Chiều 2/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011. Các đại biểu tiếp tục phân tích kỹ về những thành tựu đã đạt được trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ, cũng như một số mặt hạn chế, tồn tại cần khắc phục để thực hiện tốt hơn kế hoạch đặt ra cho năm 2011.
Là đại biểu phát biểu cuối cùng trong phiên thảo luận kéo dài 2 ngày qua, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hồng (đoàn Thừa Thiên - Huế) bày tỏ sự tán thành với những ý kiến sâu sắc của các đại biểu đã phát biểu trước đó. Đại biểu cũng đánh giá cao cách điều hành của chủ toạ phiên họp, cùng với phát biểu của đại biểu Quốc hội, đã mời thêm các vị Bộ trưởng, trưởng ngành cùng trao đổi, làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu, cử tri quan tâm. Cách làm này làm cho Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có sự trao đổi thông tin tạo hiệu quả lớn cho các phiên thảo luận.
Qua 2 ngày thảo luận về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, đã có 79 đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội trường, chủ toạ phiên họp cũng đã mời 7 vị Bộ trưởng, trưởng ngành giải trình thêm những vấn đề mà các đại biểu quan tâm.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, sau phiên thảo luận này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2011 xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp cuối của Kỳ họp lần này.
Đánh giá về phiên thảo luận 2 ngày qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, hoạt động của Quốc hội nói chung và của các đại biểu Quốc hội nói riêng thực sự dân chủ, trách nhiệm và tâm huyết.
Qua 2 ngày thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí cho rằng, trong điều kiện quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, về cơ bản, chúng ta đã đạt được mục tiêu chung. Tổng thể vĩ mô ổn định, kinh tế phục hồi nhanh, tăng cao hơn kế hoach đề ra. Bằng nguồn vốn Nhà nước và các nguồn lực khác, chúng ta đã đầu tư tốt cho phúc lợi và an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh chính trị và xã hội được bảo đảm, ngoại giao được mở rộng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh những thành quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, trong đó nổi lên là tính ổn định của nền kinh tế chưa vững chắc, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, lạm phát, giá cả nhiều mặt hàng đã tăng ở mức cao, đời sống của nhân dân lao động chưa được cải thiện nhiều… quản lý nguồn lực nhà nước chưa chặt chẽ, việc sử dụng chi tiêu công còn cao, chống tham nhũng chưa triệt để.
Đi vào cụ thể từng vấn đề, các đại biểu cho rằng, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa đủ tầm và tương xứng với vị trí, vai trò chiến lược của khu vực này, do vậy mặc dù đạt nhiều thành tựu nhưng vẫn là khu vực phát triển chậm, đời sống nông dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.
“Nhìn lại thực tiễn thời gian qua ở nước ta, vấn đề cốt lõi, quyết định là trách nhiệm phải cao, tâm phải sáng của người được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao nhiệm vụ. Các vị đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội yêu cầu, việc cống hiến, đóng góp, cũng như khuyết điểm, sai lầm cần được xác định rõ đâu là của tập thể và đâu là của cá nhân, không nên nói do cơ chế, pháp luật, tập thể một cách chung chung”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận.
Đối với dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011, đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với những dự báo, bối cảnh trong năm 2011. Cần phải theo dõi, cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác hơn, phân tích sâu sắc tình hình trong và ngoài nước để có sự điều chỉnh, định hướng về biện pháp, cơ chế chính sách kịp thời và hợp lý.
Về phương hướng, mục tiêu tổng quát, ý kiến chung của các đại biểu nhất trí với những nội hàm cơ bản nêu trong Tờ trình của Chính phủ, ý kiến các cơ quan của Quốc hội. Các đại biểu chỉ nhấn mạnh, mục tiêu nào cần được ưu tiên hơn trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011.
Trong chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội năm 2011, các đại biểu đề nghị, bằng các chủ trương, biện pháp, cơ chế chính sách mạnh mẽ hơn để tạo ra bước chuyển biến mang tính đột phá về cơ sở hạ tầng, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, việc làm, đời sống vật chất tinh thần… trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân tương xứng với vai trò và vị trí chiến lược của khu vực này.
Các đại biểu cũng đề nghị cần tạo môi trường bình đẳng và trên thực tế giữa các thành phần kinh tế. Tăng cường sức mạnh, phát triển bền vững của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trên cơ sở rà soát, đánh giá kỹ, chấn chỉnh một cách toàn diện, sắp xếp lại căn bản, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đi đôi với đó, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước.
Theo chương trình làm việc, sáng 3/11, các đại biểu tiếp tục làm việc tại Hội trường thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011./.