Tiếp tục nâng cao nhận thức phòng chống tham nhũng

06/11/2010

(VOV) - Tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi vẫn là nỗi bức xúc quan tâm của toàn xã hội

Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội trường

Chiều 5/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án.... trong đó kết hợp thảo luận về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010.

 

Đa số các đại biểu đồng tình và tâm đắc với nhiều nội dung báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc hội. Các đại biểu cho rằng, các báo này là rất thẳng thắn, xác đáng phù hợp với thực tế tình hình.

 

Đóng góp các ý kiến về công tác phòng chống tham nhũng năm 2010, đại biểu Đặng Văn Xướng (đoàn Long An), đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) cho rằng, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi vẫn là nỗi bức xúc quan tâm của toàn xã hội. Chống tham nhũng vẫn còn hạn chế, yếu kém. Không ít trường hợp không phát hiện kịp thời, xử lý chưa nghiêm, nhất là xử lý người đứng đầu. Bên cạnh đó, công tác tự phát hiện tham nhũng, lãng phí của các cơ quan, tổ chức đơn vị vẫn còn yếu.

 

Các đại biểu đồng tình với đánh giá của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về tình hình tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, phức tạp, trong khi đó công tác phát hiện còn ít, chưa tương xứng với tình hình và yêu cầu đấu tranh chống tham nhũng. Đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) nêu vấn đề phiên tòa xét xử vụ công ty ITC kiện báo Nông nghiệp Việt Nam. Đại biểu cho rằng nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã kiên cường đấu tranh chống tham nhũng trong 6 năm nhưng kết cục Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên một bản án đi ngược với công lý và sự mong chờ của dư luận cả nước.

 

Theo  đại biểu Đặng Văn Xướng (đoàn Long An), năm 2010 một số địa phương phát hiện và xử lý tham nhũng còn ít, cá biệt có địa phương không phát hiện và xử lý một vụ tham nhũng nào. Đại biểu đặt nghi vấn, tình hình có tốt như vậy không? Còn bao nhiêu vụ tham nhũng khác mà nhiều địa phương chưa phát hiện và xử lý?. Hơn nữa, số vụ tham nhũng phát hiện được chủ yếu là ở các xã, phường. Phải chăng càng lên cấp cao, tham nhũng càng giảm mạnh hay do tham nhũng ở cấp càng cao thì quy mô tính chất nghiêm trọng, thủ đoạn phức tạp tinh vi, tổn thất càng lớn và dính dáng đến nhiều cấp, nhiều người nên càng khó phát hiện xử lý hơn?

 

Cũng theo đại biểu, công tác tự kiểm tra phát hiện còn yếu, mới chỉ có 25 cơ quan tự kiểm tra nội bộ phát hiện được hành vi tham nhũng… thì hiệu quả của công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán như vừa qua là chưa cao. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần cân nhắc trong việc đánh giá tình hình tham nhũng trong năm 2010 vì đây là việc quan trọng để có biện pháp hiệu quả trong năm 2011. Đại biểu đồng tình và cho rằng nhiệm vụ thời gian tới là cần tiếp tục nâng cao nhận thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân mà cốt lõi là củng cố nâng lên thành niềm tin, không để cán bộ, đảng viên, nhân dân hoài nghi thờ ơ với quyết tâm chính trị mục tiêu ngăn ngừa tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

 

Về công tác phòng ngừa chống vi phạm pháp luật và tội phạm, đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) cho rằng, việc quản lý văn hóa xã hội thiếu chặt chẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình vi phạm pháp luật  và tội phạm gia tăng. Theo đại biểu, cần tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh có điều kiện dễ vi phạm pháp luật như quản lý kinh doanh games online, hoạt động biểu diễn nghệ thuật và trình diễn… là những lĩnh vực nhạy cảm và ảnh hưởng trực tiếp đến giới trẻ.

 

Góp ý kiến về chất lượng hoạt động của ngành công an, tòa án, kiểm sát và thi hành án đại biểu Nguyễn Đình Xuân (đoàn Tây Ninh) cho rằng, những hoạt động này so với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước thì chưa tương xứng, đặc biệt so với yêu cầu xây dựng một Nhà nước pháp quyền. Một trong những nguyên nhân là do chế độ đãi ngộ của những ngành này hiện nay là quá thấp dẫn đến không thu hút chất xám vào ngành. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Nhà nước nhanh chóng xem xét tăng chế độ đãi ngộ để giữ được đội ngũ cán bộ có chất lượng  trong các ngành này.

 

Cho ý kiến về hình sự hóa quan hệ dân sự kinh tế hành chính, đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) và một số đại biểu khác cho rằng việc cơ quan tố tụng áp dụng pháp luật hình sự để giải quyết tranh chấp dân sự kinh tế, hành chính để giải quyết. Việc áp dụng như vậy dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là oan sai trong lĩnh vực hình sự. Theo đại biểu, phần lớn các vụ oan sai thời gian qua là do hình sự hóa.

 

Về nguyên nhân hình sự hóa, theo đại biểu là do quy định tại bộ Luật Hình sự có những tội danh quy định rất dễ gây nhầm lẫn với quan hệ kinh tế hành chính với quan hệ hình sự. Việc xác định cụ thể vẫn phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của người tiến hành tố tụng nên nhiều trường hợp cùng một vụ nhưng những đánh giá của từng cơ quan khác nhau.

 

Về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo, đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hóa) kiến nghị vụ việc liên quan đến giải quyết của Bộ Giáo dục – Đào tạo, Thanh tra Chính phủ tồn đọng kéo dài nhiều năm nay đến nay chưa được giải quyết dứt điểm. Trong vụ đơn thư nặc danh gây mất đoàn kết nội bộ tại trường dự bị Đại học dân tộc Sầm Sơn và miễn nhiễm chức vụ Phó Hiệu trưởng trường dự bị Đại học dân tộc Sầm Sơn với ông Lê Văn Sáng, việc ông Sáng nhiều lần có đơn khiếu nại Quyết định miễn nhiệm của Bộ Giáo dục-Đào tạo là có cơ sở. Việc chậm giải quyết đơn thư khiếu nại của ông Sáng là vi phạm khoản 1 Điều 36 của Luật Khiếu nại tố cáo. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo kiểm điểm đối với đơn vị, cá nhân liên quan để xảy ra sai sót trong quá trình tổ chức làm công tác miễn nhiệm không đúng quy định. Thanh tra Chính phủ phải kiến nghị Thủ tướng thu hồi quyết định của Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo nhưng không biết vì lý do gì Thanh tra Chính phủ lại không làm như vậy. Mặt khác Bộ Giáo dục –Đào tạo cũng chưa thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

 

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, ngành Công an cần cương quyết hơn nữa trong việc trấn áp tội phạm đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân. Bên cạnh đó, các đại biểu nêu các  ý kiến về xử lý vi phạm hành chính, cần tăng cường công cụ và phương tiện cho người thi hành công vụ tự tin khi trấn áp tội phạm. Những sự cố đáng tiếc xảy ra là, một phần do vũ khí được trang bị hiện nay là vũ khí quân dụng. Vì thế cần trang bị vũ khí công vụ cho lực lượng này. Hành lang pháp lý về sử dụng vũ khí cũng cần được hoàn chỉnh./.

Đỗ Hưng

(http://vovnews.vn)

Các bài viết khác