Theo đánh giá chung, các mặt công tác của ngành kiểm sát như thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự; giải quyết các vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính; kiểm sát thi hành án; kiểm sát thi hành án dân sự... đều có những chuyển biến tích cực. Theo Báo cáo của VKSTC thì tuy số vụ án khởi tố điều tra có giảm hơn so với năm 2009, nhưng tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn có những diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng, đối tượng phạm tội ngày càng đa dạng; tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm do người nước ngoài thực hiện xảy ra ngày càng nhiều; các tranh chấp kinh tế, dân sự, kinh doanh, thương mại... tăng về số vụ và phức tạp về tính chất; nhiều vụ do không giải quyết được kịp thời, triệt để dẫn đến các vụ án hình sự. Đồng thời, trong việc thực hiện còn tồn tại những yếu kém như kiểm sát việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can chưa chặt chẽ, việc phê chuẩn các quyết định áp dụng, thay đổi các biện pháp ngăn ngừa chưa chính xác; trình độ kỹ năng thực hành quyền công tố của một số kiểm sát viên còn hạn chế...
Từ những kết quả này, VKSNDTC đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục triển khai thực hiện kết luận 79 - KL/TƯ ngày 28.7.2010 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án, Viện kiểm sát và cơ quan điều tra; trọng tâm là sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002; Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2002; xây dựng Luật Tổ chức điều tra hình sự; chỉ đạo thực hiện các dự án sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, công tác xét xử và thi hành án.
Đồng tình với những kết quả đã đạt được, tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra của UB Tư pháp thì báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC chưa đi đánh giá sâu về việc bồi thường khi bị oan sai; kiểm sát việc tuân theo pháp luật; đồng thời công tác thực hiện quyền công tố trong các giai đoạn, nhất là giai đoạn điều tra còn nhiều hạn chế; công tác quản lý nhà giam có thiếu sót khi còn có hiện tượng tự sát trong trại giam; việc tham gia của luật sư, người đại diện hợp pháp chưa được ngành kiểm sát chú trọng... UB Tư pháp đề nghị, Viện KSNDTC cần có đánh giá nghiêm túc về vấn đề trên.
Điểm nổi bật cũng là vấn đề lớn nhất của thi hành án chính là số vụ việc tồn đọng chuyển từ năm trước sang năm sau còn khá lớn: năm 2008 còn 336.774 vụ việc tồn đọng từ năm trước chuyển sang với giá trị tiền 15.436 tỷ đồng; năm 2009 còn 336.594 vụ việc tồn đọng từ năm trước chuyển sang với giá trị tiền 19.061 tỷ đồng; đầu năm 2010 còn 186.421 vụ việc tồn đọng từ năm 2009 chuyển sang với giá trị tiền 17.518 tỷ đồng. Đáng lưu ý là trong số vụ việc tồn đọng có số lượng lớn vụ việc được xác định có điều kiện, nhưng chưa được thi hành. Hơn nữa, phân loại án có điều kiện thi hành và không có điều kiện thi hành chưa chính xác. Theo báo cáo của VKSNDTC, kết quả kiểm sát 2 năm (2008 - 2009) qua cho thấy, có 1.338 trường hợp chưa tiến hành xác minh (5,2%) và 1.021 trường hợp có điều kiện thi hành án (4%) trên 25.844 việc đã được kiểm sát nhưng vẫn được cơ quan THADS xếp loại án chưa có điều kiện thi hành. Bên cạnh án tồn đọng thì công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong THADS vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: tình trạng giải quyết khiếu nại không đúng thời hạn do luật định hoặc người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không ra quyết định giải quyết khiếu nại theo đúng quy định của Luật THADS vẫn còn xảy ra ở các cơ quan THADS; một số trường hợp việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa làm rõ được những sai phạm của người bị khiếu nại, tố cáo, nên các sai phạm của thủ trưởng, chấp hành viên, công chức cơ quan THADS không được xử lý kịp thời dẫn đến khiếu nại vượt cấp, khiếu nại bức xúc kéo dài.
UB Tư pháp cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về thi hành án hình sự từ chế độ dành cho phạm nhân, tổ chức thi hành án tử hình, tổ chức tái hoà nhập cộng đồng cho người được đặc xá... Tuy nhiên công tác này còn nhiều vấn đề yêu cầu tiếp tục được chú trọng như chế độ đối với người phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi trong tù, chuyển hình thức thi hành án tử hình...
Theo báo cáo công tác năm 2010 của TANDTC thì tính từ ngày 1.10.2009 - 31.7.2010, toàn ngành đã giải quyết được 201.000/258.000 vụ đạt 79%. Số vụ án còn lại mới thụ lý và đang được tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật, so với cùng kỳ, số vụ án thụ lý giảm 4.276 vụ bằng 1,6%, chủ yếu là các vụ án hình sự. Trong năm qua, toà án đã tăng cường công tác xét xử đối với các tội phạm về tham nhũng, trong đó có một số vụ án trọng điểm, đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh với các loại tội phạm hiện nay. Năm 2010, ngành toàn án nhân dân đã nghiêm túc triển khai thực hiện các đợt cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý và phòng chống buôn bán người. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng các toà án địa phương đã quan tâm tổ chức các phiên toà lưu động và đã xét xử được trên 5.000 vụ án hình sự, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần đấu tranh phòng chống tội phạm...
Theo đánh giá của UB Tư pháp về báo cáo của TANDTC thì báo cáo này chưa phân tích đánh giá kết quả xét xử, đặc biệt là chưa phân loại các loại án xét xử (hành chính, hình sự, hôn nhân gia đình...). Ngoài ra, báo cáo của UB Tư pháp cũng chỉ ra hiện tượng vẫn còn hàng nghìn vụ án chậm xét xử nhưng chưa có biện pháp khắc phục kịp thời; các khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm còn nhiều, chậm gửi bản án quyết định cho cơ quan kiểm sát, nhiều bản án tuyên không rõ ràng... Đây là những vấn đề đã được UB Tư pháp đề nghị TANDTC giải quyết nhiều lần nhưng chưa được giải quyết triệt để. Đặc biệt, năng lực chuyên môn cũng như đạo đức làm nghề của một số thẩm phán đang là vấn đề được dư luận quan tâm nhưng chưa được TANDTC có hướng giải quyết ảnh hưởng đến công cuộc cải cách tư pháp.
Chiều nay, QH thảo luận về các báo cáo trên.