết điểm, hạn chế. Nhiều đại biểu đề nghị, mỗi đảng viên cần thực hiện tốt cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh', góp phần đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.
Một số đại biểu cho rằng việc công tác kết nạp đảng viên trẻ còn hạn chế, trong khi phần lớn thanh niên có nguyện vọng vào Ðảng. Có tình trạng chưa quan tâm giao nhiệm vụ, bồi dưỡng lớp trẻ. Ðảng phải quan tâm, đầu tư tốt hơn cho tổ chức đoàn thanh niên để tạo điều kiện cho nhiều bạn trẻ phấn đấu, được kết nạp Ðảng. Về việc thực hiện thí điểm kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân vào Ðảng, nhiều đại biểu đồng tình bởi những người này đã tạo việc làm cho người khác, có cống hiến cho xã hội và mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Ðảng và đủ tiêu chuẩn thì nên kết nạp họ.
Về phương hướng xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, có năng lực, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới và tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước, một số ý kiến cho rằng, tổ chức bộ máy Nhà nước chưa có mô hình tối ưu, cho nên gặp vướng mắc khi vận hành, thậm chí kém hiệu quả; văn bản pháp luật chồng chéo. Trong cương lĩnh cần xác định mô hình bộ máy Nhà nước hiệu quả. Việc tổng kết, đánh giá thí điểm thực hiện chủ trương không tổ chức HÐND huyện, quận, phường; bầu trực tiếp bí thư cần thận trọng. Nhiều đại biểu đề nghị đầu tư hơn nữa cho an ninh, quốc phòng.